Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ở nơi làm việc, đừng bao giờ nói hai từ 'em tưởng'

Người hay biện minh, sống bị động khó ghi điểm trong mắt người khác. Khi chủ động và dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc, thành công sẽ đến với bạn.

“Em tưởng ngày mai chị mới về nên em định tối nay mới gửi kế hoạch ạ”.

“Khách hàng dời ngày làm việc lại, em tưởng chị chưa về nên chưa báo lại ạ”.

"Em tưởng chị ký rồi nên em chuyển xuống các bạn".

Thanh Hương (30 tuổi, trưởng phòng marketing của một công ty quảng cáo) cho biết cô phải khổ sở với nhân viên vì lúc nào cũng dùng “em tưởng” để biện minh không hoàn thành công việc.

“Em tưởng chị chưa về”, “Em tưởng deadline là tối mai”, “Em nghĩ mình nên làm thế này vì tưởng là nó đúng hơn”...

Đau đầu. Stress. Áp lực. Đủ mọi thứ đổ dồn lên đầu người “làm sếp” như cô. Cô cũng quá mệt mỏi với muôn kiểu lý do của nhân viên, từ “em tưởng” đến “em xin lỗi”.

Thực tế, cô không muốn nghe. Hương chỉ muốn nhân viên và mình hoàn thành công việc thật tốt. Những lý do như công việc áp lực, lý do cá nhân… cô không quan tâm.

Khi đi làm, ai cũng muốn mình có công việc yêu thích, lương cao, sớm lên chức. Tuy nhiên, làm việc không hiệu quả, lúc nào cũng đưa lý do biện minh chỉ khiến bạn mất điểm trong mắt người khác. Thông minh thôi chưa đủ, thành công của một người phụ thuộc rất nhiều vào thái độ.

Luoi bieng trong cong viec anh 1
Áp lực công việc ai cũng có, than vãn và biện minh chỉ làm bạn mất điểm. Ảnh: VectorStock.

“Áp lực? Em có, chị cũng có!”

Đấy là câu nói Hương thường dùng mỗi khi nhân viên đưa đủ mọi lý do để “trốn việc”. Lần đi công tác này về cũng như thế. Hương luôn trong trạng thái căng thẳng mỗi khi nhân viên không hoàn thành công việc.

Cấp dưới của cô cùng lắm bị trách mắng vài câu. Nhưng với bản thân Hương, là một leader, cô luôn chịu sự soi mói của sếp lớn.

“Với cấp dưới, mình là sếp. Nhưng khi nhìn lại, mình cũng chỉ là nhân viên làm công ăn lương. Mình phải chịu áp lực từ khách hàng, cấp trên, lại còn bị nhân viên nề hà mỗi khi lên tiếng trách mắng. Mang tiếng làm sếp chẳng khác gì làm dâu trăm họ”.

Với ý nghĩ đấy, cô luôn cứng rắn trong công việc. Một lần, cô có thể cho qua. Nhưng hết lần này đến lần khác, Hương không thể chấp nhận những biện minh của nhân viên nữa.

“Em tưởng? Vậy chị có thể an tâm mà tưởng em hoàn thành xong việc được không?”.

Luoi bieng trong cong viec anh 2
Công việc không bao giờ nuôi người nhàn hạ, tập thể cũng không nuôi những kẻ lười”. Ảnh: Pinterest.

Hương giải thích cô hoàn toàn không muốn làm khó hay gây áp lực với nhân viên làm gì. Chỉ là cô rất bực mình với ai cẩu thả trong công việc, làm việc không có tâm, đặc biệt là người lười.

“Không có việc gì là dễ làm, dễ kiếm tiền cả. Cũng đừng ai lấy lý do áp lực để thoái thác công việc. Công việc không bao giờ nuôi người nhàn hạ, tập thể cũng không nuôi những kẻ lười”, Hương khẳng định.

Thành công của con người phụ thuộc nhiều vào thái độ

Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Cuộc sống là thế, nếu muốn thành công, đừng bao giờ giở thói lười biếng.

