Trong vụ xe tải chở đất đè bẹp ôtô con khiến 3 người tử vong tại Hòa Bình chiều 4/6, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thùng xe tải thực tế dài hơn 28 cm và cao hơn 1,13 m (gấp hơn 2 lần) so với chứng nhận đăng kiểm. Điều đó cho thấy phương tiện này đã bị cơi nới bằng cách nối thêm chiều dài và chiều cao.
Theo các quy định hiện hành, hành vi tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe sẽ bị xử lý như thế nào?
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông
Khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chủ phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Về chế tài, Điều 16 Nghị định 100/2019 nêu người điều khiển ôtô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan chức năng sẽ bị phạt từ 800.000 đến một triệu đồng.
Hiện trường xe tải đè bẹp xe 5 chỗ lưu thông ngược chiều. |
Còn Khoản 9, Điều 30 Nghị định 100 quy định chủ phương tiện có thùng xe bị cơi nới thì bị phạt phạt 6-8 triệu (đối với cá nhân) và 12-16 triệu đồng (nếu là tổ chức).
Bên cạnh đó, chủ phương tiện phải thay thế thùng xe đúng với tiêu chuẩn, phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu.
Đối với lỗi chở hàng quá trọng tải quy định, Điều 24 của nghị định trên nêu rõ người điều khiển ôtô tải chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe từ 10% trở lên sẽ bị phạt tối thiểu 800.000 đồng và tối đa 12 triệu đồng. Tài xế còn bị tước bằng lái 1-3 tháng.
Ngoài ra, khi xe vượt quá trọng tải cho phép, thì chủ phương tiện cũng bị phạt 6-8 triệu (đối với cá nhân) và 12-16 triệu đồng (nếu là tổ chức). Trường hợp chủ phương tiện là người cầm lái xe tải cơi nới thì còn bị tước bằng lái 1-3 tháng.