Chiều 12/7, sau 2 ngày thẩm vấn, đại diện VKSND Cấp cao đã đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Đức Chung. Tuy nhiên, kiểm sát viên chưa đưa ra đề nghị cụ thể về mức án.
VKS cũng có đề nghị tương tự đối với kháng cáo xin giảm án của 2 bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến trong vụ án tiếp tay cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói số hóa dữ liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội. Đối với kháng án xem xét lại mức bồi thường dân sự của 2 bị cáo này, VKS cho rằng tòa sơ thẩm đã tuyên phù hợp nên không có căn cứ chấp nhận.
Không oan nhưng có tình tiết giảm nhẹ
Theo lập luận của VKS, 2 bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến đã tham gia lập hồ sơ khống và can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Việc này khiến kết quả đấu thầu bị sai lệch, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.
Quá trình xử sơ thẩm, tòa án đã đánh giá, xem xét đúng vai trò tương xứng với hành vi, mức độ hậu quả gây ra. Khi phúc thẩm, 2 bị cáo đã tích cực tác động gia đình nộp hơn 3,8 tỷ đồng (bà Tuyến hơn 2 tỷ, bà Hường 1,8 tỷ). Điều này thể hiện sự ăn năn, hối cải của các bị cáo.
Tuy nhiên, hồ sơ vụ án xác định sai phạm về đấu thầu của các bị cáo gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng. Về dân sự, cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng mức độ sai phạm để từ đó yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự phù hợp. Do đó, VKS thấy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà Hường và bà Tuyến về dân sự.
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: N.H. |
Đối với kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, cơ quan công tố cho rằng quá trình điều tra và tại tòa, ông Chung chưa thừa nhận toàn bộ cáo buộc. Tuy nhiên, căn cứ email do Bùi Quang Huy gửi cho ông Chung đề xuất dừng các gói thầu số hóa để giao cho Nhật Cường thực hiện, bị cáo đã 3 lần gọi điện cho cấp dưới, yêu cầu dừng thầu để “ưu ái” cho Nhật Cường trúng thầu.
“Từ đó cho thấy Công ty Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết với UBND Hà Nội”, công tố viên lập luận và cho rằng sau chỉ đạo của ông Chung, Nhật Cường đã được tham gia đấu thầu và trúng thầu. Vì vậy, tòa sơ thẩm quy kết ông Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là phù hợp, không oan. Mức án 3 năm tù do TAND Hà Nội đưa ra cũng phù hợp.
Giai đoạn phúc thẩm, ông Chung và gia đình cung cấp một số tài liệu như hồ sơ bệnh án, hơn 85 bằng khen, giấy khen của bị cáo và người thân để làm tình tiết giảm nhẹ mà chưa trình ra tại cấp sơ thẩm.
“Đây là những tình tiết mới để làm căn cứ xem xét”, đại diện VKS công bố và đánh giá tại tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi nhưng cho rằng những hành vi đó không đáng bị truy tố. Sau khi tổng hợp các tình tiết, VKS đã đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của ông Chung.
Đại diện VKS đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của 3 bị cáo. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ông Chung nói về mối quan hệ với ông chủ Nhật Cường
Sáng 12/7, trước câu hỏi về mối quan hệ với Bùi Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đang trốn truy nã quốc tế), ông Chung nói rằng bị cáo và ông Huy chỉ có mối quan hệ xã hội.
"Tôi chưa bao giờ đến nhà hay đi ăn cùng Bùi Quang Huy", ông Chung trình bày và khai bị cáo quen ông chủ Nhật Cường từ trước khi làm Giám đốc Công an Hà Nội. Thời điểm đó, doanh nghiệp này tham gia thực hiện một số phần mềm về quản lý dân cư, quản lý tang vật cho công an thành phố.
Khi chủ tọa truy vấn về nội dung email mà Bùi Quang Huy gửi cho ông Chung ngay trước ngày mở thầu để đề nghị dừng thầu, cựu Chủ tịch Hà Nội khai từ khoảng năm 2011-2013, ông đã không sử dụng email này nên không biết Huy gửi thông tin gì.
Đến năm 2015, ông Chung trở thành chủ tịch thành phố nên chuyển sang sử dụng email mới. Bị cáo cho rằng khi điều tra viên in nội dung ra giấy thì ông mới biết đến email mà Bùi Quang Huy gửi. Trước những truy vấn của HĐXX, ông Chung nhiều lần nói rằng mình chưa bao giờ giới thiệu Công ty Nhật Cường với Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của Hà Nội.
Ông Chung cũng nêu nhiều quan điểm để làm căn cứ phủ nhận cáo buộc bị cáo đã chỉ đạo Sở KH&ĐT dừng mở thầu để tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
"Chủ doanh nghiệp như Bùi Quang Huy không thể chỉ đạo, yêu cầu chủ tịch UBND thành phố được", ông Chung phân trần và cho rằng Công ty Nhật Cường hay Công ty Minh Hoa là các đơn vị độc lập, không liên quan đến bị cáo. Ai sai thì người đó chịu trách nhiệm, không thể quy kết vợ làm sai thì chồng phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cựu chủ tịch Hà Nội giãi bày chiều 15/5/2016, bị cáo đề nghị dừng thầu và yêu cầu cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ kiểm tra các sai phạm. Sáng hôm sau, ông Tứ là người ra quyết định dừng thầu theo đúng thẩm quyền. Ông Chung phủ nhận đã chỉ đạo bị cáo Tứ dừng thầu như bản án sơ thẩm quy kết.
Từ trái qua là bà Phạm Thị Thu Hường và bà Phạm Thị Kim Tuyến. |
Trong khi đó, trả lời thẩm vấn chiều 11/7, các bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội) và cựu Chánh văn phòng Sở Phạm Thị Thu Hường khai năm 2015, đơn vị này làm chủ đầu tư lên kế hoạch mời thầu gói số hóa dữ liệu. Lúc đó, 6 doanh nghiệp mua hồ sơ tham gia mà không có Công ty Nhật Cường.
Tuy nhiên, khoảng một giờ trước khi diễn ra buổi họp giao ban ngày 6/5/2016, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ bất ngờ thông báo rằng theo yêu cầu của chủ tịch thành phố, sở dừng việc mở thầu.
Từ những chỉ đạo trên, họ đã phải vận dụng các quy định khác để thông báo về việc dừng thầu. Sau đó, Công ty Nhật Cường đã được giới thiệu để thí điểm thực hiện các gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp.
Cuối tháng 12/2021, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Chung 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Phạm Thị Thu Hường bị phạt 3 năm 6 tháng tù, còn bà Phạm Thị Kim Tuyến lĩnh 4 năm 6 tháng tù cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau phiên xử sơ thẩm, ông Chung kháng cáo kêu oan. Hai nữ bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt.