Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ôn thi cuối cấp là trách nhiệm của trường, không phải dạy thêm thu phí

Theo vụ trưởng Giáo dục Trung học, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Moet.

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, hàng loạt trường THCS, THPT ra thông báo tạm ngừng hoạt động dạy thêm, học thêm có thu tiền trong trường nhằm thực hiện quy định tại Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Việc này có tác động trực tiếp đến hoạt động ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Ôn thi cuối cấp thuộc trách nhiệm của trường

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), nhận định chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Thời lượng đó đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra.

Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định.

Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu, nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh.

Theo ông Thành, các Sở GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các nhà trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt là việc hướng dẫn, tổ chức cho học sinh cuối cấp ôn thi.

Đồng thời tuyên truyền đầy đủ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về quy định dạy thêm, học thêm để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập. Tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường là buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.

Liên quan đến việc chi trả cho hoạt động dạy thêm trong trường, theo vụ trưởng, giáo viên kiêm nhiệm, dạy thừa giờ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định. Việc phân công giáo viên để bảo đảm sự công bằng, phù hợp về thời gian làm việc thuộc trách nhiệm của nhà trường.

Trường hợp nhà trường tổ chức dạy thêm cho các đối tượng học sinh theo quy định thì cần xây dựng kế hoạch hợp lý để những giáo viên được phân công dạy thêm không vượt giờ chuẩn quá nhiều, trong khi có những giáo viên khác lại chưa đủ giờ chuẩn.

Nguồn kinh phí để chi trả tiền thừa giờ là nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường, bao gồm ngân sách và các khoản thu theo quy định.

Nên dành thời gian cho tự học, tự ôn tập

Cũng theo ông Thành, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các đối tượng liên quan như nhà trường, giáo viên, học sinh… sẽ cần có thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen liên quan tới dạy thêm, học thêm.

Các quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học. Học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học thêm ở những địa chỉ được phép đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Thành khẳng định chất lượng giáo dục trong nhà trường phải được duy trì từ việc dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục trong chương trình chính khóa.

Việc các nhà trường phải đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của chương trình cần tách bạch với hoạt động dạy thêm, học thêm theo nhu cầu.

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết cách tự học, tự ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học. Việc học thêm ngoài nhà trường nhằm nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng, thuộc nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của học sinh, do các em quyết định. Tuy nhiên, cần phải lưu ý dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự ôn tập thì mới đạt được hiệu quả.

Với những học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường, ông Thành cho rằng các nhà trường, thầy cô càng phải quan tâm tổ chức và hỗ trợ cho các em theo nhiều hình thức như hướng dẫn cho học sinh tự học tại trường, hỗ trợ học sinh tự học qua điện thoại, tin nhắn, email, giao bài...

dung day them trong truong anh 1

Nhà trường, giáo viên, học sinh cần có thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen liên quan tới dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

Phụ huynh, học sinh cân nhắc lại mục đích "học thêm"

Trước thông tư mới, không ít phụ huynh băn khoăn về việc muốn giáo viên dạy thêm là giáo viên dạy chính khóa, song Thông tư 29 không cho phép điều này.

Theo ông Thành, quy định giáo viên không dạy thêm cho học sinh mình đang dạy trong nhà trường nhằm hạn chế tình trạng giáo viên ép buộc hoặc có những tác động để học sinh phải học thêm ngoài mong muốn.

Những giáo viên giỏi, có uy tín được phụ huynh, học sinh tin tưởng là những người có phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp trong giờ dạy chính khóa.

Ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên sẽ giao bài tập về nhà cho học sinh và thầy cô có thể tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập hay giải đáp những kiến thức, kỹ năng chưa hiểu.

Nếu vẫn còn nhu cầu học thêm, học sinh hay các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu ở các địa chỉ dạy thêm đúng phép để lựa chọn giáo viên phù hợp với mong muốn.

Ông Thành cho rằng thông tư mới giúp phụ huynh, học sinh cởi bỏ được lo lắng, băn khoăn trong việc “phải học thêm đúng giáo viên trên lớp thì mới có điểm tốt”. Các phụ huynh và học sinh cũng cần cân nhắc lại mục đích “học thêm” một cách thực chất hơn.

Có nghĩa, học để rèn năng lực, kỹ năng chứ không phải chỉ nhằm đạt điểm tốt trong bài kiểm tra ở trường. Năng lực, kỹ năng có được mới là thứ thiết thực theo học sinh trong hành trình vào đời sau này chứ không phải điểm số đơn thuần.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Trường dừng dạy thêm, học trò cuối cấp như ngồi trên đống lửa

Trường học, giáo viên thông báo dừng dạy thêm, nhiều học sinh cuối cấp lo ngại việc học bị ảnh hưởng, khi chỉ vài tháng nữa là đến kỳ thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm