Vài giờ trước thảm kịch ở Itaewon, cảnh sát nhận được nhiều cuộc gọi xin giúp đỡ khẩn cấp. |
Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi thảm họa Itaewon cướp đi sinh mạng của ít nhất 156 người tại một khu phố đêm nổi tiếng ở trung tâm Seoul. Theo Korea Herald, những gì diễn ra trước và sau vụ việc phơi bày khoảng cách thế hệ sâu sắc giữa người lớn tuổi và lớp trẻ tồn tại trong lòng xã hội Hàn Quốc.
Khi vụ tai nạn lần đầu tiên được đưa tin trên Naver News, một trong những cổng thông tin phổ biến nhất ở Hàn Quốc, nhiều bình luận - phần lớn là của người Hàn Quốc ở độ tuổi 40 - bày tỏ sự chỉ trích lớp thanh niên vì đã kéo đến khu phố Itaewon đông đúc để ăn mừng dịp Halloween, một lễ hội vốn không phải truyền thống ở đất nước này.
Những ý kiến chỉ trích hơn cho rằng dù vụ việc là một tai nạn thương tâm, những người trẻ tuổi cần chịu trách nhiệm chính vì để xảy ra thảm kịch.
Đêm 29/10, ước tính có khoảng 100.000 người đã đổ về Itaewon ở quận Yongsan, Seoul, nhưng chỉ có 137 sĩ quan có mặt tại hiện trường, hầu hết là cảnh sát giao thông và phòng chống tội phạm. |
Trốn tránh trách nhiệm
Nghi vấn người đi chơi Halloween sử dụng ma túy được đưa ra nhanh chóng ngay sau khi công chúng biết tới tính nghiêm trọng của vụ việc. Một trong những câu hỏi đầu tiên mà một phóng viên đặt ra tại cuộc họp giao ban của cảnh sát vài giờ sau thảm kịch là liệu có báo cáo nào về việc sử dụng chất cấm trong đêm tiệc hay không.
Sau đó, các nhà chức trách có động thái trốn tránh trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lee Sang Min từng nói rằng vụ chèn ép trong đám đông vẫn xảy ra ngay cả khi một lực lượng cảnh sát lớn hơn đã được thiết lập ở Itaewon. Trong khi đó, người đứng đầu Văn phòng quận Yongsan Park Hee-young cho biết cơ quan này đã làm tất cả những gì trong khả năng để cứu vãn tình hình.
Tuy nhiên, nghi vấn về sự thiếu trách nhiệm của chính phủ, cơ quan chức năng bắt đầu xuất hiện rõ. Sự chỉ trích đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thị trưởng thành phố Seoul ngày càng tăng.
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất tới công chúng, với tư cách bộ trưởng chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của người dân", ông Lee Sang Min phát biểu và cúi đầu trước các nghị sĩ và ống kính ghi hình tại phiên họp quốc hội hôm 1/11. |
Theo các chuyên gia Hàn Quốc và nước ngoài, thảm kịch hoàn toàn có thể được ngăn chặn, nếu cơ quan chức năng biết lên phương án đề phòng từ trước.
"Năm nay không phải là lần đầu tiên đám đông tụ tập vào Halloween, nhưng không có biện pháp đối phó nào từ bộ phận phụ trách an toàn thiên tai trong quản lý sự di chuyển của mọi người, chẳng hạn như đặt dải phân cách, thiết lập đường một chiều, kéo dài giờ hoạt động của các chuyến tàu đến ga Itaewon trong dịp cuối tuần", Hwang Seung-sik, giáo sư tại Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, lập luận.
Hôm 1/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người đứng đầu Văn phòng quận Yongsan, Cảnh sát trưởng Quốc gia Yoon Hee-keun và Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon - người không có mặt ở thủ đô khi vụ tai nạn xảy ra - đều phải công khai xin lỗi về thảm họa, sau khi làn sóng chỉ trích ngày một dữ dội.
Theo thông tin mới nhất, người dân đã gọi khẩn cầu cứu cảnh sát 4 tiếng trước khi thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon xảy ra nhưng cảnh sát không có hành động kịp thời.
Báo cáo tiết lộ bản ghi từ 11 cuộc gọi khẩn cấp, cho thấy những người gọi đến cảm thấy họ sắp bị đè chết và yêu cầu giúp đỡ.
Đổ lỗi cho giới trẻ
Một số chuyên gia cho rằng thảm kịch một phần xuất phát từ sự thất bại của thế hệ lớn tuổi - những người đang nắm giữ chức vụ trong các tổ chức chính phủ - trong việc tìm hiểu văn hóa của giới trẻ.
Koo Jeong-woo, giáo sư tại khoa Xã hội học của Đại học Sungkyunkwan, cho rằng các thế hệ lớn tuổi không hiểu và cũng không có hứng thú hay ý định tìm hiểu văn hóa của thanh niên.
“Họ chủ yếu nghĩ Halloween chỉ là sự kiện nhỏ và tự hỏi tại sao giới trẻ lại phát cuồng vì nó. Vì vậy, nhiều nhân viên cảnh sát đã được huy động để kiểm soát các cuộc mít tinh và biểu tình vào cùng hôm đó, dù đám đông ở Itaewon chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro hơn".
Có hơn 130.000 người tụ tập ở Itaewon, nhưng chỉ có 137 nhân viên cảnh sát được triển khai tại địa điểm này. Nhiều người trong số họ tập trung vào việc kiểm soát ma túy và tội phạm tình dục. Điều này trái ngược với việc huy động hơn 4.000 cảnh sát tại các cuộc mít tinh được tổ chức ở Gwanghwamun và Samgakji trong cùng ngày.
Một người dân đến viếng bàn thờ trước lối ra số 1 của ga Itaewon ở quận Yongsan. |
Giáo sư Seol Dong-hoon của Đại học Quốc gia Chonbuk cho biết khi một vụ tai nạn xảy ra, người ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho nạn nhân.
"Chuyện đó rất dễ dàng nhưng bạn cần phải cẩn thận. Halloween thực chất là một sự kiện văn hóa mà nhiều bạn trẻ đã thích từ khi còn nhỏ tuổi. Kể từ những năm 1990, lễ hội hóa trang đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc trong các trường mẫu giáo, tiểu học, khi các giáo viên đã cho học sinh tiếp xúc với nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa đại chúng Mỹ, bao gồm cả Halloween", vị giáo sư phân tích.
“Không có gì sai khi tận hưởng nó. Điều này giống như cách sinh viên đại học trong những năm 1980 đã thích tận hưởng lễ Giáng sinh, ngày lễ Tình nhân 14/2 và Valentine Trắng. Việc chỉ trích một người vì họ thích đi chơi dịp ngày lễ là vô lý", ông nói thêm.
Lee Taek-gwang, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học Kyung Hee, cho biết những người trẻ tuổi cảm thấy thất vọng và bất lực khi thấy thế hệ lớn tuổi đổ lỗi cho họ về thảm họa.
“Ở thế hệ của tôi, sự công nhận về mặt xã hội chủ yếu đến từ bạn bè, cha mẹ, người thân, giáo viên và những người xung quanh. Nhưng bây giờ, những người ở độ tuổi 20 và 30 không như vậy", Lee nói trong một cuộc phỏng vấn trên YTN.
Theo phân tích của nam giáo sư, được thừa nhận trên mạng xã hội có tác động rất lớn đến giới trẻ và thú vui ăn mừng Halloween được hình thành theo cách đó, như một nét văn hóa trong một xã hội ngày càng toàn cầu hóa.
“Khi tôi nhìn thấy những bình luận ác ý cố gắng đổ lỗi cho các nạn nhân về văn hóa Halloween, tôi đã nghĩ rất nhiều về điều gì sẽ xảy ra nếu xã hội này tiếp tục như vậy", ông nói thêm.
Những ngày này, nhiều người dân bày tỏ sự tiếc thương đối với các nạn nhân trẻ tuổi đã qua đời ở tuổi đôi mươi, thông qua những cuốn sổ tưởng niệm được đặt tại các bàn thờ chung.
Một người dân đã viết trên tờ giấy nhớ tại một bàn thờ ở thành phố Gwangju: "Tôi xin lỗi vì những người lớn đã làm sai. Tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng vì một Hàn Quốc an toàn".
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.