Ngày 24/12/2020, ông Chử Xuân Dũng được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. Nhiệm vụ, quyền hạn của ông này là duyệt, ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân ở nước ngoài hồi hương về cách ly trên địa bàn khi doanh nghiệp có đề nghị và Sở Y tế đề xuất.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021, ông Chử Xuân Dũng ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về Hà Nội cách ly. Kết quả điều tra xác định ông Dũng đã nhận tiền của 2 cá nhân để duyệt ký đồng ý cấp phép cho 4 công ty được đưa công dân hồi hương trong đại dịch.
Gặp người đưa hối lộ qua sự kết nối của chị dâu
Kết luận điều tra cho thấy ngày 10/6/2021, khi bà Huyền (chị dâu của ông Dũng) giới thiệu bị can Lê Thị Ngọc Anh (chuyên viên Vụ Lễ tân thuộc Ban Đối ngoại Trung ương) gặp ông Dũng tại nơi làm việc ở trụ sở UBND Hà Nội. Hôm đó, Ngọc Anh nhờ ông Dũng duyệt chủ trương cho một số doanh nghiệp đưa công dân về nước và được cách ly y tế tại TP.
Ông Dũng đồng ý rồi hướng dẫn Ngọc Anh làm hồ sơ gửi UBND TP theo quy trình. Ngọc Anh tự tính toán chi phí cám ơn là 1-2 triệu đồng/người được giải cứu để đưa cho ông Dũng.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Ngọc Anh dùng các pháp nhân Công ty Du lịch Á Châu, Công ty sự kiện Bầu trời Hà Nội và Công ty Phượng Hoàng để làm 7 hồ sơ gửi UBND TP để xin cho công dân nhập cảnh về nước được cách ly ở Hà Nội.
Quá trình xin chủ trương, Ngọc Anh gặp ông Dũng 5 lần tại phòng làm việc của phó chủ tịch UBND Hà Nội. Trong đó, Ngọc Anh 4 lần chi cho ông Dũng tổng số tiền 54.000 USD và 300 triệu đồng. Sau các lần gặp, ông Dũng ký công văn cho nhập cảnh và cách ly y tế đối với hơn 1.500 công dân theo đề xuất.
Ông Chử Xuân Dũng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tháng 9/2021, một nguyên phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (là bạn của ông Chử Xuân Dũng) giới thiệu Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) với ông Dũng. Khi Tuấn nhờ, ông Dũng đồng ý giúp Công ty TNHH Du lịch Quốc tế do bị can Phạm Bích Hằng mượn pháp nhân để cùng Tuấn xin cấp phép chuyến bay đưa người từ nước ngoài về cách ly ở Hà Nội.
Trong tháng 9 và 10/2021, ông Dũng ký 7 công văn đồng ý tiếp nhận công dân cách ly theo đề xuất của Công ty Du lịch Quốc tế. Hai bên không có thỏa thuận về số tiền nhưng trong tháng 10/2021, bị can Tuấn có 3 lần đưa tổng số tiền 500 triệu đồng cho ông Chử Xuân Dũng thông qua ông Tuyến (thư ký của ông Dũng).
Việc nhận tiền, cơ quan điều tra xác định diễn ra tại cổng UBND Hà Nội. Ngoài ra, trong 3 lần nhận tiền giúp phó chủ tịch, ông Tuyến được doanh nghiệp đưa cho 100 triệu.
Trong vụ án này, ông Chử Xuân Dũng còn bị cáo buộc nhận 100 triệu đồng từ Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) và 5.000 USD của Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife). Tuy nhiên, 2 chủ doanh nghiệp này "cám ơn" ông Dũng đã giúp họ được tổ chức chuyến bay, các bên không trao đổi hay thỏa thuận trước nên Cơ quan ANĐT không kết luận các khoản tiền này là nhận hối lộ.
Theo cáo buộc, cựu Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ 800 triệu đồng và 54.000 USD (tương đương hơn 2,05 tỷ đồng).
Gia đình phó chủ tịch Hà Nội nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng
Cũng theo kết luận, bị can Ngọc Anh nhận 4,1 tỷ đồng từ nhiều cá nhân để đưa cho người có thẩm quyền thuộc Tổ công tác 5 Bộ để xin chủ trương cách ly. Ngoài ra, Ngọc Anh còn tự sử dụng 200 triệu đồng và 91.500 USD liên hệ đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép, tổ chức thực hiện chuyến bay giải cứu.
Còn Trần Minh Tuấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi yêu cầu người khác chi tiền (dù quy định là không phải chi tiền) để chi phí đủ cho tất cả cá nhân có thẩm quyền ở địa phương và Tổ công tác 5 Bộ. Tuấn nhận hơn 6,5 tỷ đồng nhưng chỉ đưa gần 70 triệu cho một số cá nhân. Số tiền còn lại bị anh ta chiếm đoạt.
Bị can Lê Thị Ngọc Anh bị bắt cuối tháng 10/2022. Ảnh: Bộ Công an. |
Đối với bà Huyền là chị dâu ông Dũng, CQĐT kết luận người phụ nữ này không biết nội dung trao đổi, không biết việc đưa và nhận hối lộ giữa các bị can. Hành vi của bà Huyền không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Còn ông Tuyến là thư ký giúp việc cho ông Dũng nhưng không có thẩm quyền duyệt cách ly. Ông Tuyến cũng không yêu cầu, đòi hỏi Tuấn và không biết tiền đưa cho ông Dũng là tiền gì.
Ngoài ra, ông Tuyến nhận thức được việc nhận tiền là trái quy định nên tự nguyện nộp lại 100 triệu đồng. CQĐT đánh giá hành vi giúp ông Dũng nhận tiền từ Trần Minh Tuấn của ông Tuyến không cấu thành tội phạm.
Giai đoạn điều tra, ông Chử Xuân Dũng nhận thức được hành vi, gia đình bị can nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính. Ngoài ra, cựu phó chủ tịch Hà Nội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. CQĐT đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi định khung hình phạt đối với bị can.
Trong 54 bị can, ông Chử Xuân Dũng cùng 2 cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam; ông Nguyễn Quang Linh (nguyên Trợ lý Phó thủ tướng); ông Nguyễn Thanh Hải (nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thị Hương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và 16 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.
33 cá nhân còn lại bị cáo buộc các tội danh Đưa hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Môi giới hối lộ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…