"Ôi công việc áp lực quá", "Ôi mình bị stress quá, làm thế nào để qua khỏi cơn bão deadline đây", "Ôi nhiều việc quá, khi nào mình mới hoàn thành".

Đấy là những lời chúng ta thường than vãn mỗi khi gặp áp lực trong công việc. Lẽ thường, khi cố gắng hoàn thành việc được giao, họ cảm giác được giải tỏa căng thẳng. 

Nhưng với những người đợi nước đến chân mới nhảy, đặc biệt là khi không xong việc, họ thường lấy lý do "Em tưởng thế này, em thấy thế kia".

Trên thực tế, không ai quan tâm lý do bạn không hoàn thành công việc là gì. Cũng không ai muốn biết trong quá trình làm việc, bạn phải gặp khúc mắc gì. Thứ cấp trên cần biết là sản phẩm bạn làm ra, những thứ bạn làm có thực sự hiệu quả hay không.

Luoi bieng trong cong viec anh 3
Thành công của con người phụ thuộc nhiều vào thái độ làm việc. Ảnh: istock.

Tuy nhiên, một sản phẩm tốt, một công việc hiệu quả không thể làm ra bởi những người có thái độ làm việc hời hợt, thiếu trách nhiệm. 

Vì vậy, có người cho rằng thành công của một người phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của họ. Nói ra điều này, sẽ có người cho rằng chúng quá mơ hồ.

Tuy nhiên, chúng ta mơ hồ là do trong những năm tháng đáng ra ta nên phấn đấu, nên làm việc chăm chỉ thì ta lại nghĩ quá nhiều nhưng làm quá ít. Vì vậy, nếu đã gọi là người trẻ, nếu ta không tranh thủ cố gắng thì tự bỏ qua thanh xuân trong vô nghĩa rồi.

"Làm việc có tâm ắt sẽ thành công"

Hoàng Nghĩa (24 tuổi, TP.HCM) mỗi ngày đều đối mặt với proposal, deal giá với khách hàng. Khoảng một tháng nay, anh liên tục được cấp trên quan tâm, có "mối" ngon đều để cho Nghĩa làm.

"Sếp nói mình được việc, ít than vãn và chịu khó".

Nhưng đó là chuyện của hiện tại. Khoảng một tháng trước, anh cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng trong công việc, không muốn làm quá nhiều, bỡ ngờ từ chuyện dậy đi làm sớm cho đến việc ôm đồm một lúc nhiều dự án.

"Lúc đấy, mình chỉ nghĩ đơn giản, việc gì phải làm nhiều việc, cứ một ngày 8 tiếng, xong việc thì cứ về. Bán sức lao động chỉ làm mình thêm mệt mỏi", Nghĩa nói.

Luoi bieng trong cong viec anh 4
Khi chủ động và dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc, thành công sẽ đến với bạn. Ảnh: Pinterest.

Tuy nhiên, khi suy nghĩ lại, Nghĩa chợt nhận ra những điểm khác lạ: Thái độ của sếp lơ là, không được giao những thứ quan trọng, lương thì cứ mãi giậm chân tại chỗ...

Đến khi quyết định thay đổi, Nghĩa thấy mình được nhiều hơn mất. Sếp quan tâm hơn, công việc thuận lợi hơn, tiền về túi nhiều hơn...

"Hãy làm việc bằng cái tâm. Mình nhận ra rằng người thành công không bao giờ là người bị động, đợi người khác sắp xếp công việc cho mình. Khi chủ động và dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc, thành công sẽ đến với bạn", Hoàng Nghĩa nói. 

Thời buổi thả thính công khai nhưng yêu đương lại bí mật

“Yêu ai là việc của bạn, muốn công khai hay không nào phải là chuyện của mình. Nhưng đừng yêu đương bí mật, than ế cho vui, rồi thả thính khắp nơi nữa”.




Hoài Vỹ

Bạn có thể quan tâm