Theo thông tin từ ban soạn thảo chương trình phổ thông mới, chương trình Ngữ văn sẽ có 6 tác phẩm bắt buộc. Đó là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác được đưa vào phụ lục để nhóm tác giả sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông - cho rằng đây là sự lựa chọn tối ưu.
6 tác phẩm có vị trí đặc biệt
- Tại sao chương trình mới chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc, liệu có ít so với 12 năm học phổ thông?
- Thứ nhất, quy định học bắt buộc 6 tác phẩm này không có nghĩa toàn bộ chương trình chỉ dạy 6 tác phẩm đó và cũng không phải là tất cả tác phẩm khác (không bắt buộc) chỉ là đọc thêm. Tổng thời lượng dành cho môn Ngữ văn (12 năm) là 4.520 tiết, chẳng lẽ chỉ học có 6 tác phẩm ấy.
Đây chỉ là các tác phẩm bắt buộc, còn các tác giả sách giáo khoa và giáo viên phải chọn thêm nhiều tác phẩm khác nữa mới đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình quy định.
Thứ hai, vấn đề không phải là 6 hay ít, nhiều hơn 6 mà là tác phẩm nào có vị trí và ý nghĩa đặc biệt như những tác phẩm này đều có thể đề xuất đưa vào. Vì thế, chúng ta nên đặt câu hỏi liệu có bớt đi được tác phẩm nào trong 6 tác phẩm ấy không? Nếu thêm thì chọn tác phẩm nào? Khi đó, chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề hơn.
Cô trò Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 - Tân Triều trong tiết Ngữ văn. Ảnh: H.N. |
- Khi dạy có sự phân biệt giữa những tác phẩm bắt buộc và tác phẩm khác không? Nhiều người lo ngại học sinh không có cơ hội hiểu thấu đáo những tác phẩm xuất sắc không nằm trong chương trình bắt buộc?
- Bắt buộc ở đây chỉ để nhấn mạnh trong việc dạy và học chương trình Ngữ văn mới. Tất cả SGK, học sinh đều phải học 6 tác phẩm này, không có sự lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, không có nghĩa các tác phẩm khác là phụ hoặc chỉ đọc thêm, tìm hiểu qua loa.
Không có sự phân biệt nào trong khi dạy hai loại tác phẩm này cả. Tất cả đều phải căn cứ yêu cầu cần đạt về thể loại văn bản ấy để dạy kỹ như nhau.
- Chương trình mới có 6 tác phẩm bắt buộc, các tác phẩm còn lại được đưa vào phụ lục để giáo viên lựa chọn. Ban soạn thảo có đưa ra những yêu cầu cụ thể để giáo viên căn cứ lựa chọn tác phẩm cho học sinh?
- Chương trình nêu rất rõ các tiêu chí và yêu cầu về việc lựa chọn văn bản, tác phẩm. Chẳng hạn, đây là các tiêu chí cơ bản: Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; giúp học sinh có hứng thú đọc văn.
Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ. Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung… và những giá trị phổ quát của nhân loại.
Còn đây là một số yêu cầu: Bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại, giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài…
Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của nó để bảo đảm giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc văn bản.
Kế thừa những văn bản, tác phẩm hay có trong chương trình và SGK Ngữ văn hiện hành. Tuy nhiên, các tác phẩm này cần được khai thác và sử dụng theo yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn mới, do đó cách dạy, cách khai thác phải thay đổi.
Căn cứ yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp, tác giả sách giáo khoa và giáo viên chọn dạy những văn bản phù hợp được khuyến nghị trong hoặc ngoài phụ lục.
Sự lựa chọn tối ưu
- Trong 6 tác phẩm bắt buộc, có những trích đoạn của "Truyện Kiều". Nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo nên chọn lựa những trích đoạn phù hợp lứa tuổi, trình độ nhận thức, cảm thụ của học sinh. Điều này có được cân nhắc khi soạn thảo chương trình Ngữ văn mới không?
- Trích đoạn nào tùy vào tác giả sách giáo khoa và giáo viên. Tuy nhiên, tác giả sách giáo khoa và giáo viên phải căn cứ yêu cầu cần đạt về dạy truyện thơ nôm đã nêu trong chương trình và lứa tuổi của học sinh cấp/lớp học đó để lựa chọn đoạn trích cho phù hợp.
Chẳng hạn, đây là yêu cầu cần đạt khi học truyện thơ ở lớp 11: “Phân tích và đánh giá được tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ; đặc điểm, giá trị độc đáo của một truyện thơ Việt Nam”.
Như thế, tác giả sách giáo khoa phải hiểu thế nào là yếu tố tự sự trong thơ? Tác dụng của các yếu tố tự sự này là gì? Đặc điểm của truyện thơ nôm Việt Nam có gì nổi bật? Học sinh lớp 11 cần và chỉ cần nêu các đặc điểm nào? Sự độc đáo của truyện thơ nôm Việt Nam là gì? Từ các yêu cầu vừa nêu để chọn đoạn trích trong Truyện Kiều cho phù hợp.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình Ngữ văn mới. Ảnh: NVCC. |
- 5 trong số 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình mới thuộc về văn học trung đại và xoay quanh chủ đề chống giặc ngoại xâm, tập trung vào 2 thể loại là thơ và văn chính luận. Nó có quá nặng nề đối với người học không?
- Nhìn chung, nội dung của văn học Việt Nam từ xưa tới năm 1986 chủ yếu là 2 mạch cảm hứng lớn: Yêu nước và nhân đạo. Đó là thực tế lịch sử và cũng là thực tế thành tựu văn học nước nhà.
Vấn đề là có nên dạy các tác phẩm này không? Có thêm bớt được tác phẩm nào không, chứ không phải là nặng hay nhẹ. Nặng hay nhẹ phụ thuộc phần lớn yêu cầu cần đạt và cách dạy của giáo viên chứ không phải thể loại.
Không phải tác phẩm hiện đại nào cũng dễ hiểu và nếu yêu cầu không phù hợp, giáo viên không có năng lực, dạy tác phẩm nào cũng thành nặng nề.
Ngoài ra, như tôi đã nói, 6 tác phẩm này sẽ cùng học, đan xen với hàng trăm tác phẩm khác, trong đó rất nhiều tác phẩm hiện đại, đương đại. Vì thế, không có gì sợ nặng nề trong dạy học và tiếp nhận của học sinh.
- Việc chọn lựa 6 tác phẩm bắt buộc như công bố mới đây có thật sự cân đối về cả nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, thể loại và yếu tố thời đại không?
- Không phải ban biên soạn không muốn có một lựa chọn tối ưu “cân đối” mọi bề nhưng vấn đề là thực tế thành tựu văn học dân tộc ta như thế, tiêu chí lựa chọn tác phẩm bắt buộc như đã nêu: Đó phải là những tác phẩm lớn, có tầm quan trọng đặc biệt; có giá trị lâu dài, đã được thử thách qua thời gian… Các tác phẩm mà bất kỳ ai có văn hóa phổ thông cũng phải biết.
Bây giờ, để “thật cân đối”, chúng ta nên đưa tác phẩm nào? Thêm hoặc bớt đi tác phẩm nào và phải giải thích vì sao lại thêm bớt các tác phẩm ấy? Liệu có tìm được một số tác phẩm có vị trí và ý nghĩa tương đương như Bình Ngô đại cáo, như Truyện Kiều, như Tuyên ngôn độc lập… để thêm vào cho cân đối hơn không?