Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ở nhờ rồi chiếm nhà của cháu gái, bị đơn thua kiện

Mua giúp cháu gái nhà, ông Bình cùng gia đình dọn đến ở nhờ. Hơn 20 năm sau, ông ta đuổi chủ nhà ra đường khi họ từ nước ngoài về.

TAND Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm vụ kiện đòi tài sản giữa hai chú cháu ruột, hôm 23/5.

Chỉ vì muốn chiếm căn nhà của cháu gái, ông Bình (68 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đuổi mẹ con cháu gái ra khỏi nhà khi họ về nước học tập, công tác.

Chủ nhà bị người ở nhờ đuổi ra đường

Được bà Tuệ (59 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) ủy quyền, người đại diện trình bày tại tòa cho biết, cách đây gần 40 năm, bà Tuệ lấy chồng người Việt gốc Hoa. Sau đó cả gia đình họ sang Nhật Bản định cư.

Khi đã ổn định cuộc sống, người đàn bà xa xứ vẫn đau đáu nhớ về quê hương nên thường xuyên trở về thăm nhà.

Cùng thời gian này, do phải làm ăn với nhiều người ở Hà Nội nên bà Tuệ có nhu cầu mua nhà ở đây. Để mua được nhà, người phụ nữ mang quốc tịch nước ngoài phải nhờ người đứng tên tài sản thay mình.

Do cha mất sớm, bà Tuệ phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Bình (chú ruột, khi đó đang công tác tại Hà Nội). Nhận lời, ông Bình tìm mua giúp cô cháu gái căn nhà nhỏ 2 tầng ở quận Cầu Giấy.

Để đáp lại công ơn chú, mỗi khi về Việt Nam, bà Tuệ lại đưa cho ông Bình tiền, mua sắm quần áo cho gia đình họ.

Nhận nhà, bà Tuệ bỏ tiền ra sửa sang, mua sắm nhiều nội thất. Thấy nhà cháu gái để không, ông Bình ngỏ lời cho mình và vợ con vào ở. Nghĩ nhà để không sẽ xuống cấp, bà Tuệ đồng ý.

Vào được căn nhà, ông Bình đã bán hết đồ đạc do bà Tuệ sắm để lấy tiền tiêu pha. Thậm chí, khi hai người con trai của bà Tuệ từ Nhật về Việt Nam học đại học, chúng cũng bị ông Bình đuổi.

Chiem doat nha cua chau gai anh 1

Nguyên đơn, bị đơn chờ HĐXX vào nghị án.

Ảnh: Vân Thanh.

Tố con trai hư hỏng

Trước lời khai trên, bị đơn cho rằng căn nhà trên thuộc sở hữu của mình. “Căn nhà này tôi mua năm 1992 bằng tiền tiết kiệm và tiền vay từ người anh họ trong Đà Nẵng. Ngoài ra là cháu Tuệ cho tôi 36 chỉ vàng", ông Bình nói.

Tiếp lời, ông khẳng định việc bà Tuệ có trong tay sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà… là do bà ta mượn rồi không trả.

Thấy vậy, đại diện VKS hỏi bị đơn những chữ ký trong Giấy xác nhận tài sản, Giấy cam đoan tài sản là nhà do bà Tuệ mua… có phải do ông ký không bởi chữ ký này đã được giám định, kết luận là của ông. Ông Bình trả lời: "Tôi thấy chữ ký này là do sai sót của người giám định".

Trước những lời khai trên, HĐXX công bố một số lời khai của nhân chứng, người liên quan. Trong đó có lời khai của vợ chồng Hải - con trai ông Bình hiện đang sinh sống tại căn nhà đang bị tranh chấp. Những người này đều khẳng định nhà thuộc quyền sở hữu của bà Tuệ.

Phản bác lại lời khai của con trai, ông Bình nói: “Hải nó là con trai tôi nhưng nó là đứa con hư hỏng. Tôi xin việc cho nó, nó cũng không đi. Tôi cho đi học sửa chữa ti vi về nó cũng không làm… Bà Tuệ đã lợi dụng mối quan hệ cha con tôi để lôi kéo nó chống đối lại tôi”.

Trong phần tranh luận, bà Tuệ cũng trình bày quan điểm của mình. “Tôi không bao giờ muốn mất đi tình cảm chú cháu. Tôi vẫn bảo chú tôi chỉ vì muốn chiếm nhà của tôi mà chú nhẫn tâm đánh mất tình cảm máu mủ thì thật đau lòng", bà Tuệ nói.

"Đây chỉ là một trường hợp cá biệt. Ở Việt Nam không phải chỗ nào cũng như vậy", vị chủ tọa nói trước khi vào nghị án nói.

Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, HĐXX TAND Hà Nội tuyên những người đang sinh sống trong căn nhà trên phải trả lại nhà cho bà Tuệ vì toàn bộ tiền mua căn nhà trên là của người phụ nữ 59 tuổi.

Toàn buộc ông Bình phải đến cơ quan chức năng sang nhượng quyền sở hữu nhà cho bà Tuệ. Bên cạnh đó phán quyết cũng yêu cầu bà Tuệ phải trả ông Bình hơn 3 tỷ đồng tiền trông nom, nâng cấp để ngôi nhà có giá trị như hiện nay.

Kết thúc phiên tòa, bà Tuệ nói sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo. 


Vân Thanh

Bạn có thể quan tâm