Chiều 20/3, bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa.
Ông Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu
Nói về việc thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank), bị cáo Thăng cho biết đó là căn cứ để báo cáo HĐQT, trong đó nêu rõ Tập đoàn Dầu khí và Ngân hàng Đại Dương trình các cấp có thẩm quyền để PVN góp vốn. Sau khi thỏa thuận, HĐQT nghe ban chuyên môn báo cáo tình hình tài chính của Oceanbank trước khi quyết định chủ trương góp vốn.
Khẳng định PVN làm theo trình tự, bị cáo Thăng nói tập đoàn này đã ký văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành. Từ sự đồng tình của cơ quan chức năng, Thủ tướng đã đồng ý để PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương.
Bị cáo sinh năm 1960 nói tất cả các quyết định đầu tư vào Oceanbank đều thực hiện sau khi có văn bản đồng ý của Thủ tướng.
Văn bản của Bộ Tài chính đánh giá PVN đủ điều kiện góp vốn vào Oceanbank không?
Trả lời luật sư, ông Thăng nói câu đầu tiên trong văn bản thể hiện PVN đủ điều kiện đầu tư, sau đó nêu một số lưu ý. Theo ông Thăng, những khuyến cáo này đã được Tập đoàn Dầu khí thực hiện trước đó.
Trước khi diễn ra phiên xử liên quan vụ VPN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng đang phải mang bản án 13 năm tù do liên quan vụ án khác. Ảnh chụp ngày 20/3: TTXVN. |
Cựu Chủ tịch HĐQT PVN khẳng định ông và lãnh đạo tập đoàn luôn tuân thủ pháp luật, trình tự góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương. "Nếu có vấn đề gì thì cơ quan nhà nước đã có văn bản "thổi còi" nhưng tất cả đều đồng ý việc này. Các cơ quan kiểm tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng không có bất cứ khuyến cáo nào và đã đồng ý, cấp phép việc tăng vốn diễn ra bình thường”, bị cáo Thăng trình bày tại tòa.
Liên quan đến việc ủy quyền cho các thành viên HĐTV PVN trong thời gian nghị quyết góp vốn lần 3 (100 tỷ) được ban hành trái Luật tổ chức tin dụng 2010, ông Thăng nói chỉ ủy quyền điều hành hoạt động tập đoàn, không ủy quyền biểu quyết thay vào nghị quyết. Bên cạnh đó, chủ trương tăng vốn góp vào Ngân hàng Đại Dương PVN đã đề ra trước đó nhưng không nằm trong kế hoạch đầu tư vốn 2011. Thậm chí, ông Thăng từng chỉ đạo chuyển nhượng bớt cổ phần tại Ngân hàng Đại Dương.
"Dù không tham gia biểu quyết, dù nghị quyết đó không phù hợp quy định mới của pháp luật nhưng bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu, người đã ủy quyền. Trước phiên tòa này, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, anh Quỳnh, anh Liêm, anh Trường, anh Đức. Ra xử có vấn đề gì mà không đúng, bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm thay các anh đó", bị cáo Đinh La Thăng nói.
Căn cứ mua Oceanbank giá 0 đồng rất vô lý
Để làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong việc gây thiệt hại 800 tỷ, luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng đã đặt câu hỏi với Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank - người được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng.
Ông Thắm nói sau khi Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực, Oceanbank liên hệ với Ngân hàng Nhà nước thì được biết cơ quan này sẽ có văn bản hướng dẫn vào năm 2015. Theo thông tin ông Hà Văn Thắm biết thì Ngân hàng Nhà nước cho phép cổ đông là tổ chức thoái vốn từ 20% xuống 15% trước năm 2019.
Không tuân thủ thì bị chế tài gì? Trả lời luật sư, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank nói nếu không thoái vốn thời điểm đó, tổ chức tín dụng cũng không bị phạt. "Tôi đề nghị cơ quan thanh tra giám sát phạt cho chúng tôi được tồn tại giống như nhà xây vượt tầng. Nhưng cái này không vi phạm nên không phạt mà chỉ cho quy trình thoái vốn", ông Thắm cho biết.
