Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ô nhiễm không khí 'đánh thức tế bào ung thư' ở người không hút thuốc

Nghiên cứu mới đây cho thấy không khí ô nhiễm có thể kích thích đột biến gene gây ung thư ở cả những người không hút thuốc.

Ô nhiễm không khí khiến gần 9 triệu người tử vong/năm trên toàn thế giới. Ảnh: iStock.

New York Post đưa tin vào 5/4, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature phân tích tình trạng bị ung thư phổi ở những đối tượng không hút thuốc. Các nhà nghiên cứu sử dụng chuột làm đối tượng thử nghiệm. Họ phát hiện việc tiếp xúc ô nhiễm không gây ra đột biến mà gây viêm, thúc đẩy sự phát triển của các đột biến sẵn có.

Theo Charles Swanton, giáo sư thuộc Viện Francis Crick ở London, thành viên nhóm nghiên cứu, các đột biến gây ung thư thường không hoạt động ngay mà tích lũy tự nhiên theo thời gian.

Giáo sư Swanton cho biết: “Chúng tôi chứng minh ô nhiễm không khí đánh thức và kích thích các tế bào đột biến ung thư trong phổi".

Chuyên gia ước tính mỗi năm, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 9 triệu ca tử vong có thể ngăn ngừa được. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết 99% dân số thế giới đang hít thở không khí độc hại.

Hút thuốc thường là nguyên nhân ung thư phổi nhưng ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra căn bệnh chết người này. Serena Nik-Zainal, nhà di truyền học y tế ở Đại học Cambridge, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với chất gây ung thư có thể khiến bạn bị ung thư mà cần tác động đến DNA. Không phải mọi chất gây ung thư đều là chất gây đột biến".

Để điều tra hiện tượng này, giáo sư Swanton và đồng nghiệp thu thập dữ liệu về môi trường và dịch tễ học từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Canada và Vương quốc Anh. Họ tập trung vào những cá nhân mang đột biến gen EGFR, loại gen xuất hiện thường xuyên hơn ở những người không hút thuốc.

Sau khi mô phỏng đột biến gen lên chuột, nhóm nghiên cứu cho loài gặm nhấm tiếp xúc ô nhiễm không khí hoặc hạt vật chất 2,5 (PM2.5) và thấy không xảy ra đột biến tế bào nhưng tình trạng viêm nhiễm tăng.

Allan Balmain, nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học California, San Francisco, nói: “Ô nhiễm không khí gây ra ung thư không phải do nó tạo ra các đột biến mới. Tình trạng viêm kéo dài trở thành viêm mạn tính mới là nguyên nhân khiến các tế bào đột biến phát triển thành khối u”.

Các tác giả viết rằng họ tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa mức độ PM2.5 và tỷ lệ mắc ung thư phổi của 32.957 trường hợp ung thư phổi do EGFR.

PM2.5 có mối liên hệ với các vấn đề sức khỏe khác như đau tim và đột quỵ. Các hạt gây ô nhiễm là kết quả của khói, khí thải xe cộ và khí thải của nhà máy điện. Chúng có kích thước nhỏ nên có thể đi vào phổi và máu.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một số tế bào miễn dịch có chứa protein kích thích viêm, IL-1β, khi di chuyển tới vị trí viêm. Bằng cách ngăn chặn protein đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở chuột giảm. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu các nhà lập pháp cải thiện biện pháp chống lại ô nhiễm, tình trạng bệnh tật sẽ được giảm.

Giáo sư Swanton cho biết: “Nghiên cứu có thể giúp chúng tôi tìm ra những cách tốt hơn để ngăn ngừa và điều trị ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc. Nếu có thể ngăn chặn việc tế bào phát triển để đối phó ô nhiễm không khí, chúng ta có thể giảm nguy cơ ung thư phổi”.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư. Nhưng các triệu chứng của nó thường khó thấy ở giai đoạn đầu hoặc dễ nhận nhầm với nhiều bệnh lý khác.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm