Trong kết luận điều tra về vụ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố các ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài cáo buộc ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) là chủ mưu, cầm đầu để xảy ra sai phạm trong vụ án, cơ quan điều tra cũng xác định ông Nguyễn Văn Thể (khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT, nay là Bộ trưởng GTVT) ký 3 văn bản không đúng quy định của pháp luật.
Hợp thức hóa đề xuất của Công ty Yên Khánh
Cơ quan điều tra kết luận quá trình quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá, ngay khi Công ty Yên Khánh thanh toán không đúng hạn hợp đồng, Tổng công ty Cửu Long đã có 12 văn bản báo cáo Bộ GTVT.
Bộ GTVT sau đó có 12 văn bản chỉ đạo nhưng đều không đề nghị chấm dứt trước hạn hợp đồng theo quy định, thu hồi quyền thu phí.
Trong số các văn bản chỉ đạo nêu trên của Bộ, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Văn Thể tại thời điểm đó, với vai trò là Thứ trưởng Bộ GTVT, đã ký 3 văn bản.
Theo đó, ngày 31/8/2015, ông Thể ký văn bản gửi Tổng công ty Cửu Long, Công ty Yên Khánh chỉ đạo yêu cầu phía Yên Khánh khẩn trương thanh toán theo đúng cam kết, là nộp 100 tỷ đồng trước ngày 28/8/2015 và nộp số còn lại trước 30/9/2015.
Ngày 8/10/2015, ông Thể ký tiếp văn bản chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long đốc thúc phía Yên Khánh nộp đủ số tiền mua quyền thu phí cao tốc.
Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa hồi tháng 5. Ảnh: TTQS. |
Văn bản thứ 3 là tờ trình được ông Thể ký ngày 22/6/2015 để gửi ông Đinh La Thăng, báo cáo việc Công ty Yên Khánh chưa thanh toán nốt số tiền còn lại theo hợp đồng là hơn 900 tỷ đồng.
Ngày 23/6/2015, ông Thăng ghi ý kiến chỉ đạo phía trên, góc trái của tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng của hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan Nhà nước, Tổng công ty Cửu Long”.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Thể ghi ý kiến chỉ đạo tiếp theo dưới bút phê của ông Đinh La Thăng: “Gấp, yêu cầu Tổng công ty Cửu Long, Vụ Tài chính, Pháp chế... làm việc lại với Công ty Yên Khánh thảo luận từng vấn đề cụ thể, có kết luận rõ ràng, dứt khoát...”.
Tiếp đó, để có lý do báo cáo sự chậm trễ và cấn trừ số tiền phải thanh toán, ngày 22/7/2014, phía Yên Khánh ký văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị về việc giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm theo hình thức BOT hoặc BOT kết hợp BT với tổng đầu tư 1.300 tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng ghi bút phê vào tờ trình: “Đồng ý, kính chuyển anh Thể giải quyết”. Ông Thể ghi tiếp bút phê đề xuất các vấn đề liên quan dự án BOT này.
Bộ Công an kết luận việc ông Nguyễn Văn Thể ký các văn bản chỉ đạo trong năm 2015 và chủ trì kết luận nhiều cuộc họp có nội dung như trên là thực hiện không đúng quy định của pháp luật, hợp thức hóa các nội dung Công ty Yên Khánh đề xuất.
Cơ quan điều tra chỉ rõ sai phạm của ông Đinh La Thăng và các bị can đã để cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, là công ty kinh doanh thua lỗ, không đủ tư cách tham gia nhưng trúng đấu giá.
"Sai phạm của từng cá nhân ở từng giai đoạn liên hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu.
Ông Nguyễn Hồng Trường có vai trò đồng phạm
Bản kết luận điều tra cũng xác định vai trò đồng phạm của cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đối với bị can Đinh La Thăng. Thời điểm xảy ra vụ án, ông Trường là Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Ngày 14/8, ông Trường bị bắt cùng 2 người do liên quan sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu giá, thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Ông Nguyễn Hồng Trường (giữa) và 2 người bị khởi tố ngày 14/8. Ảnh: Bộ Công an. |
Theo điều tra, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã ký một số văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đề án bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc trên.
Sau đó, ông Trường không thông qua Hội đồng bán đấu giá, ký quy chế bán đấu giá quyền thu phí cao tốc khi duy nhất có công ty của Út "Trọc" tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm.
Ngoài ra, Bộ Công an kết luận bị can ký văn bản thông báo cho 2 công ty của Út "Trọc", là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An, đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc khi chưa thông qua Hội đồng bán đấu giá.
Khi Công ty Yên Khánh không thanh toán đúng hạn theo hợp đồng, ông Trường không chỉ đạo việc đình chỉ giao quyền thu phí, chấm dứt hợp đồng mà đôn đốc doanh nghiệp của Út "Trọc" trả tiền.
Kết luận điều tra chỉ ra sai phạm của bị can Nguyễn Hồng Trường có vai trò đồng phạm trong việc để cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT được đánh giá thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra. Quá trình công tác, bị can có nhiều thành tích nên cơ quan tố tụng đề nghị xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Công ty Yên Khánh thành lập năm 2005 do Vũ Thị Hoan, cháu gái của Đinh Ngọc Hệ đứng tên. Công ty này có vốn điều lệ đăng ký là 1.800 tỷ đồng. Quá trình hoạt động, công ty liên danh với nhiều đơn vị để làm chủ đầu tư hàng loạt dự án BT, BOT trên cả nước. Công ty Yên Khánh còn được Bộ GTVT chỉ định làm nhà thầu thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Hồi tháng 5, Vũ Thị Hoan bị Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt 7 năm tù trong vụ án Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 lô đất trong 49 năm nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Đinh Ngọc Hệ đang chấp hành bản án 30 năm tù do liên quan hàng loạt vụ án, với nhiều tội danh như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.