Theo ông Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá bằng 0 căn cứ vào đâu? Ông Hà Văn Thắm cho rằng căn cứ vào việc lỗ, âm vốn trong báo cáo kiểm toán quốc tế như trả lời của đại diện Ngân hàng Nhà nước là không đúng. Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho rằng báo cáo này không dành cho việc mua bán. Báo cáo kiểm toán phục vụ mua bán sẽ phân tích rõ giá trị doanh nghiệp, chứ không phải báo cáo kiểm toán để làm căn cứ mua ngân hàng giá 0 đồng.
“Nếu anh mang trích lập dự phòng ra tính bằng âm vậy thì thì các tài sản thế chấp của khách hàng và các khoản dự phòng nếu không xảy mà chúng tôi thụ hưởng. Và chúng thực tế chúng tôi thu được rất nhiều thì sẽ thế nào? Cho nên báo cáo đó không thể là căn cứ để định giá bằng 0 được”, ông Hà Văn Thắm nói.
Thời điểm đó có 2 báo cáo kiểm soát có số liệu khác nhau phục vụ ngân hàng Nhà nước và đại hội Cổ đông. Như vậy căn cứ mua 0 đồng dựa trên hiệu quả kinh doanh theo đánh giá Ngân hàng Nhà nước đúng không? Ông Thắm đáp: “Vâng. Căn cứ đó là rất vô lý”.
Người lĩnh án tù chung thân trong đại án Oceanbank nói trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp thế giới được mua với giá rất cao dù đang kinh doanh lỗ. Ông Thắm nói không thể mua doanh nghiệp thua lỗ với giá 0 đồng.
Việc góp vốn có liên quan gì đến việc mua bằng 0 không? “Dạ không”, ông Thắm đáp và mong HĐXX xem xét cho các bị cáo trong vụ án.
Được mời lên bục xét hỏi sau đó, ông Đinh La Thăng cũng nhận định việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng không liên quan việc Tập đoàn dầu khí góp vốn 2008. "Đó là việc xảy ra sau này, không có quan hệ biện chứng nào giữa việc đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương với việc bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Hai cái hoàn toàn độc lập với nhau. Vì vậy cáo buộc của VKS là không phù hợp, gây oan ức cho bản thân bị cáo và tất cả các bị cáo trong vụ án", bị cáo Thăng nói.
VKS truy hỏi ông Đinh La Thăng về việc góp vốn vào Oceanbank
Sáng cùng ngày đại diện VKS đã truy hỏi ông Đinh La Thăng về chủ trương mua 20% cổ phần của Oceanbank. Nữ kiểm sát viên cho rằng ông Thăng ký nghị quyết tham gia góp vốn lần 1 (400 tỷ) vào Oceanbank khi chưa được Thủ tướng phê duyệt. Còn lần 2 (300 tỷ), bị cáo Thăng ký ủy quyền tăng vốn khi chưa xin ý kiến Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu của bộ ngành.
Trước cáo buộc này, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí khẳng định PVN làm đúng nguyên tắc khi đầu tư ngoài công ty mẹ, chỉ quyết định góp vốn khi Thủ tướng đồng ý. Các nghị quyết ông ký hoặc ủy quyền chỉ là văn bản nội bộ có tính chất thống nhất chủ trương trước khi trình Chính phủ về việc mua 20% cổ phần Oceanbank.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xử hôm 19/3. Ảnh: P.Đ. |
Tại tòa, đại diện cơ quan công tố dẫn thông báo kết luận thanh tra hết tháng 3/2012 cho thấy vốn sở hữu thực tế của Oceanbank giảm 1.500 tỷ so với báo cáo tài chính và lỗ lũy kế hơn 920 triệu đồng để chứng minh việc Tập đoàn dầu khí đánh giá đầu tư vào Oceanbank có hiệu quả là không có căn cứ.
Theo cáo trạng, ông Thăng và 5 người khác gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) bị truy tố về 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quyết định góp vốn vào Oceanbank dù biết năng lực yếu kém của ngân hàng này và ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn…Cáo trạng quy kết, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò lớn nhất trong việc làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN. Thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVN, ông Thăng đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Oceanbank) không thông qua HĐQT.