Ngày 7/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng.
Hơn 8h, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi) cùng các đồng phạm liên quan việc tiêu thụ xăng lậu của Phan Thanh Hữu nhập từ Singapore về.
Mỗi tháng được tặng 2 tỷ đồng nhờ chuyển tiền mua xăng?
Bị cáo Trần Ngọc Thanh tại tòa. Ảnh: Anh Tú. |
Theo cáo trạng, Trần Ngọc Thanh (47 tuổi, ngụ Đồng Tháp) chung sống như vợ chồng với Nguyễn Hữu Tứ, nhờ việc giúp đỡ Tứ chuyển tiền mua xăng nhập lậu, mỗi tháng Thanh được Tứ tặng 2 tỷ đồng, tổng cộng số tiền Thanh đã nhận là 12 tỷ đồng.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, Trần Ngọc Thanh đã nhiều lần giúp Nguyễn Hữu Tứ chuyển trả tiền bán xăng nhập lậu vào tài khoản của Phan Thanh Hữu và Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu).
Nhà chức trách xác định từ ngày 2/3/2020 đến 23/1/2021, Nguyễn Hữu Tứ và Trần Ngọc Thanh đã chuyển trả tiền buôn bán xăng nhập lậu cho Phan Thanh Hữu bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Hữu và Hoàng Anh tổng cộng 92 lần với tổng số tiền hơn 377 tỷ đồng.
Trong đó, Trần Ngọc Thanh đã giúp sức cho Nguyễn Hữu Tứ thực hiện hành vi buôn lậu xăng bằng hình thức nhận tiền bán xăng nhập lậu từ ông này, sau đó, thông qua tài khoản ngân hàng của Thanh, chuyển thanh toán tiền mua xăng cho Hữu và Hoàng Anh tổng cộng 19 lần với số tiền 191 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, Thanh biết rõ việc Tứ mua bán xăng nhập lậu với Phan Thanh Hữu được nhập từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ (Tứ nói cho Thanh biết), nên Thanh phải chịu trách nhiệm đối với hơn 166 triệu lít xăng nhập lậu, tổng trị giá là hơn 2.172 tỷ đồng.
Từ tháng 7/2020 đến đầu tháng 2/2021, nhờ giúp đỡ Tứ chuyển tiền mua xăng nhập lậu cho Hữu và Hoàng Anh, Thanh được Tứ tặng, cho 2 tỷ đồng mỗi tháng. Tổng cộng Thanh đã nhận của Tứ số tiền 12 tỷ đồng. Số tiền này Thanh đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Quá trình điều tra, Trần Ngọc Thanh đồng ý nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính trên để khắc phục hậu quả cùng Nguyễn Hữu Tứ.
Nguyễn Hữu Tứ khai gì về số tiền 2 tỷ đồng mỗi tháng đưa cho người tình
Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ. Ảnh: Anh Tú. |
Tại tòa hôm nay, bị cáo Tứ khai bản thân sống như vợ chồng với Trần Ngọc Thanh. Tuy nhiên, ông này nói số tiền 12 tỷ đồng chỉ là "gửi" cho Thanh, chứ không phải tặng bà này mỗi tháng 2 tỷ đồng như cáo trạng truy tố.
Đối với số tiền gần 40 tỷ đồng mà con của Thanh đứng tên và số tiền 47 tỷ đồng của Thanh đứng tên; Nguyễn Hữu Tứ cho biết Thanh ngoài việc buôn bán, một số bạn bè thân quen của Thanh cần tiền để đáo hạn ngân hàng thì Thanh cho họ vay mượn.
"Trong cáo trạng ghi bị cáo Thanh chuyển tiền lấy từ tiền bán xăng lậu của bị cáo để chuyển cho Hữu. Nhưng thực tế, một số lần Hữu gọi điện cho bị cáo để mượn tiền, lúc đó bị cáo bận đi tiếp khách nên có nhờ Thanh chuyển cho Hữu rồi sau đó bị cáo về Cần Thơ, thì chuyển trả lại cho Thanh, chứ không phải chuyển tiền buôn lậu xăng dầu. Tiền đó là tiền của Thanh mà bị cáo mượn", Nguyễn Hữu Tứ trình bày.
Trước đó, liên quan những lần chuyển tiền cho Phan Thanh Hữu và Phan Lê Hoàng Anh, Trần Ngọc Thanh khai lúc bị cáo ở nhà thì Tứ gọi điện nhờ bị cáo chuyển tiền cho Hoàng Anh nên bị cáo chuyển. "Ảnh kêu chuyển sao thì bị cáo chuyển vậy. Mỗi lần bị cáo chuyển lúc 5 tỷ, lúc 10 tỷ, có khi hơn 20 tỷ, nhưng bị cáo không nhớ chuyển bao nhiêu lần", bà này nói.
Khi chủ tọa hỏi Thanh về mối quan hệ với Tứ, Thanh Khai chỉ là bạn bè, "mối quan hệ hơi thân một chút chứ không chung sống như vợ chồng". Đối với số tiền gần 40 tỷ đồng của con Thanh, bị cáo khai đó là số tiền do mua bán phụ tùng ôtô mà có.
Cũng tại phiên tòa, Trần Ngọc Thanh khai làm không công cho Tứ mà không được hưởng lợi gì. "Bị cáo Tứ có cho bị cáo số tiền 12 tỷ đồng, nhưng bị cáo nói mình không có công gì nên chỉ cầm giúp cho Tứ, khi nào Tứ lấy thì bị cáo trả lại", Thanh khai.
Ngoài ra, Trần Ngọc Thanh nói sẽ tự nguyện nộp lại số tiền 12 tỷ đồng vì "đây không phải là tiền của bị cáo". Đồng thời, bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét lại việc bị cáo không được tặng số tiền 12 tỷ đồng từ Nguyễn Hữu Tứ mà chỉ là giữ giúp bị cáo Tứ.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.