Ngôi nhà nhỏ của ông Mai Ngọc Tuyết (57 tuổi), nằm tại phường 7, TP Vị Thanh, Hậu Giang, không có vật dụng gì đáng giá ngoại trừ những tấm giấy khen của em Mai Khánh Tân (21 tuổi, con trai ông Tuyết), được dán trên tường.
Khi sinh ra, Tân là đứa trẻ kháu khỉnh, hoạt bát, nhanh nhẹn. Lên 5 tuổi, biến cố ập đến với em. Tân bị sốt cao, người nhà đưa vào bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán em bị viêm não Nhật Bản.
12 năm qua, mỗi ngày ông Tuyết đều cõng con trai tới trường. |
Ông Tuyết khi đó gần như sụp đổ khi nhìn đứa con trai nhỏ nằm liệt trên giường bệnh, bên cạnh là máy thở oxy. Khoảng 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện, Tân được cho về nhà. Song, đôi chân, cánh tay nhanh nhẹn ngày nào của em giờ đã không còn. Bàn tay trái co quắp, đôi chân bị liệt khiến Tân không thể di chuyển bình thường.
Chưa kể, mẹ của Tân bỏ đi khi em còn bé. “Trong cuộc sống này, người quan trọng nhất đối với em là cha. Chắc không có cha, em sẽ không được nuôi lớn, được đi học như bây giờ. Tình yêu thương của cha dành cho em rất lớn”, Tân tâm sự.
“Hồi đó, em cảm thấy rất tủi thân. May mắn em còn có tình yêu thương vô bờ bến của cha. Đây là động lực lớn nhất trong cuộc đời của em”, Tân chia sẻ thêm khi được hỏi về mẹ. Tân nói, mọi sinh hoạt đều phải nhờ cha giúp đỡ.
Sống cảnh gà trống nuôi con, ông Tuyết chẳng nề hà việc gì, ai mướn gì làm nấy. Ban ngày, ông làm phụ hồ, làm cỏ thuê. Tối đến ông đặt lọp cá, cắm câu ếch chắt chiu từng đồng lo cho con trai.
Ông Tuyết làm phụ hồ để có tiền nuôi con ăn học và chữa bệnh. |
Dù bị tật, Tân rất hiếu học. Em khao khát được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Thấy Tâm hiếu học, ông Tuyết đồng hành cùng con đến trường với hy vọng con học để có cái nghề nuôi sống bản thân.
“Con bị tật, tôi thì ngày càng già yếu. Tôi sợ khi mình mất đi không ai lo cho con. Vì vậy, tôi nghĩ chỉ có đi học là cánh cửa duy nhất giúp con có được cái nghề, công việc ổn định trong tương lai”, ông Tuyết tâm sự.
Những năm cấp 1, sức khỏe Tân rất yếu, cơ thể mềm nhũn, ông Tuyết phải cõng con đến trường, nuôi ước mơ con chữ.
"Lên 7 tuổi Tân mới được đi học. Học lớp 2, Tân bị tai nạn, gãy chân nên phải ở lại thêm 1 năm. Bởi vậy, Tân tuổi lớn nhưng học lớp nhỏ”, ông Tuyết nói.
Thấy cha vất vả nên Tân cố gắng học tốt để không phụ lòng ông. |
Lên cấp 2, cấp 3, đường đi học xa hơn, ông Tân chạy xe đạp đưa con đến trường bằng cách dùng dây nịt con vào lưng mình. Đến trường, ông cõng con trai vào lớp. Tân học tin học trên lầu của trường, ông Tuyết cõng con trên lưng rồi từ từ bò lên. Lên được lớp học của con thì ông cũng kiệt sức.
“Thấy con ham học, không bao giờ đòi nghỉ, lòng tôi vui lắm. Thành tích học của con cũng thuộc loại khá, giỏi”, ông Tuyết nói về cậu con trai.
12 năm qua, Tân lớn lên, đến trường trên tấm lưng nhọc nhằn của cha.
Để cha bớt vất vả, ngoài cố gắng học giỏi, Tân còn tự tập đi. Sau nhiều năm cố gắng tập luyện, vượt lên khó khăn, Tân giờ đây đã có thể tự đi bằng nạng. Đặc biệt, Tân bây giờ cũng đã trở thành sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang.
Học kì vừa qua, điểm tổng kết của Tân là 3.22, xếp loại giỏi.
Dù có nặng nhọc, cực khổ nhưng ông Tuyết vẫn quyết tâm đồng hành cùng con tới trường. |
"Tân đi học năm nay nữa là 13 năm, cũng là ngần ấy năm tôi cõng, đồng hành với con. Có hôm thấy trời mưa lớn, tôi bảo con nghỉ học một ngày nhưng nó không chịu. Thế là hai cha con trùm áo mưa rồi đưa nhau đến trường”, ông Tuyết kể.
Ông nói, có một lần hai cha con đi qua cây cầu cũ, giữa đường cầu gãy làm ông và Tân rơi xuống sông.
Ngoài ra, có lần trên đường đưa con đi học, ông Tuyết bị tai nạn giao thông khiến sức khỏe yếu đi. Cũng lần tai nạn đó ông mất một ngón chân.
“Lúc cha bị tai nạn, em sợ lắm. Em sợ cha bỏ em đi...", Tân nói trong nghẹn ngào. "Mong ước của em là sau này có công việc ổn định để lo cho cha lúc tuổi già”, Tân tâm sự thêm.