Sáng 18/10, Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) diễn ra với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, đại diện tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp OECD thực hiện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Mathias Cormann - Tổng thư ký OECD - nhận định trong tương lai gần, triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam phần nào không chắc chắn do một số yếu tố tình hình thế giới.
Tuy vậy, ông Cormann đề cập tới tỷ lệ lạm phát khá thấp của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác, trong khi triển vọng tăng trưởng vẫn tương đối mạnh. Ông trích dẫn báo cáo OECD dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt 6% cả năm nay và năm sau.
“Điều này phần nào sẽ được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi các công ty trong OECD tìm đến Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, ông nhận định.
Trên nền tảng trao đổi về chủ đề chuỗi cung ứng diễn ra trước đó vào ngày 17/10, Diễn đàn Kinh tế cao cấp OECD - Việt Nam tập trung thảo luận về việc thu hút đầu tư chất lượng cao cho chuyển đổi số và phát triển xanh. Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp về sản xuất và năng lượng tái tạo và sự kiện kết nối doanh nghiệp cũng được tổ chức.
Chủ đề của 2 ngày diễn đàn là “Kết nối khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”. Diễn đàn là hoạt động quan trọng đầu tiên của Chương trình SEARP giai đoạn 2022-2025, là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động của OECD diễn ra tại Hà Nội ngày 17-21/10.
“Chưa từng có tiền lệ”
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - cho hay nhiều năm qua, bộ đã có nhiều văn bản phối hợp với OECD trong khuôn khổ hợp tác Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong năm 2017 - năm APEC khi Việt Nam là chủ nhà.
“Những quan tâm này đều rất thiết thực, giúp đóng góp những ý tưởng hữu ích có chất lượng phục vụ công cuộc phát triển đất nước của Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao vai trò và sự giúp đỡ hợp tác của OECD với Việt Nam vừa qua”, ông Dũng chia sẻ.
Ông cho biết thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với OECD trong các hoạt động liên quan khuôn khổ Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và OECD.
Theo bộ trưởng, quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD trong các hoạt động này rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”.
Có những hoạt động các bộ, các ngành rất tích cực, và chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều văn bản. Trong khi đó, các bộ, ngành đều đón tiếp rất thịnh tình và trao đổi cởi mở, thẳng thắn các nội dung trên tinh thần xây dựng với các chuyên gia của OECD.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc sự kiện sáng 18/10. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch Covid-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp, khó lường trên thế giới.
Trong quá trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. “Các chính sách tập trung vào thúc đẩy, phục hồi kinh tế một cách mạnh mẽ”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, hiện Bộ đang tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, tìm ra nội dung tăng trưởng mới trong giai đoạn tới, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
“Đây là tham vọng và mục tiêu lớn”, ông Dũng nói. “Do đó, chúng tôi cần sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, bạn bè và các đối tác từ các nước giúp chúng tôi trong việc hình thành chính sách và đáp ứng các vấn đề cần tập trung ưu tiên giải quyết trong từng giai đoạn”.
“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và mong đợi được chia sẻ tại diễn đàn, đặc biệt là vấn đề trong điều hành, cải cách kinh tế, quản trị doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy thu hút dòng vốn FDI”, bộ trưởng nói thêm.
Triển vọng tăng trưởng tương đối mạnh
Phát biểu tại diễn đàn, ông Mathias Cormann - Tổng Thư ký OECD - nhận định Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều cơ quan chính sách, trong đó hợp tác cùng OECD đánh giá chính sách quốc gia.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cho phép xem xét những chỉ số quan trọng, bên cạnh việc có thêm những công cụ, ví dụ như ký kết Công ước đa phương về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
Chia sẻ về vị trí kinh tế và tiềm năng chính sách của Việt Nam, ông Mathias Cormann cho rằng cần phải ghi nhận những tiến bộ xã hội đáng kể tại Việt Nam trong 3 thập niên qua, được thúc đẩy bởi phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Trong đó, ông kể tới tỷ lệ nghèo đói tại Việt Nam giảm mạnh. Ngoài ra, mặc dù dịch Covid-19 gián đoạn quá trình này, tỷ lệ tiêm chủng cùng biện pháp kinh tế đã giữ Việt Nam tăng trưởng trong cả năm 2020 và 2021.
“Điều này đã đưa Việt Nam vào danh sách một trong số ít những quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái liên quan tới Covid-19”, ông Cormann nhận định.
Các đại biểu dự Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD sáng 18/10. Ảnh: TTXVN. |
Đề cập tới các thách thức và cách OECD có thể hỗ trợ Việt Nam, ông Mathias Cormann cho rằng Việt Nam cần thích ứng với tình hình già hóa dân số khi cải cách cấu trúc là điều cần thiết để giải quyết những khó khăn về lực lượng lao động, cũng như với hệ thống lương hưu và tài chính.
“Với già hóa dân số, việc thúc đẩy năng suất sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế”, ông nói.
Bên cạnh đó, tổng thư ký OECD cho rằng Việt Nam có thể hưởng lợi hơn nữa từ việc tiếp tục mở rộng thương mại, và cả từ những công việc đang diễn ra tại OECD về thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng.
Cuối cùng, tổng thư ký OECD đề cập tới phát triển bền vững. Ông Cormann đã nhắc tới cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, không nên đánh đổi năng suất trong ngành công nghiệp mũi nhọn với cái giá phải trả về môi trường”, ông nói.
“Hợp tác của chúng tôi về hành vi kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư chất lượng sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đây chỉ là một số cơ hội hợp tác chung. OECD tự hào hỗ trợ chương trình tăng trưởng dài hạn của Việt Nam thông qua nội dung này và nhiều yếu tố khác trong kế hoạch hành động chung”, tổng thư ký OECD kết luận.
Cũng tại sự kiện sáng 18/10 đã diễn ra 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1 với sự điều hành của ông Jens Arnold - Trưởng Ban Kinh tế của OECD, các diễn giả đã đề cập tới khó khăn và thách thức hiện tại của nền kinh tế thế giới cũng như khu vực, bên cạnh triển vọng kinh tế vĩ mô và chính sách quản trị doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.
Trong phiên 2, các diễn giả thảo luận cấp cao về thu hút FDI chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Phiên này cập nhật các chiến lược của Việt Nam cho phát triển xanh và chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế cạnh tranh chiến lược, tự cường và vững chắc, và hội nhập quốc tế hiệu quả.