Ngày 21/12, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án thứ hai về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cơ quan điều tra đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN, cùng 11 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 8 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản.
Riêng 2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC - bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh.
Theo kết luận của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an), bị can Thanh từng có tiền sự: Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải (Điều 186, Bộ luật hình sự năm 1985); Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (Điều 109, Bộ luật hình sự năm 1985); Bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Tham ô tài sản theo điều 278, Bộ luật hình sự 1999.
Bị can này bị truy nã, đã ra đầu thú nhưng thái độ khai báo không thành khẩn.
Chỉ đạo cấp dưới ký gói thầu trái quy định
Theo kết luận điều tra, cuối năm 2007, ông Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC để xây dựng công ty này trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam.
Gần 2 năm sau, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng công ty Sông Đà về làm Phó tổng giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động, bao gồm việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các dự án được tập đoàn chỉ định nhưng đến cuối năm 2009, tình hình tài chính của PVC lâm vào khó khăn, toàn bộ tài sản ngắn hạn của tổng công ty này không đủ bù đắp nợ ngắn hạn.
Để giúp PVC khắc phục khó khăn về tài chính, ông Đinh La Thăng đã chỉ định công ty này thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và yêu cầu cấp dưới thúc ép Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký hợp đồng với PVC trái quy định để tạm ứng số tiền 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh không đưa số tiền trên vào triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà đã chỉ đạo sử dụng 1.115 tỷ đồng vào việc trả nợ, góp vốn vào các dự án khác gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi làm Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh còn cùng Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc PVC chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để sử dụng cá nhân. Hành vi này của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã phạm vào tội Tham ô tài sản.
Bị đề nghị truy tố sau 12 ngày bắt tạm giam
Hai ngày trước (19/12), ông Đinh La Thăng và 6 bị can khác bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố do liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Đây là lần đầu tiên ông Thăng bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sau 11 ngày sau khi khởi tố, bắt giam.
Ông Đinh La Thăng. |
Kết quả điều tra xác định sau khi PVN không tham gia thành lập ngân hàng Hồng Việt để thực hiện chủ trương ổn định kinh tế, tập đoàn nhà nước này đã chuyển sang góp vốn mua cổ phần của ngân hàng Oceanbank.
Được báo cáo rõ tình hình kinh tế, kết quả hoạt động của Oceanbank nhưng ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐQT PVN giai đoạn 2008 - 2011) không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát Oceanbank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này.
Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT khi ký thỏa thuận thống nhất với Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm về việc góp vốn vào ngân hàng này. Tuy nhiên, khi vụ việc đổ bể, vào ngày 28/3/2017, ông Đinh La Thăng lúc này là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã có động thái hợp thức hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm.
Theo lời khai, ông Thăng đã gọi điện nhờ một số cán bộ lãnh đạo PVN xác nhận thời điểm góp vốn có họp HĐQT thống nhất chủ trương. Ông Thăng đã thừa nhận việc này sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8/12.
Kết quả điều tra cũng xác định ông Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định, sau đó đồng ý chủ trương, ký nghị quyết góp vốn, góp vốn bổ sung vào Oceanbank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Khi HĐTV và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định, ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn. Việc làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của ông Thăng gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN.
11 bị can bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái gồm: Đinh La Thăng, Nguyễn Mạnh Tiến (Phó tổng giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC), Lê Đình Mậu (nguyên Phó trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2), Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC), Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVN), Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN).
8 bị can bị đề nghị truy tố tội Tham ô tài sản gồm: Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Nguyễn Lý Hải (nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Lê Xuân Khánh (Trưởng Phòng Kinh tế - kế hoạch), Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng), Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa), Bùi Mạnh Hiển (Giám đốc PVC), Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) và Nguyễn Đức Hưng (nguyên trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).