Ở tuổi 97, lương y Phạm Thọ Tầng hàng chục năm qua vẫn miệt mài chế biến thuốc, bỏ tiền xây phòng trọ và chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người gọi cụ là "ông Tiên".
Trên con đường chạy qua phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) người qua lại dễ nhìn thấy một biển hiệu đề "Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo" đã tồn tại hàng chục năm qua. Còn người dân quanh vùng đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ ngày ngày đi lấy thuốc hoặc đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về.
Lương y Phạm Thọ Tầng có dáng người quắc thước, giọng nói trầm ấm, tuổi đã 97 nhưng vẫn rất minh mẫn. Khi phóng viên có mặt, cụ đang nghe và nói chuyện điện thoại tư vấn, hỏi han tình hình bệnh nhân, ghi địa chỉ gửi thuốc về nhà cho họ. "Tôi mở phòng khám này với mục đích chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách. Chỉ cần họ có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương là hộ nghèo thì sẽ được chữa miễn phí hoàn toàn. Nếu họ ở xa, tôi có phòng trọ miễn phí để họ ăn ở và chữa bệnh", cụ chia sẻ.
Ở tuổi bách niên giai lão lẽ ra phải nghỉ ngơi, song ông lại luôn hết lòng với việc chữa bệnh. Lương y Phạm Thọ Tầng trước đây là chiến sĩ quân y của Sư đoàn 312, vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội vừa cầm súng chiến đấu. Trở về sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông công tác tại Viện Điều dưỡng của Bộ NN&PTNT. Tại đây, ông đã học được hai bài thuốc quý chữa bệnh đại tràng và dạ dày. Sau thời gian dài giữ vị trí Viện trưởng Viện Điều dưỡng, năm 1989 khi nghỉ hưu trở về địa phương, hình ảnh những người nghèo không có tiền chữa bệnh, họ chịu đựng đớn đau trong bất lực. Sẵn có nghề trong tay, ông bắt đầu thực hiện tiếp công việc cứu giúp người thiếu may mắn.
Hơn ba mươi năm làm nghề ông đã chữa khỏi cho hàng nghìn người nghèo. Hàng ngày, ông Tầng lặng lẽ bào chế thuốc trong khu vườn nhà, rồi túc trực ở phòng khám không để bỏ sót bệnh nhân nào đến nhờ cứu chữa. Ông bảo, sống qua hai thế kỷ mới hiểu được hạnh phúc, sinh ra và lấp đầy khi người ta biết sống vì nhau, biết chia sẻ cho nhau.
Anh Lê Mạnh Hà xúc động: “Chúng tôi mang ơn ông nhiều lắm. Nhiều người bệnh nghèo từ quê ra, ông đã tận tâm chữa khỏi không lấy một đồng xu nào tiền thuốc. Khi về quê, mỗi tháng ông còn gửi và trả cước phí vận tải thuốc đến tận nhà. Chúng tôi luôn xem ông như ông Tiên vậy”.
Trong căn phòng khám bệnh khá khang trang, ông bắt mạch cho bệnh nhân, kê đơn với những loại thuốc đựng trong chiếc tủ gỗ được bố trí từng ô rất ngăn nắp. Lúc trò chuyện với phóng viên, điện thoại của vị lương y già liên tục đổ chuông. Ông bảo, gần như ngày nào cũng vậy, cuộc gọi từ khắp nơi nhờ ông tư vấn chữa bệnh, đặt bốc thuốc, gửi thuốc… nên rất bận rộn.
Bất kể thời tiết lạnh giá, hay nắng nóng, ông vẫn đi khắp nơi để lấy thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông cho rằng đó không phải công việc làm giàu mà là tâm huyết và niềm say mê của chính bản thân mình.
Ông Tầng kể: "Bên cạnh việc đi tìm kiếm cây thuốc, tôi có trồng rất nhiều cây thuốc Nam quý tại vườn nhà. Tôi chỉ muốn giúp người nghèo để thấy lòng mình thanh thản. Tôi đã quyết định mở một phòng khám để tiện chữa trị và thăm khám cho họ".
Một tờ đơn viết tay được rút ra từ tập giấy chứng nhận hộ nghèo, gia đình chính sách được ông cho phóng viên xem, giọng ông trầm xuống: "Vui nhất là khi được chữa khỏi bệnh, họ lại gọi điện đến hỏi thăm, khi tiện là qua thăm tôi luôn. Những năm qua đã có hàng trăm, hàng nghìn những tờ đơn như này được tôi lưu lại. Những tờ giấy xác nhận hộ nghèo đều được chính quyền địa phương viết tay và có dấu đỏ. Qua những tấm giấy ấy tôi xác định được ai là hoàn cảnh của bệnh nhân mà cứu chữa. Họ đều tai qua nạn khỏi hết cả. Rồi có người sau này thành đạt, giàu có cũng không quên ơn, họ lại ủng hộ để giúp đỡ những người lâm nạn giống mình".
Những bài thuốc được bào chế có cả các vị từ những cây dược liệu tự tay ông ông trồng trong vườn nhà. Gói ghém cẩn thận để chiều lại chuyển về cho những bệnh nhân ở xa. "Đối với những người ở xa quá không có điều kiện đến, chỉ cần gửi giấy chứng nhận hộ nghèo và kết quả khám bệnh kèm theo địa chỉ, tôi sẽ gửi thuốc miễn phí đến tận nhà”, ông nói.
Nhiều năm liền, ông được UBND TP. Hà Nội, Thị xã Sơn Tây, vinh danh “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”. Tháng 10/2014, tên ông Phạm Thọ Tầng được xướng lên trong Chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu “Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Hầu hết người nội trợ đều có thói quen rửa thịt gà trước khi nấu. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến vi khuẩn lây lan ra xung quanh, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.