Sau buổi làm việc đột xuất giữa Đoàn thanh tra công vụ UBND TP Hà Nội và Sở Tư pháp về tình trạng người dân xếp hàng xin cấp phiếu lý lịch tư pháp trong nhiều ngày qua, chiều 7/4, bà Phạm Thị Thanh Hương (Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội) đã thông tin với Zing một số nội dung.
Bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết gần đây, nhu cầu xin cấp lý lịch tư pháp của người dân tăng đột biến do nhiều người đi xuất khẩu lao động, đi làm hoặc đi học. Đây cũng là loại giấy tờ bắt buộc mà nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu công dân chuẩn bị khi nộp hồ sơ.
Suốt hơn 2 tuần qua, Sở Tư pháp Hà Nội điều động thêm cán bộ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phiếu lý lịch tư pháp. Sở cũng tăng thời gian làm việc thêm 1,5-2 giờ mỗi ngày và làm việc cả ngày cuối tuần để giải quyết thủ tục.
Công dân chờ giải quyết hồ sơ cấp lý lịch tư pháp ở Hà Nội chiều 7/4. Ảnh: Hồng Mạnh. |
Nêu lý do hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp tăng đột biến, bà Hương lý giải 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Sở Tư pháp đang tiếp nhận hồ sơ cấp lý lịch tư pháp qua 3 phương thức: Trực tiếp, trực tuyến và bưu điện. Gần đây, nhiều người dân đến xếp hàng để làm hồ sơ trực tiếp, có thể do hệ thống làm hồ sơ trực tuyến bị lỗi, người dân không truy cập được nên họ phải đến Sở lấy số thứ tự và chờ làm.
Quá trình tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp Hà Nội cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc họ đăng ký hồ sơ trực tuyến qua phần mềm chạy thử nghiệm do UBND TP cung cấp. Nhưng khi kiểm tra kết quả hoặc đến Sở để hỏi tiến độ giải quyết, thì hệ thống báo không tìm thấy hồ sơ này.
"Vì vậy, người ta thà đến Sở dù đường xa để được tiếp nhận hồ sơ, còn hơn nhập hồ sơ online mà không thành công", Phó giám đốc Sở Tư pháp nhìn nhận.
Thứ 2, bà Hương nhấn mạnh thời gian gần đây, đường truyền Internet tại Sở chập chờn, có lúc không thể thông suốt để phục vụ công việc. Điển hình như chiều 6/4, Internet bị chậm, không có tín hiệu trong hơn một tiếng rưỡi, nên cán bộ Sở phải nhập dữ liệu thủ công để trả kết quả cho công dân.
"Công dân gửi hồ sơ trực tuyến, nhưng đường truyền Internet bị nghẽn, cán bộ Sở không thể truy cập hệ thống để in hồ sơ ra, buộc phải nhập thủ công", bà Hương chia sẻ các cán bộ Sở đã nỗ lực, song do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đảm bảo, khiến hiệu quả công việc bị ảnh hưởng.
Ngoài nộp hồ sơ trực tiếp, người dân có thể xin phiếu lý lịch qua bưu điện. Ảnh: Hồng Mạnh. |
Hiện UBND TP Hà Nội đã có nhiều phương án giải quyết, trong đó có việc sử dụng phần mềm mới để phục vụ nhu cầu người dân làm hồ sơ cấp lý lịch tư pháp trực tuyến. Bà Hương cho biết dự kiến ngày 10/4, phần mềm này sẽ được triển khai.
Cũng trong ngày 7/4, Phó chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Sở Tư pháp khẩn trương có các biện pháp khắc phục. Trong đó, TP cho phép Sở tiếp nhận trước hồ sơ, lấy thông tin liên hệ và gửi giấy hẹn trả. UBND TP cũng yêu cầu Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất phương án phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tạm thời hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ cấp lý lịch tư pháp, hoặc ủy quyền công chức tư pháp cấp huyện tiếp nhận.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…