Ông Phan Văn Vĩnh khai mua đồng hồ Rolex tiền tỷ từ việc bán cây cảnh
Thứ hai, 19/11/2018 14:45 (GMT+7)
14:45 19/11/2018
"Ngoài lương, bị cáo còn thu nhập từ cây cảnh. Chắc chắn bị cáo không lấy lương mua đồng hồ mà lấy từ tiền bán cây", cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát nói trước tòa.
Chiều 19/11, HĐXX bắt đầu xét hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát).
Trước bục khai báo, ông Vĩnh đều “Dạ, thưa HĐXX” khi trả lời các câu hỏi của chủ tọa. Người lớn tuổi nhất trong số 92 bị cáo hầu tòa đứng chắp tay phía trước, trả lời một cách từ tốn, nói to và rõ ràng.
Ông Phan Văn Vĩnh: Bị cáo thấy rất thấm thía, ân hận
Hai tay đan vào nhau, ông Vĩnh xin đứng trước bục khai báo để trình bày, nếu có dấu hiệu về sức khỏe sẽ xin ngồi để trả lời HĐXX.
Thừa nhận việc bị việc kiểm sát truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nói ông rất day dứt và hối hận nghe 90 bị cáo trả lời thẩm vấn trong 6 ngày qua.
"Bởi vì 92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã bị lâm vào lao lý. Không những vậy, nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu người khác ngoài xã hội cũng liên lụy. Chắc chắn giờ này, họ đã và đang có những đau khổ. Như vậy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội, gây ra bất an. Bị cáo thấy rất thấm thía, ân hận”, ông Vĩnh nói với chức vụ Tổng cục trưởng, chỉ huy cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm, lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn để vụ án không xảy ra.
Ông Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa xét xử 92 bị cáo. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Về mối quan hệ với các bị cáo trong vụ án, ông Phan Văn Vĩnh nói ông là Tổng cục trưởng, cấp trên của Nguyễn Thanh Hóa. Suốt 8 năm hoạt động, ông và cựu Cục trưởng C50 chưa từng có mâu thuẫn.
Với Nguyễn Văn Dương, hai bên cũng không có mâu thuẫn cá nhân. Năm 2011, ông Vĩnh biết Dương khi chia tay Nam Định lên nhận nhiệm vụ ở Bộ Công an. Dương phụ trách công ty nghiệp vụ, là đối tác thực hiện nhiệm vụ C50 chỉ đạo.
Vì sao CNC được chọn làm công ty nghiệp vụ của C50?
Ông Phan Văn Vĩnh khai khi về nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng, C50 đã được thành lập và hoạt động và có thẩm quyền được thành lập công ty nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Vì sao Tổng cục cảnh sát lựa chọn công ty của Nguyễn Văn Dương làm công ty nghiệp vụ? Ông Vĩnh trả lời, trong công cuộc chiến đấu với tội phạm, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao thì C50 được phép tổ chức thực hiện đơn vị nghiệp vụ. Việc C50 sử dụng công ty nghiệp vụ là đúng với quy định của lãnh đạo Bộ.
Chủ tọa vội ngắt lời và nhắc lại câu hỏi. Lúc này, ông Vĩnh nói, trước khi chọn CNC, Ban thường vụ đảng ủy Tổng cục cảnh sát đã thảo luận và thống nhất, lập tờ trình căn cứ vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
"92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã bị lâm vào lao lý. Không những vậy, nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu người khác ngoài xã hội cũng liên lụy", ông Vĩnh nói trước tòa chiều 19/11. Ảnh: Việt Linh.
Sau khi xét các điều kiện có được, C50 đã báo cáo xin thành lập công ty nghiệp vụ. Mà công ty này ban đầu là công ty TNHH, C50 cử người góp vốn để tham gia ký kết hợp tác.
Khai tại tòa, Cục trưởng C50 là người chịu trách nhiệm việc thành lập công ty nghiệp vụ. Theo quy định lúc đó, trong nội bộ biết được đó là công ty nghiệp vụ nên không được thảo luận cụ thể tên của công ty này mà chỉ được nói về mặt mô hình. Còn việc sử dụng như thế nào là bí mật của lực lượng công an.
Về những ưu ái cho CNC, ông Vĩnh khẳng định không hay biết công ty này được cấp ôtô biển xanh. Còn về việc công ty bình phong được thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, thì ông cho rằng đó là căn hộ nhỏ, không phải trụ sở.
Khi C50 và Cục chính trị hậu cần đề xuất cho CNC thuê lại, ông Vĩnh nghĩ trụ sở của đơn vị là 40 Hàng Bài, sau chuyển sang 47 Phạm Văn Đồng nên việc cho thuê là hợp lý.
Công ty nghiệp vụ mà đóng tại trụ sở Bộ Công an, bị cáo có cảm thấy có vấn đề không? Một lần nữa ông Vĩnh nói số 10 Hồ Giám chỉ là căn hộ nhỏ lẻ, như nhà dân bình thường.
Vẫn theo lời khai của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, ngày 14/5/2015, CNC mới chính thức là công ty bình phong. Ông Vĩnh cho rằng Tổng cục công nhận công ty của Nguyễn Văn Dương thành đơn vị nghiệp vụ là hợp pháp, hợp lý và đúng quy trình.
Tuy nhiên, thực tế từ 2011, CNC và C50 đã ký kết hợp tác. Các đơn vị nghiệp vụ do lãnh đạo cục phụ trách. Ông Vĩnh theo dõi chung, không nhận báo cáo trực tiếp từ CNC.
Trước khi công nhận CNC là công ty nghiệp vụ, bị cáo thấy doanh nghiệp đã đóng góp được gì cho công tác phòng chống tội phạm? Trả lời thẩm phán, ông Phan Văn Vĩnh khai trong hồ sơ của C50 trình ký thể hiện CNC đã phối hợp hoạt động từ trước đây. Bị cáo thấy rằng cần xác nhận để C50 sử dụng công ty này. Mọi đường lối hoạt động của CNC đều do cục trưởng chịu trách nhiệm trước tổng cục trưởng. Với trách nhiệm tổng cục trưởng, bị cáo khẳng định đã yêu cầu việc hoạt động phải hiệu quả, đúng pháp luật.
Về chỉ đạo xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, ông Phan Văn Vĩnh khai mô hình được xây dựng sau khi ông Nguyễn Thanh Hóa đi Trung Quốc học tập kinh nghiệm. Nhận thấy mô hình rất hay, ông Vĩnh đã giao C50 xây dựng đề án.
Ông Vĩnh khẳng định không hay biết CNC phối hợp với VTC online vận hành game bài Rikvip. Bị cáo chỉ biết có sự hợp tác thông qua báo cáo không số của Cục trưởng C50 và báo cáo của Phó tổng cục trưởng Nguyễn Công Sơn ký.
Quá trình điều tra, bị cáo có bị bức cung, nhục hình không? Ông Vĩnh mỉm cười, nói: “Dạ, không ạ”.
Quên báo cáo Thứ trưởng vì áp lực công việc
Tiếp tục phần xét hỏi, ông Vĩnh khai, sau khi nghiên cứu công văn ngày 27/5 của Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Tổng cục Cảnh sát báo cáo tình hình hoạt động của game bài Rikvip, đến ngày 30/5, ông ta đã bút phê lên văn bản này với nội dung: Kính chuyển Cục trưởng C50 xây dựng báo cáo trình Tổng cục trưởng duyệt.
Vậy bị cáo lý giải gì về việc với tư cách Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, khi nhận được đề nghị của Thứ trưởng yêu cầu báo cáo rằng công ty nghiệp vụ của Bộ Công an đang cùng Công ty VTC online vận hành game trái phép, nhưng ngày 31/5 lại ký công văn gửi Bộ TT&TT xin cấp phép cho trò chơi của CNC? Ông Vĩnh lập tức phủ nhận và trình bày, trong bản khai, bị cáo đã khai việc ký công văn gửi Bộ TT&TT được thực hiện vào ngày 23/5.
“Tại cơ quan điều tra bị cáo cũng đã thắc mắc về điều này”, cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát nói.
"Thời điểm đó, với áp lực công việc, các vụ án giết người xảy ra trên cả nước. Hơn nữa, lại là giai đoạn cuối của các vụ án về tham nhũng nên bị cáo đã lãng quên", bị cáo Phan Văn Vĩnh trả lời câu hỏi của chủ tọa chiều 19/11 khi bị truy vấn về việc không báo cáo cấp trên về game bài Rikvip. Ảnh: Việt Linh.
Lúc này, chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi, trên thực tế cơ quan điều tra xác minh và xác định, văn bản ông Vĩnh gửi Bộ TT&TT về việc xin cấp phép cho trò chơi của CNC sau khi có văn bản yêu cầu báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an? Lý giải điều này, ông Vĩnh cho rằng ông ta đã ký các công văn gửi Bộ TT&TT tại cùng một thời điểm. Do đó, quá trình điều tra, ông Vĩnh đã đề nghị điều tra viên kiểm chứng thời gian ký văn bản nào trước.
Đề cập đến văn bản do ông Nguyễn Công Sơn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách C50) ký gửi Bộ TT&TT đề nghị xin cấp phép cho hoạt động cổng trò chơi trên mạng của CNC, ông Vĩnh nói bản thân nắm được nội dung công văn này.
Vậy tại sao trong thời gian đó, bị cáo không trả lời Thứ trưởng mà tiếp tục đồng tình để cho ông Nguyễn Công Sơn ký một văn bản khác gửi sang Bộ TT&TT? Nghe chủ tọa truy vấn trách nhiệm, ông Phan Văn Vĩnh giải thích công văn do Thứ trưởng Bộ Công an ký được gửi cho 3 người, gồm bản thân ông Vĩnh, ông Nguyễn Công Sơn và Cục trưởng C50.
Theo lời khai, sau khi nhận được công văn này, ông Vĩnh đã yêu cầu Cục trưởng C50 soạn báo cáo. “Nhưng thời điểm đó, với áp lực công việc, các vụ án giết người xảy ra trên cả nước. Hơn nữa, lại là giai đoạn cuối của các vụ án về tham nhũng nên bị cáo đã lãng quên”, ông Vĩnh trần tình.
Sau gần 2 giờ đứng trả lời, ông Vĩnh xin phép HĐXX được ngồi ghế để tránh sức khỏe bị ảnh hưởng. Chủ tọa chấp thuận. Ảnh: Việt Linh.
Mua đồng hồ tiền tỷ từ việc bán cây cảnh
Bị cáo Vĩnh khai tháng 8/2018, ông nhận được báo cáo của C50 về 96 “con game” hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có Rikvip. Khi đó, nguyên Tổng cục trưởng bút phê đề nghị báo cáo lãnh đạo bộ lập kế hoạch bóc dỡ và giao cấp phó chỉ đạo.
“Tinh thần bút phê là tinh thần chiến đấu”, ông Vĩnh tin rằng C50 là đơn vị chủ lực, sẽ chấp hành nghiêm chỉ đạo.
Đến tháng 11/2011, ông Vĩnh khai bản thân cũng thắc mắc khi Cục trưởng C50 trình đề xuất Bộ trưởng tiếp tục cho CNC vận hành 2 cổng game có dấu hiệu đánh bạc trá hình. Qua trao đổi, ông Hóa khẳng định CNC không tổ chức đánh bạc và lấy lý do xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về an ninh mạng để thuyết phục cấp trên.
Theo lời khai, do còn hơn một tháng nữa sẽ về hưu nên ông Vĩnh không ký. Sau đó, nghĩ ông Nguyễn Thanh Hóa không thể tự báo cáo Bộ trưởng nên ông Vĩnh bút phê để Cục trưởng C50 trình lãnh đạo Bộ. “Mục đích ký văn bản và nội hàm định đoạn là như vậy. Tôi xin trình HĐXX, trình với viện kiểm sát, trình với quý vị”, ông Vĩnh khai.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng giải thích, báo cáo hồi tháng 8/2016 của C50 chỉ nêu 2 cổng của CNC hoạt động phức tạp, không phải đánh bạc. Trong khi mọi hoạt động của công ty nghiệp vụ đều do một đơn vị chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng và lãnh đạo Bộ.
“Không phải để đổi lỗi nhưng rất mong HĐXX phân định điểm này. Đến tháng 11/2016, Cục trưởng C50 vẫn khẳng định CNC không phải đánh bạc. Đó là điều khó nhất, mọi luồng thông tin không đến với bị cáo”, ông Vĩnh nói về khó khăn trong chỉ đạo.
Game bài được quảng cáo công khai trên mạng xã hội. Với tư cách Tổng cục trưởng, bị cáo nghĩ mình có trách nhiệm thế nào? Trước truy vấn của thẩm phán, ông Phan Văn Vĩnh thừa nhận đã thiếu sâu sát, nhưng cũng giải thích thời điểm đó ông không có báo cáo của các đơn vị nghiệp, cơ quan chức năng.
“Đó là thiệt thòi của bị cáo, dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề. Tôi càng thấm thía, nếu có lượng thông tin sớm hơn, nhảy cảm cao hơn về công nghệ thông tin thì chắc chắn tôi đã có định hướng chỉ đạo không để xảy ra hậu quả thế này”, ông Vĩnh nói.
Bảo lưu lời khai tại cơ quan điều tra, ông Vĩnh nói chỉ được Nguyễn Văn Dương tặng 1 cái áo, 1 lọ thuốc bổ gan.
Trước đó, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã sử dụng một phần lợi nhuận của công ty và một phần lớn tiền thu từ tổ chức đánh bạc để cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Ngoài ra, trùm cờ bạc còn chi tiền Tết cho ông Vĩnh 150.000 USD, tặng đồng hồ Rolex 7.000 USD. Dương cũng khai nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, với những chai rượu trị giá 100 triệu đồng và nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát với chi phí trên 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Vĩnh không thừa nhận những lời khai trên. Cựu trung tướng cảnh sát chỉ thừa nhận mua đồng hồ Rolex và trả cho Dương 1,1 tỷ đồng.
