Ở Thái Bình có thể đăng ký thi đại học GTVT TP.HCM?
Thí sinh ở Thái Bình muốn đăng ký vào trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM thì có thi ở cụm Vinh được không? Học ngành Tự động hóa ra thì sẽ làm gì và cơ hội việc làm ra sao?
Câu hỏi: "Năm nay em muốn đăng kí thi vào Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Em nghe nói là những trường ở khu vực phía Nam có đặt cụm thi tại Vinh có đúng không ạ? Em ở ngoài Thái Bình, em đăng kí thi tại Vinh hay phải vào tận Sài Gòn?" - bạn Lưu Linh ở email alehap....@gmail.com.
Thầy Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ: "Năm nay theo quy định, các thí sinh có hộ khầu tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng trị nếu muốn dự thi vào các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM sẽ dự thi tuyển sinh tại Vinh. Em có hộ khẩu tại Thái Bình nên không thuộc diện này nên nếu thi vào các trường nói trên em phải thi tại TP.HCM.
Câu hỏi: "Xin cho em hỏi học ngành Tự động hóa ở trường ĐH Giao thông vận tải ra thì làm được những gì nghề gì? Hiện nay cơ hội làm việc của ngành này có cao không? Điểm chuẩn thi vào ngành này năm ngoái là bao nhiêu ạ!" – Bạn Nguyễn Thế Trung, ở email trunglove...@yahoo.com
Thầy Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (D520216) (Chuyên ngành Tự động hóa công nghiệp) tại trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan:
- Về lý thuyết điều khiển tự động tương tự và số. Các phương pháp phân tích và tổng hợp hệ thống tự động. Ứng dụng CAE (Computer Aided Engineering).
- Về các thiết bị thu nhận và truyền thông tin, các cơ cấu điều khiển: các loại truyền động điện, thiết bị điện, động cơ thuỷ lực và khí nén, robot, máy CNC; các bộ phận điều khiển ứng dụng điều khiển thủy khí, kỹ thuật điện tử tương tự, kỹ thuật số, kỹ thuật vi xử lý, máy tính, PLC. Phương pháp phân tích và tổng hợp các quá trình tự động điều khiển.
- Về thiết kế, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện, điện tử ở các xí nghiệp, nhà máy, khả năng tổ chức, điều hành các nhóm vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện, điện tử và máy điện thông dụng trong công nghiệp...
Học tự động hóa ra có nhiều cơ hội làm việc như kỹ sư vận hành - bảo trì, kỹ sư điện công nghiệp.... |
Sau khi tốt nghiệp, em có thể đảm nhận các vị trí sau:
- Kỹ sư vận hành và bảo trì (Serviceman): bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử, tự động.
- Kỹ sư điện công nghiệp (Electrotechnical Engineer): bảo đảm cung cấp điện, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống cung cấp điện và thiết bị điện cho nhà máy, khu dân cư …
- Chuyên gia hệ thống (System Designer/ Specialist) phân tích nhu cầu về hệ thống điện, tự động hoá của các công ty, nhà máy, tàu thủy, giàn khoan.
- Kỹ sư lập trình ứng dụng (Programmer), lập các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, các bộ điều khiển lập trình.
- Tư vấn (Consultant) cung cấp các tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo...
Điểm trúng tuyển năm 2011 của ngành này là 13,0.
Theo Infonet.vn