Ông Nguyễn Văn Khanh được chuyển từ án giam sang án treo
Chiều 1/8, HĐXX phúc thẩm vụ án hình sự “hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại khu đầm gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vào ngày 5 và 6/1/2012 đã tuyên án đối với các bị cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Theo đó, HĐXX quyết định cho bị cáo Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) được hưởng án treo.
Giảm án cho bị cáo Nguyễn Văn Khanh
Cụ thể, HĐXX nhận thấy tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Khanh đã thay đổi kháng cáo theo hướng nhận ra trách nhiệm hành vi của mình và đề nghị xin được giảm án thành án treo.
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh bị xác định là trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế, là người ký văn bản và là người trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo việc hủy hoại tài sản. HĐXX xác định bị cáo là người đứng đầu, có vai trò chỉ đạo dẫn đến hành vi phạm tội. Tuy nhiên, xét thấy trong quá trình công tác bị cáo đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, huân huy chương, gia đình thuộc có công.
Ngoài ra, bị cáo được nhiều tổ chức, đoàn thể và nhân dân tại huyện Tiên Lãng có đơn thư, văn bản đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Đặc biệt, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Các bị hại là Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu đã có xác nhận việc bị cáo thực hiện bồi thường trách nhiệm dân sự và có đơn đề nghị cho bị cáo hưởng mức án treo.
Do đó, HĐXX xét cho bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ, quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khanh 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 42 tháng. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Khanh bị tuyên phạt 30 tháng tù giam.
Các bị cáo Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan có hành vi phạm tội với mức độ thấp hơn bị cáo Nguyễn Văn Khanh, đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bản thân các bị cáo cũng được nhiều bằng khen, được nhân dân và các tổ chức đoàn thể địa phương có đơn thư, văn bản đề nghị xin giảm án cho các bị cáo. HĐXX đồng tình với đánh giá của toà cấp sơ thẩm về việc các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xử phạt cho hưởng mức án thấp dưới mức khởi điểm của khung hình phạt, hưởng án treo.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào khác nên HĐXX quyết định giữ nguyên mức án phiên tòa sơ thẩm đã tuyên. Cụ thể, các bị cáo Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 48 tháng.
Bị cáo Phạm Đăng Hoan bị tuyên phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 30 tháng.
Bị cáo Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên giữ nguyên mức án sơ thẩm là 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 30 tháng.
HĐXX xét kháng cáo của bị cáo Lê Thanh Liêm về nghĩa vụ bồi thường thấy mặc dù bị cáo vắng mặt vào chiều 5/1/2012, không trực tiếp chỉ đạo đôn đốc việc hủy hoại tài sản nhưng biết nội dung tháo dỡ, đã có hành vi huy động lực lượng và phương tiện để tổ công tác số 2 phá dỡ lều của ông Đoàn Văn Vươn. Chiều cùng ngày, khi bị cáo xuống hiện trường phát hiện việc phá dỡ nhưng vẫn tiếp nhận ý chí, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Khanh để sáng hôm sau phá dỡ tiếp. Do đó, hành vi của bị cáo Liêm là đồng phạm về tội “hủy hoại tài sản”, phải có trách nhiệm bồi thường; không chấp nhận kháng cáo.
Bác toàn bộ kháng cáo của bị hại
Đối với các nội dung kháng cáo của bị hại, HĐXX bác bỏ toàn bộ. Cụ thể, về đề nghị truy tố thêm về tội danh cướp tài sản, HĐXX đánh giá các bị cáo không có hành vi chiếm đoạt tài sản của bị hại nên không phạm vào tội cướp tài sản. Các bị cáo đã vượt quá hành vi thi hành công vụ và phạm vào tội “hủy hoại tài sản”. Quá trình này, các bị cáo không xua đuổi bị hại, không tư lợi nên không có căn cứ khởi tố bổ sung các tội khác.
Đối với nội dung bỏ lọt tội phạm, HĐXX căn cứ tài liệu điều tra và kết quả tranh tụng tại tòa xác định ngoài các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này thì các thành viên còn lại của ban chỉ đạo cưỡng chế không biết rõ chủ trương, không được bàn bạc, thảo luận, không biết việc phá dỡ là vi phạm pháp luật nên không vi phạm pháp luật, không có hành vi bỏ lọt tội phạm.
Đối với kháng cáo đề nghị hủy bỏ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, HĐXX xác định cơ quan điều tra đã tuân thủ quy định của pháp luật khi tiến hành điều tra vụ án, thống kê đầy đủ thiệt hại có sự chứng kiến của bị hại. Quá trình điều tra đã trưng cầu giám định để định giá tài sản và hội đồng giám định đã tuân thủ đúng trình tự thủ tục, kết luận định giá đúng quy định nên không có căn cứ để hủy án điều tra lại cũng như định giá lại tài sản theo kiến nghị của các bị hại.
Đối với việc đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại, kết luận của hội đồng định giá đã xác định tổng thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra. Phiên tòa sơ thẩm đã quyết định đúng, quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của bị hại.
Về nội dung kháng cáo đề nghị làm rõ động cơ của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán xét xử phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận thấy những yêu cầu của bị hại và ý kiến của luật sư đưa ra là suy diễn, thiếu căn cứ và không thuộc thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm nên không có căn cứ giải quyết.
Theo Tuổi Trẻ