Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
CQĐT đề nghị truy tố ông Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY) về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2016, do có quan hệ tín dụng tại một ngân hàng, ông Lã Quang Bình cùng em gái là Lã Thị Phương Liên và nhân viên dưới quyền biết rõ các quy định của pháp luật về cấp hạn mức tín dụng, giải ngân cho khách hàng doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Bản thân ông Bình hiểu rằng các công ty của mình không có khả năng tài chính, không hoạt động sản xuất kinh doanh, không đủ điều kiện để được cấp hạn mức tín dụng giải ngân tại ngân hàng.
Tuy nhiên, để có tiền trả nợ vay tổ chức tín dụng, trả nợ vay lãi suất cao từ nhiều cá nhân, chi trả cho chi phí duy trì hoạt động của các công ty…, ông Bình đã câu kết, móc nối với một số cán bộ ngân hàng, đồng thời giao nhiệm vụ cho em gái tên Liên và các nhân viên tìm mua hàng trăm công ty, thay đổi đăng ký kinh doanh, tìm người đứng tên đại diện pháp luật, lập khống hồ sơ để được cấp hạn mức tín dụng, giải ngân hàng nghìn tỷ đồng tại một ngân hàng.
Đại gia Lã Quang Bình sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau và mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cho phía ngân hàng.
Kết luận điều tra cho rằng, trong lúc công việc kinh doanh gặp khó khăn, cần rất nhiều tiền để bù đắp, ông Bình đã đi vay lãi cao khắp nơi. Một trong số những người cho ông Bình vay nặng lãi phải kể đến ông Phạm Quang Tạo.
Tháng 3/2021-4/2022, ông Tạo đã cho ông Bình vay tổng số tiền 215 tỷ đồng với mức lãi suất 0,3- 0,45%/ngày (từ 3.000-4.500 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương từ 109,5-164,25%/năm, gấp từ 5,475 lần đến hơn 8,2 lần mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 468 BLDS). Tổng số tiền lãi là hơn 41,7 tỷ đồng.
Ông Lã Quang Bình đã trả cho ông Tạo tổng số tiền nợ gốc là 188 tỷ đồng, còn nợ 27 tỷ đồng. Nhiều lần không trả lãi đúng hạn, ông Bình đã phải chịu tiền lãi vượt mức quy định.
Một chủ nợ khác của ông Bình là bị can Nguyễn Hoài Anh (nguyên TGĐ Công ty CP Đầu tư kinh doanh Tín Việt). Khoảng tháng 6/2021, khi biết ông Bình cần tiền tất toán khoản vay tại ngân hàng, rút tài sản thế chấp, Phạm Như Hà (nguyên PGĐ ngân hàng) và Nguyễn Hoài Anh đã bàn bạc, thống nhất Hà sẽ không giải ngân cho công ty của ông Bình, buộc đại gia này phải vay tiền của Hoài Anh với lãi suất cao.
Theo CQĐT, ông Bình đã vay của ông Hoài Anh 120 tỷ đồng với thỏa thuận lãi suất 0,4%/ngày (4.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương mức lãi suất 146%/năm, gấp 7,3 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự).
Trong số 120 tỷ đồng cho vay kể trên, Phạm Như Hà góp 2 tỷ đồng; 118 tỷ đồng còn lại do Hoài Anh góp nhưng chỉ có 1,1 tỷ đồng là tiền túi của ông Hoài Anh. Còn 116,9 tỷ đồng là tiền bị can lấy từ khoản mà ngân hàng giải ngân cho Công ty Phương Dung và Đại Nam.
Đến ngày 14/7/2021, ông Bình đã chuyển 9,6 tỷ đồng tiền lãi cho Hoài Anh.
Theo CQĐT, ông Bình còn bàn bạc, thống nhất, cùng người khác đưa hối lộ 200 nghìn cổ phiếu EIN (tương đương 2 tỷ đồng) cho ông Đào Hoàng Thắng (giám đốc ngân hàng) để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn trái quy định.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.