Trung Quốc từ lâu nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt, điển hình là văn hóa "996". Ảnh minh họa: IC. |
Phát biểu tại Tuần lễ Siêu thị Trung Quốc 2023, được tổ chức vào giữa tháng 3, Yu Donglai, người sáng lập và chủ tịch của chuỗi bán lẻ địa phương Pang Dong Lai ở tỉnh Hà Nam, đã lên án các ông chủ Trung Quốc, những người góp phần tạo nên nền văn hóa làm việc nhiều giờ.
“Bắt nhân viên làm thêm giờ là phi đạo đức và chiếm đoạt cơ hội phát triển của người khác. Ai cho các người quyền tước đoạt thời gian của nhân viên?”, ông đặt câu hỏi tới các ông chủ ở Trung Quốc.
Hàng triệu người đã xem video clip về bài phát biểu này trên các trang mạng xã hội. Phần lớn hoan nghênh quan điểm làm việc của ông Yu và cách chủ tịch doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ. Bên dưới video, nhiều người để lại bình luận tích cực, SCMP đưa tin.
Yu Donglai nổi tiếng với việc ưu tiên sức khỏe và lợi ích của nhân viên trong công việc. Ảnh: SCMP. |
“Nếu có sếp như ông Yu, tôi hứa sẽ làm việc chăm chỉ, không bao giờ chểnh mảng trong công việc”, một bình luận chia sẻ.
Một trong những chính sách nhân sự nổi tiếng tại doanh nghiệp của ông Yu là yêu cầu tất cả người lao động, kể cả nhân viên tuyến đầu, làm việc ít hơn 40 giờ/tuần và được hưởng ít nhất 30 ngày nghỉ phép có lương hàng năm.
Con số này gấp gần 3 lần thời gian nghỉ phép trung bình trên cả nước, chỉ 11 ngày phép, theo một báo cáo năm 2015 của công ty nghiên cứu thị trường YouGov vào năm 2015,
Ông chủ chuỗi bán lẻ Pang Dong Lai cũng yêu cầu các nhà quản lý cấp trung và cấp cao hơn phải nghỉ phép hàng năm bên ngoài tỉnh Hà Nam ít nhất 20 ngày để “cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống”, đồng thời cấm họ nhận bất kỳ cuộc điện thoại nào liên quan đến công việc khi đang trong kỳ nghỉ.
Mức lương trung bình hàng tháng của nhân viên công ty là 5.800 NDT (840 USD) vào năm 2022, cao hơn so với mặt bằng chung. Để so sánh, năm 2019, mức lương trung bình của các nhân viên bán lẻ ở Trung Quốc là 3.566 NDT, theo trang tin tức bán lẻ của Trung Quốc linkshop.com.
Ngoài tiền lương và thưởng, công ty còn đưa ra chương trình “bồi thường khiếu nại” để chi trả 500-5.000 NDT cho những nhân viên được cho là bị đối xử bất công.
Làm thêm ngoài giờ trở thành văn hóa cố hữu ở xứ tỷ dân. Ảnh minh họa: Reuters. |
Dù Pang Dong Lai chỉ có ít hơn 20 cửa hàng ở Hứa Xương và Tân Hương, hai đô thị hạng 3 ở tỉnh Hà Nam, sau 28 năm thành lập, thương hiệu được khen ngợi là “hình mẫu ngành bán lẻ Trung Quốc”.
Nói về tương lai của Pang Dong Lai, ông Yu khẳng định công ty không muốn trở nên vĩ đại.
“Chúng tôi chỉ muốn nhân viên của mình có cuộc sống khỏe mạnh và thư thái, nhờ đó công ty cũng được hưởng”, nhà sáng lập nói.
Văn hóa làm việc quá sức, đặc biệt trong ngành công nghệ ở quốc gia tỷ dân, đã trở thành vấn đề gây chú ý những năm gần đây sau nhiều trường hợp tử vong. Năm 2021, Tòa án Tối cao và Bộ Tài nguyên Nhân sự Trung Quốc đã tuyên bố văn hóa làm việc "9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần" (996) là bất hợp pháp, xâm phạm quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, do Trung Quốc thực hiện và quản lý quy định lao động kém, phần lớn nhân viên gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường từ các công ty vi phạm quyền lao động.
Tháng 4, một nhân viên mất đến 2 năm để kiện công ty cũ, yêu cầu bồi thường cho việc làm thêm giờ. Người phụ nữ họ Li cho biết cô phải trực điện thoại để trả lời các câu hỏi của khách hàng trên WeChat và đã làm việc ngoài giờ không lương hơn 500 tiếng trong 20 tháng.
Một tòa án ở Bắc Kinh cuối cùng ra phán quyết rằng công ty phải bồi thường cho Li 30.000 NDT (4.400 USD).
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.