Theo lịch thì cuối tháng 8 học sinh mới đến trường, tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tháng, các thầy cô trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu (xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chuẩn bị hành lý vượt quãng đường hàng chục, có khi hàng trăm km, từ nhà đến trường để kịp vận động các em đến lớp.
Vượt suối, băng rừng
Tu Mơ Rông là một trong những huyện có điều kiện khó khăn, đường xá và cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn của tỉnh Kon Tum. Do đó, các thầy cô trường Ngọc Yêu hiểu được nỗi cơ cực của người dân.
Có mặt tại ngôi trường nằm lẩn khuất sau những màn sương sớm, chúng tôi theo chân các thầy cô đến từng mái nhà trong bản. Do đường lởm chởm, có những đoạn sình lầy trơn trượt sau trận mưa đêm khiến cả đoàn phải chật vật lắm mới đi qua được. Mặc dù quần áo, giày dép nhuộm bùn nhưng các thầy cô vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc.
Phụ huynh và học sinh tập trung ở nhà cộng đồng tâm sự cùng thầy cô. Ảnh: Đức Huy/Gia Đình Xã Hội. |
"Quần áo lấm bẩn như vậy là chuyện bình thường cô chú ạ. Trước đây đường còn xấu hơn, có khi cả người và xe lao vào vũng bùn. Việc trầy xước trên cơ thể là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, khi thấy các em đến trường đi học đầy đủ là mọi người đều quên hết đau đớn, khổ cực", thầy Võ Văn Cương - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu cho biết.
Đến nay, thầy Cương có 15 năm gắn bó với ngôi trương thân thương này. Nói về hành trình vận động học sinh tới lớp, thầy Cương chia sẻ: "Phải thú thực đấy là một hành trình dài, gian nan và vất vả. Thời điểm khi tôi mới đặt chân tới mảnh đất này, dân trí còn thấp. Khi đó, việc đến lớp học của các em nhỏ là điều vô cùng xa xỉ. Người dân chỉ tập trung làm nương rẫy, có gia đình còn cấm con em đến trường vì không ai phụ giúp việc nhà.
Nhưng vượt lên tất cả, bằng tình thương yêu học sinh, muốn các em xóa nạn mù chữ, tập thể các thầy cô trường Ngọc Yêu vẫn miệt mài gõ cửa từng mái nhà để vận động, thuyết phục.
Đối với những gia đình khó vận động, thầy cô sử dụng phương pháp "mưa dầm thấm lâu", hết ngày này qua ngày khác đều ghé nhà. Có hôm thầy cô xin ở lại để thuyết phục bố mẹ các em.
Cứ thế, phụ huynh cũng động lòng và cho các em đến trường học con chữ. Có lẽ chính vì vậy mà tình cảm của thầy cô giáo trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Ngọc Yêu và bà con nơi đây ngày càng khăng khít hơn".
Ước mơ con chữ
Sau hơn 20 phút đi bộ với những câu chuyện ngược dòng thời gian của thầy Cương, chúng tôi cũng đến làng Ba Tu 1 (xã Ngọc Yêu), dừng chân trước căn nhà ván lụp xụp với làn khói bếp nghi ngút sau nhà.
Lúc này, A Khuyến (học sinh lớp 7, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu), với thân hình nhỏ thó cùng nước da đen nhẻm, thập thò trước cửa nhìn ra. Khi thấy cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp mình, Khuyến mới từ từ bước ra chào mọi người.
Nhà A Khuyến chẳng có gì giá trị, chỉ vỏn vẹn chiếc chiếu cũ nhàu trải dưới đất cùng mớ quần áo treo trên cây sào. A Khuyến có hoàn cảnh hết sức éo le khi bố mất sớm vì căn bệnh hiểm nghèo. Gia đình lúc nào cũng trong tình cảnh chạy ăn từng bữa.
Sau những lời động viên, chia sẻ của các thầy cô, cậu học trò nhỏ rơm rớm nước mắt hứa sẽ cố gắng tới lớp để theo học con chữ. Học trò vừa nói dứt lời, cô Nga ôm chầm lấy A Khuyến vào lòng vỗ về. Sau khi thông báo lịch đi học, cả đoàn chúng tôi lại lên đường đến những nhà học sinh khác.
Dừng chân tại một căn nhà cách đó không xa, thầy Cương gọi vọng vào bằng tiếng Xê Đăng. Ngay sau đó, phía sau nhà giọng một cụ bà trả lời vọng lên cũng bằng tiếng bản địa.
Thầy Cương chào bà nội của A Khuôn rồi hỏi thăm sức khỏe, sau đó thông báo lịch đến trường cho A Khuôn. Nán lại uống chén nước trà ấm, nghe câu chuyện của gia đình A Khuôn, chúng tôi mới hay, bố em đã mất cách đây 3 năm, từ đó mẹ em trở thành trụ cột của gia đình để nuôi 2 con ăn học.
Thấy mẹ vất vả, có lúc A Khuôn nghĩ sẽ dừng học để ở nhà phụ giúp mẹ. Khi thầy cô đến động viên, khuyên nhủ A Khuôn tới lớp, em òa khóc. A Khuôn nức nở: "Em vẫn muốn đến trường, vẫn muốn học con chữ và thích chơi với các bạn nhưng em thương mẹ nhiều lắm vì vất vả".
Lúc này, thầy cô động viên, hứa giúp em trong việc học và cuộc sống nên A Khuôn gạt nước mắt, hứa với thầy cô sẽ tiếp tục học con chữ với hy vọng thoát nghèo và sẽ có ngày không để mẹ phải khổ cực nữa.
Thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu, cho biết năm học 2019-2020, trường có 100 học sinh nhập học, trong đó 100% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Số học sinh này ở 8 thôn làng của xã, trong đó thôn xa nhất cách trường hơn 10 km. Do đó, trước khi vào năm học mới 15, thầy cô lên trường sớm hơn để đến từng nhà học sinh vận động các em đến lớp.
Dù đường sá còn khó khăn, nhiều đoạn thầy cô phải đi bộ hay băng rừng, vượt suối, tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đến trường đều đạt 100%. Theo thống kê của trường, từ năm 2016 đến nay, 63 em tốt nghiệp THPT. Trong đó, 9 em học trung cấp, 23 em đỗ đại học và cao đẳng. Bên cạnh đó, 6 em quay về xã làm cán bộ.
Liên quan vấn đề này, ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết do cuộc sống của người dân tại khu vực này còn nhiều khó khăn nên mỗi khi hè về các em học sinh lại lên nương rẫy phụ gia đình.
Bên cạnh đó, những ngày đầu năm học vào đúng mùa mưa, đường sình lầy, trơn trượt, các em ngại đến lớp. Giáo viên phải đến từng nhà hay lên tận nương rẫy thông báo cho phụ huynh và học sinh lịch đến lớp.
Cũng theo lời ông Hơn, năm học này, huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp ngành giáo dục, tuyên truyền vận động học sinh đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học. Riêng các thầy cô giáo tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu, ông Hơn nhận xét hàng chục năm qua, tập thể thầy cô giáo tại trường luôn làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp. Ngôi trường này là lá cờ đầu để các trường khác học tập và noi theo.