Khi ông Vĩnh khai không kinh doanh bên ngoài, thẩm phán bày tỏ sự hoài nghi về việc ông Phan Văn Vĩnh trích thu nhập để mua đồng hồ tiền tỷ. Lúc này, nguyên Tổng cục trưởng nói ông chơi cây cảnh từ 30 năm trước, đến nay có cây trị giá khoảng 10 tỷ.
“Ngoài lương, bị cáo còn thu nhập từ cây cảnh. Chắc chắn bị cáo không lấy lương mua đồng hồ mà lấy từ tiền bán cây cảnh. Sau khi định về mua cây cảnh ở Hà Nội, bị cáo sẵn nên trả đồng hồ. Chơi cây hay chơi đồng hồ, bị cáo nghĩ nên chơi đồng hồ”, ông Phan Văn Vĩnh nói chiếc đồng bị mất trong một lần ông tháo ra để rửa tay.
Theo kết luận điều tra, ông Phan Văn Vĩnh là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, 1 tháng lương với hàm trung tướng là 20 triệu đồng. Số tiền ông Vĩnh khai mua đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, mà phải trả 1,1 tỷ đồng bằng 55 tháng lương (tương đương 4 năm 7 tháng) không chi phí gì.
Mặt khác, Dương không phải anh em họ hàng thân thiết. Từ căn cứ trên, Cơ quan An ninh điều tra có đủ cơ sở kết luận ông Vĩnh được Dương cho chiếc đồng hồ Rolex là đúng.
'Bị cáo chỉ có lỗi tin tưởng cấp dưới'
Cuối phiên làm việc chiều 19/11, ông Phan Văn Vĩnh đứng dậy trả lời luật sư thay vì tiếp tục ngồi ghế. Nắm chặt micro, cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát khẳng định ông chỉ có lỗi là đã tin tưởng cấp dưới.
“Tôi đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, tin tưởng vào cơ quan chuyên môn mà lại là cơ quan đầu ngành trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”, Phan Văn Vĩnh cũng thừa nhận đã thiếu đôn đốc nên không sớm phát hiện những cán bộ thuộc diện mình quản lý để có điều chỉnh kịp thời. Do đó, ông đã không có sự chỉ đạo để tổ chức bóc dỡ, đấu tranh hiệu quả với tội phạm.
“Còn lại, trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao, tôi chưa có phút giây nào lơ là để cho mình vi phạm pháp luật. Bị cáo chỉ có lỗi cố ý gián tiếp”.
Trước khi tòa tạm nghỉ, ông Phan Văn Vĩnh nói suốt 45 năm công tác, ông chưa bao giờ có ý nghĩ đi ngược lại nguyện vọng hoàn thành nhiệm vụ để đất nước và nhân dân bình yên. Song, do những hạn chế về công nghệ cao, bị cáo tin vào những chuyên gia công nghệ nên không thể lường trước trước hậu quả.
Việc 92 bị cáo hầu tòa (chưa kể những người đang lẩn trốn), cộng thệm hàng triệu gia đình, nạn nhân liên lụy khiến ông “hết sức trăn trở, hết sức cắn rứt”. Ông Vĩnh thấy rằng cá nhân phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhân dân.
Bảo kê đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Cơ quan công tố xác định, sau khi chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa và cấp dưới lập đề án công ty bình phong, ông Phan Văn Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương đến gặp cựu lãnh đạo C50 để thỏa thuận, đưa CNC làm công ty bình phong.
Năm 2015, Phan Sào Nam biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game bài đánh bạc Rikvip. Thực tế, phải vài tháng sau, ông Vĩnh mới ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong.
Quá trình hoạt động, ông Vĩnh thấy công ty bình phong liên kết vận hành chui 2 game đánh bạc, đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game trên. Khi chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ TT&TT xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do CNC phát hành.
Đến khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Công ty CNC và game bài Rikvip, 23dzo mang tính chất đánh bạc trá hình, ông Vĩnh cũng không thực hiện mà còn chỉ đạo chỉnh sửa văn bản để cấp phó ký, trong đó khẳng định 2 game bài trên đã được cấp phép.
Lưu Thị Hồng đưa 600 triệu tiền Tết cho C50; tuy nhiên, "bóng hồng" thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, chứ không nhận được yêu cầu từ C50 và không ai ép buộc việc này.
Phạm Tuấn Anh xây dựng, vận hành trái phép cổng thanh toán Paygate247 phục vụ cho việc tổ chức đánh bạc trên mạng bằng game bài Rikvip/Tip.Club, thu lời bất chính hơn 18 tỷ đồng.