Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Đinh La Thăng từng dàn xếp để né trách nhiệm thương vụ Oceanbank

Khi vụ việc đổ bể, ngày 28/3/2017, ông Đinh La Thăng lúc này là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có động thái hợp thức hồ sơ để né tránh trách nhiệm trong thương vụ với Oceanbank.

Chiều 20/12, nguồn tin của Zing.vn cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và 6 bị can khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Dinh La Thang anh 1
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Như vậy, chỉ sau 12 ngày khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng, cơ quan điều tra đã hoàn tất quá trình điều tra và đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐTV PVN cùng 6 đồng phạm gồm các ông Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức (đều là nguyên thành viên HĐTV PVN) và Ninh Văn Quỳnh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN).

Cả 7 bị can bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng ông Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị truy tố thêm về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Góp vốn vào Oceanbank trái luật

Kết luận điều tra thể hiện năm 2006, theo đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, PVN được thành lập mới với một ngân hàng Cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ. 

PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động. 

Tuy nhiên, năm 2008, thực hiện chủ trương ổn định kinh tế, PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng Hồng Việt mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của Oceanbank.

Những dự án khiến ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật Giai đoạn 2009-2011, PVN khởi động hàng loạt khoản đầu tư thông qua các công ty thành viên, trong đó không ít dự án đến nay thua lỗ lớn, bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm.

Được báo cáo rõ tình hình kinh tế, kết quả hoạt động của Oceanbank nhưng ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐQT PVN giai đoạn 2008 - 2011) đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát Oceanbank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này. 

Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT khi ký thỏa thuận thống nhất với Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm về việc góp vốn vào ngân hàng này. Tuy nhiên, khi vụ việc đổ bể, vào ngày 28/3/2017, ông Đinh La Thăng lúc này là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã có động thái hợp thức hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm.

Theo đó, ông Thăng đã gọi điện nhờ một số cán bộ PVN xác nhận thời điểm góp vốn có họp HĐQT thống nhất chủ trương góp vốn. Việc này ông Thăng đã thừa nhận sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8/12.

Kết quả điều tra cũng xác định ông Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định, sau đó đồng ý chủ trương, ký nghị quyết góp vốn, góp vốn bổ sung vào Oceanbank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Khi HĐTV và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định, ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn. Việc làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của ông Thăng gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN.

Vì sao 4 thành viên HĐTV PVN dính lao lý?

Bốn bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức được xác định đã biểu quyết đồng ý để PVN góp vốn bổ sung lần 3 số tiền 100 tỷ đồng (nâng tổng vốn của PVN lên 800 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ Oceanbank). Việc này trái với luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định cổ đông tổ chức không sở hữu quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank ra sao? Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất trắng khi nhà băng này bị mua lại với giá 0 đồng. Trong phiên xử Hà Văn Thắm, đại diện của PVN đã xuất hiện.

Theo kết luận điều tra, ông Ninh Văn Quỳnh đã tham mưu, báo cáo để Nguyễn Xuân Sơn đề xuất HĐTV biểu quyết, phê duyệt góp vốn bổ sung lần 3, sau đó trình quyết định chuyển tiền, ủy nhiệm chi để bị can Sơn ký chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào ngân hàng Đại Dương.

Ngoài ra, giai đoạn 2009-2013, ông Quỳnh còn nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn có nguồn gốc là tiền của Oceanbank chi lãi ngoài cho khách hàng thuộc PVN. Do đó, Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị truy tố về 2 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Xuân Sơn được xác định là người đề xuất HĐTV biểu quyết góp vốn thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank và ký các thủ tục chuyển tiền để hoàn tất việc tăng vốn điều lệ trái quy định này. Ngoài hành vi này, trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, ông Sơn còn phạm 3 tội: Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bị tuyên phạt tử hình tại tòa sơ thẩm, Nguyễn Xuân Sơn đã có đơn kháng cao.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam

Ngày 8/12, Cơ quan điều tra của Bộ Công an có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng. Nhiều người liên tục ra vào nhà ông Thăng ở khu đô thị Sông Đà.


Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm