Cáo buộc cho rằng sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận 929 và Thông báo kết luận số 1103, Công ty Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN) có nhiều lần gửi đơn đến lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị cho Công ty SGĐN được tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Trong đó, có 5 lần gửi đơn đến lãnh đạo Chính phủ. Văn phòng Chính phủ căn cứ theo quy chế hoạt động chỉ chuyển đơn thông thường cho Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết theo thẩm quyền. Đơn không được giải quyết do không có căn cứ, không thuộc thẩm quyền và không đúng đối tượng hoặc trùng nội dung nên lưu đơn.
Thời điểm đó, biết ông Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty SGĐN) có mối quan hệ quen biết nhiều lãnh đạo Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, trong đó có ông Mai Tiến Dũng, nên ông Trần Văn Minh (khi đó là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) “tư vấn” ông Trí đặt vấn đề nhờ một số cá nhân có thẩm quyền can thiệp hỗ trợ để ông Trí được “chính danh” lo các thủ tục cho dự án Đại Ninh được giãn tiến độ, không bị thu hồi.
Bút phê của ông Mai Tiến Dũng
Thực hiện hướng dẫn của ông Minh, ngày 4/10/2020, ông Trí cầm theo đơn của Công ty SGĐN ra Hà Nội đến gặp ông Mai Tiến Dũng trao đổi về việc ông Trí đã mua lại dự án Đại Ninh, nhưng dự án này đã có kiến nghị bị thu hồi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông Trí nhờ ông Mai Tiến Dũng bút phê vào đơn giao Vụ I, Văn phòng Chính phủ tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để chuyển đơn của Công ty SGĐN cho Thanh tra Chính phủ giải quyết. Khi đó, ông Mai Tiến Dũng đã có bút phê “chuyển Vụ I” và giao bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I báo cáo đề xuất. Quá trình gặp gỡ, ông Nguyễn Cao Trí có gửi quà cám ơn ông Mai Tiến Dũng 200 triệu đồng.
Thực hiện bút phê của ông Mai Tiến Dũng, bà Ngọc sau đó đã soạn thảo các văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Thanh tra Chính phủ với nội dung thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn kiến nghị của Công ty SGĐN đến Thanh tra Chính phủ để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và trả lời doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo cáo trạng, do đơn của Công ty SGĐN chưa được Thanh tra Chính phủ giải quyết và công ty đã ký hợp đồng ngày 2/10/2020 nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty SGĐN với giá 5.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Cao Trí được ông Minh hướng dẫn tiếp tục làm đơn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lãnh đạo Chính phủ có văn bản chỉ đạo mạnh mẽ hơn theo hướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết đơn để Thanh tra Chính phủ có cơ sở thực hiện.
Ngày 16/1/2021, ông Nguyễn Cao Trí gặp và ăn sáng với ông Mai Tiến Dũng tại Nhà khách 35 Hùng Vương, Hà Nội. Ông Trí trao đổi với ông Mai Tiến Dũng việc dự án Đại Ninh đã bị thu hồi theo kết luận thanh tra và ông Trí có nhắc lại việc đã mua lại dự án, đang xin thủ tục để dự án được gia hạn, giãn tiến độ, không bị thu hồi.
Ông Trí còn nhắc đến chuyện được ông Trần Văn Minh hướng dẫn tiếp tục gửi đơn của Công ty SGĐN, thông qua Văn phòng Chính phủ, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ (phụ trách Thanh tra Chính phủ) chỉ đạo để Thanh tra Chính phủ có căn cứ thành lập tổ kiểm tra xác minh đơn, sửa đổi kết luận thanh tra, cho giãn tiến độ dự án.
Ông Trí nhờ ông Dũng tiếp tục chỉ đạo Vụ I thực hiện việc này. Ông Mai Tiến Dũng đã bút phê 2 lần “chuyển vụ I (giải quyết sớm) 15/1” và “chuyển vụ I” vào đơn ngày 12/1/2021 của Công ty SGĐN, giao cho bà Trần Bích Ngọc đề xuất.
Kết quả, Vụ I sau đó đã có phiếu trình giải quyết công việc ngày 19/1/2021, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ánh kiến nghị của Công ty SGĐN liên quan đến dự án Đại Ninh theo đúng quy định của pháp luật và trả lời doanh nghiệp. Đến ngày 21/10/2021, lãnh đạo Chính phủ có ý kiến đồng ý đề xuất nội dung trình phiếu trên.
VKSND Tối cao cho rằng, việc đề xuất, sau đó được lãnh đạo Chính phủ đồng ý chuyển đơn cùng ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giải quyết theo yêu cầu và hướng có lợi cho ông Nguyễn Cao Trí là trái pháp luật, là tiền đề cho hàng loạt sai phạm sau này của Thanh tra Chính phủ.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.