Lạ kỳ thích làm cũ xe mới
Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết năm 2015, có hơn 2.000 ôtô cũ nhập khẩu về Việt Nam. Còn 10 tháng đầu năm nay, con số này cũng vào khoảng 1.600 xe. Hầu hết trong số đó là xe sang mang thương hiệu Lexus, Land Rover, Porsche, Audi, BMW... giá hàng tỷ đồng.
Nếu so với tổng số xe mới các loại nhập khẩu về Việt Nam trong 1 năm thì đây là con số khá nhỏ bé, không đáng quan tâm.
Nhưng, chỉ tính riêng phân khúc hạng sang, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 7.000 chiếc xe mới tất cả, thì xe cũ chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ.
Xe mới ở nước ngoài thường được làm cũ trước khi về VN (ảnh minh họa)
. |
Trên thực tế, những chiếc xe này chủ yếu là xe mới, bán tại các thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu, Trung Đông,... được mua rồi làm cũ để nhập khẩu theo con đường xe cũ. Cách làm cũ là mua xe mới, rồi đăng ký tại nước sở tại, nhờ người chạy cho đạt 10.000 km và đợi đủ 6 tháng thì làm thủ tục bán lại và nhập về nước.
Ngoài chi phí bỏ ra thuê người đứng tên đăng ký, "làm cũ"... thì những xe này khi nhập về Việt Nam còn chịu thêm thuế tuyệt đối ngoài thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như xe mới. Vì vậy, giá đội lên khá cao so với xe mới cùng loại.
Một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu xe cũ kiểu này cho biết với xe cũ có dung tích xi lanh từ 2.0L-3.0L nhập về Việt Nam thường có giá bán chênh với xe mới cùng loại khoảng 4.000 USD; dung tích 3.0L-4.0L có giá bán chênh khoảng 7.000 USD; dung tích xi lanh 4.0L-5.0L chênh khoảng 15.000 USD và dung tích xi lanh trên 5.0L có giá bán chênh 20.000 USD.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng giàu có vẫn rất thích những chiếc "xe cũ" loại này. Lý do được DN giải thích, vì xe mới cùng loại do các DN nhập khẩu chính hãng về Việt Nam, thường bị loại đi rất nhiều trang thiết bị, tính năng hiện đại để giảm tối đa chi phí. Do đó, nó hoàn toàn giống nhau nhưng mất hẳn đẳng cấp và trở nên tầm thường hơn.
Ngược lại, những chiếc "xe cũ" lại là hàng bán tại các nước phát triển vốn có cấu hình hơn hẳn. Chẳng hạn, nhiều chiếc "xe cũ" nhập về có trang bị phanh khoảng cách, nếu thấy chướng ngại vật người lái không phản ứng, thì xe sẽ tự động phanh. Nội thất xe cũng đẳng cấp. Các vật liệu như da, gỗ, nhựa đều rất cao cấp.
Hệ thống âm thanh trong xe cũng thuộc hàng đỉnh cao, nhiều xe có cả ngăn lạnh... Trong khi đó, hầu hết xe cùng loại nhập khẩu chính hãng về Việt Nam, không hề có những trang bị như vậy.
Với những khách hàng giàu có thì tiền không thành vấn đề, điều quan trọng là họ muốn một chiếc xe đẳng cấp, không giống xe của người khác và thể hiện cái tầm của mình. Chính vì vậy, dù tốn tiền hơn, chờ đợi lâu hơn và chấp nhận mua xe cũ, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng, DN này cho biết.
Giá xe sang cũ khi về VN còn đắt hơn cả xe mới. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Nghịch lý chỉ có ở Việt Nam
Nghịch lý trên đã diễn ra trong gần 5 năm qua tại Việt Nam, kể từ khi Thông tư 20/2011-BCT của Bộ Công Thương ra đời, có hiệu lực từ tháng 5/2011.
Theo quy định tại Thông tư này, chỉ những DN có giấy ủy quyền chính hãng mới được nhập khẩu xe. Kể từ đó, nhiều DN nhỏ không có giấy ủy quyền chính hãng, đã không được tự do nhập khẩu ô tô mới nữa.
Trong khi đó, xe nhập chính hãng như đã nói lại bị loại bỏ đi nhiều trang bị công nghệ được cho là không cần thiết đối với thị trường Việt Nam. Cùng với đó, các DN nhập chính hãng vì phải chịu nhiều ràng buộc nên không thể nhanh chóng đưa các phiên bản mới nhất về nước sớm. Cho nên, đã nảy sinh ra nghịch lý này.
Rõ ràng, khi nhu cầu của một bộ phận khách hàng đã không được DN nhập chính hãng đáp ứng thì các DN nhỏ tìm cách lách luật để thỏa mãn.
Tuy nhiên, những "xe cũ" loại này có tiêu chuẩn rất cao, nên cũng gây ra không ít phiền phức cho người sử dụng. Chẳng hạn, hầu hết xe sang đều sử dụng động cơ tiêu chuẩn Euro 5-6 nên đòi hỏi chất lượng xăng dầu cao, nhưng tại Việt Nam đến nay chỉ đáp ứng xăng dầu tiêu chuẩn Euro 2, do vậy hay gây ra những trục trặc. Nhưng điều này không quan trọng bằng việc được sở hữu những chiếc xe sang đẳng cấp.
Mặc dù vậy, từ 1/7/2016, khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực, với thuế suất dành cho ôtô có dung tích xi lanh 3.0L trở lên tăng từ 60% lên 90%, 110%, 130%, 150%, thì giá những chiếc xe sang dung tích lớn, trong đó có cả xe cũ đã đội lên rất cao, khiến khách hàng quay lưng lại.
Một số DN cho biết giá một chiếc xe cũ hạng sang dung tích xi lanh trên 5.0L đã tăng từ 6 tỷ đồng lên khoảng 8 tỷ đồng và không thể bán được.
Các DN đang hạ giá chấp nhận lỗ để giải quyết hàng tồn. Xu hướng thời gian tới, là tìm đến những chiếc xe cũ dung tích xi lanh từ 3.0L trở xuống, có nhiều công nghệ hiện đại để nhập về.