Ông Lý Nhơn Thành (sinh năm 1966) được mọi người biết đến với những cái tên như Thành “chì”, “ông bụt chữa cháy”, “người Sài Gòn tốt bụng… Nổi danh từ nhỏ bởi bản tính nghĩa hiệp, bắt cướp lần đầu bằng rìu vào năm 7 tuổi, đến cứu nạn, cứu khổ, từ thiện giúp người… chưa việc nghĩa nào mà ông nề hà.
Ông từng giữ chức vụ khá cao trong lực lượng vũ trang. Tuy nhiên đến năm 2009, khi nghe tin phường Nguyễn Thái Bình thành lập lực lượng bảo vệ dân phố, ông quyết định nghỉ và chuyển về đây.
- Điều gì khiến ông quan tâm đến việc chữa cháy cứu người?
- Trận hỏa hoạn kinh khủng nhất tôi tham gia là tại trung tâm thương mại ITC vào tháng 10/2002. Lúc đó, tôi là người đầu tiên có mặt tại hiện trường và một mình xoay sở ngăn lửa lan xuống tầng trệt, cứu được 200 tiểu thương. Là người tham gia tìm nạn nhân trong vụ cháy, chứng kiến sự tang thương, không lâu sau đó, tôi dùng tiền cá nhân để tự thiết kế chiếc môtô cứu hỏa. Kích cỡ xe nhỏ giúp tôi có thể dập lửa nhanh chóng cả trong hang cùng ngõ hẻm vì lửa đi rất nhanh, trong khi xe cứu hỏa khó vào được hẻm nhỏ.
Về sau, trong quá trình công tác, gặp nhiều vụ cháy giữa cầu, ở những nơi không có sẵn nguồn nước, tôi mới nghĩ đến việc cải tiến xe ba gác, đặt thùng và gắn máy bơm để có thể lưu động hỗ trợ nhiều hơn. Riêng chiếc xe tải nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu thuyên chuyển người gặp nạn.
Chiếc xe tự chế gắn bó với ông Thành trong nhiều năm. |
- Ngoài tham gia chữa cháy, không việc khó nào ông không làm. Sự kiện hoặc trường hợp nào khiến ông nhớ mãi?
- Tôi nhớ nhất là chuyện của anh xe ôm, mắt sắp vỡ do bị cườm nước. Tôi chở anh ấy đi khám. Bác sĩ nói không phẫu thuật kịp thì khả năng cao mù cả hai mắt. Nhà anh nghèo đến mức nồi nhôm cũng không có. Vậy nên, tôi nhờ bác sĩ mổ luôn, sau đó phải về nhà “trộm” vàng của vợ đi bán để trả tiền. Tình huống lúc đó ngặt nghèo, tôi phải làm vậy.
Tới nay, tôi vẫn tự hào lo được 200 suất cơm chay từ thiện vào ngày rằm mỗi tháng. Ngoài ra, mỗi năm tôi cũng cố gắng tặng khoảng 6.000 bánh trung thu cho những người khó khăn ở Đăk Lăk, Bến Tre, Campuchia, Siêm Riệp... Ở những nơi như Tuyên Quang, Móng Cái, Cao Bằng, tôi cũng từng cho máy phát điện, đèn đường, xe máy để giúp họ mưu sinh. Thậm chí, có những lần tôi vay nợ trả góp để giúp người.
- Nhiều người gọi ông bằng cái tên thân thiện khác là Thành “bao đồng”. Ông cảm thấy thế nào về danh xưng này?
- Cái gì mình thấy trước mắt và làm được thì làm, tùy khả năng của bản thân. Nhà Phật có câu “cứu một người bằng đi 10 cảnh chùa”, giúp người ta không chỉ giúp được mình, mà còn cho thân tộc của mình. Chữa cháy, bắt cướp và giúp người là “đam mê” thấm sâu vào máu tôi, bỏ không được.
Bắt cướp, chữa cháy là đam mê khó bỏ của ông Thành. |
- Con trai và con gái ông cũng tích cực giúp người. Đã bao giờ ông gặp sự ngăn cản từ 2 người con của mình?
- Con gái từng ôm tay tôi nói: “Mai mốt ba đừng đi làm nữa”. Còn con trai ở xa, cũng “đam mê” công tác xã hội giống tôi. Thấy tôi được lên báo, con gọi về hỏi thăm, nó kêu “ba” rồi ngưng lúc lâu không nói, tôi còn sợ con xin gì vì mình đâu có điều kiện (cười lớn). Nhưng sau đó, con trai nói một câu mà tôi cũng bất ngờ: “Ba, con rất tự hào về ba”.
Tôi hay nói với các con: “Nếu có gì xảy ra, ba cũng để lại tiếng thơm cho tụi con”. Tôi tự hào là hai con hiểu và đều làm việc tốt.
- Từng có sự cố hay tai nạn nghề nghiệp nào nghiêm trọng khiến ông muốn dừng việc giúp người không?
- Nhiều lần bị người thân của những tên cướp tìm tận nhà đe dọa, tôi cũng nản, hứa với lòng nếu đi đường gặp chuyện sẽ nhắm mắt bỏ qua. Thế nhưng khi gặp cướp, chân mày tôi dựng đứng, máu “sôi lên”, hành động đến trước khi tôi kịp suy nghĩ. Điều đó ăn sâu trong máu, bộ nhớ, không bỏ được.
Tôi cũng gặp những tai nạn nghiêm trọng về thân thể. Trong vụ cháy ITC, mải lo cho nạn nhân, tôi bị kính vỡ đâm thủng mạch lươn mà không biết, khiến nhiễm trùng nặng đến ruột non. Cả tháng sau đó, vết thương ra mủ nghiêm trọng. Nhờ anh em vận động gom góp, tôi có đủ 60 triệu để phẫu thuật.
- Trải qua nhiều khó khăn, ngoài “đam mê”, động lực nào giúp ông tiếp tục “mở lời đồng ý” quan tâm đến cộng đồng?
- Có những lúc bị nhiều người cản trở, tôi cũng buồn, định tháo xe bán ve chai, không làm nữa. Nhưng bà con đến khóc, động viên, tôi bỏ không được, ráp lại xe và tiếp tục công việc.
Mới đây, sau khi biết chuyện của tôi, Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life liên hệ tặng gói Bảo hiểm tai nạn bảo vệ toàn diện để động viên tinh thần, sẻ chia khó khăn.
Gói bảo hiểm là lời động viên lớn giúp ông Thành tiếp tục thực hiện đam mê. |
Khi được tặng gói bảo hiểm này, tôi khó giữ được cảm xúc. Tôi biết bản thân sống hôm nay không biết ngày mai, thậm chí còn chưa biết đủ tiền đi buổi chợ sáng hay không, lỡ gặp chuyện là cả vấn đề lớn cho gia đình. Vì thế, gói bảo hiểm này rất ý nghĩa, mang đến động lực lớn cho tôi.
Bình luận