Khi được hỏi về điều khiến PGS Văn Như Cương - Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh hạnh phúc nhất là gì, ông trả lời: "Hàng ngày tôi tiếp xúc, trò chuyện cùng học sinh khiến tôi vui hơn nhiều. Học trò xem tôi như người bố, người ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm".
Tết truyền thống trong gia đình
- Thưa PGS Văn Như Cương, ngày Tết Nguyên Đán trong gia đình ông diễn ra như thế nào?
- Ngày bé, gia đình tôi ở trong làng. Bố tôi là thầy giáo làng nên gia đình chúng tôi hiểu rất rõ câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Câu ấy rất đặc biệt, nói lên truyền thống đạo lý của dân tộc, đặc biệt mấy ngày Tết. Những học trò của ông cụ tôi làm ăn xa, hoạt động cách mạng, nhưng bao giờ mồng 3 cũng đến chúc Tết.
![]() |
PGS Văn Như Cương và con gái Văn Thùy Dương. Ảnh: NVCC. |
Vào mồng 1, bố tôi bảo sáng nay các con mặc quần áo, sang nhà ông bà nội. Khi tôi sinh ra, ông bà nội tôi đã mất nên gia đình tôi sang nhà bác cả thắp hương. Mồng 2 đến nhà ngoại.
Thời nay, có thay đổi nhưng trong tâm trí người Việt Nam, tôi nghĩ nên giữ hai ý nghĩa về Tết là dịp đoàn viên, sum họp và biết ơn những người sinh ra, dưỡng dục mình. Đó là phải đạo.
Thường 30 Tết và mồng 2 các con cháu đến chúc Tết hai vợ chồng tôi. Tôi có ba con gái, 6 cháu, 1 chắt. Mồng 3, tôi gọi điện hoặc đến thăm nhà các thầy của tôi như thầy Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tụy… Năm nay tôi cũng 80 tuổi, do điều kiện sức khỏe các thầy nên tôi gọi điện chúc Tết. Còn học trò tôi, đa phần đã về hưu nhưng vẫn đến thăm, gọi điện.
- Ông có thể kể lại không khí về gia đình trong giờ phút giao thừa ý nghĩa?
- Thời khắc ấy có tính chất tâm linh, đánh dấu năm cũ sang năm mới. Trước đó, vợ tôi chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Từ xưa đến nay tôi tự xông đất. Sắp đến 0h tôi ra ngoài, khi pháo hoa bắt đầu nổ đùng đùng, tôi bước vào và vợ là người đầu tiên tôi chúc Tết.
- Điều ông muốn dạy con cháu mình nhất trong khoảnh khắc năm cũ qua, đón chào năm mới là điều gì?
- Tôi vẫn thường dạy con cháu về cách làm việc, cách đối xử, thái độ trung thực, thật thà, làm việc hết mình, không vụ lợi. Trong ngày Tết, tôi chúc và động viên con, cháu học tập, làm việc tốt hơn.
- Tết cũng là thời gian mọi người hồi tưởng những điều xưa cũ, có cái Tết nào của thời kỳ nghèo khó nhưng ấm áp tình người khiến ông nhớ nhất?
- Làng quê tôi nghèo nhưng Tết cũng có bánh chưng. Năm 1954 tôi học xong THPT, quyết định ra Hà Nội thi Đại học Sư phạm. Thời điểm đó gần Tết, mà tôi không còn đồng xu nào để về Nghệ An cả. Nếu về phải đi qua 12 cái phà, mất mấy ngày mới đến nơi, rất tốn kém.
Tôi và người bạn đến làng Kim Liên xin ở nhờ, tự nấu ăn, chỉ có cơm với canh cà chua, hàng ngày đạp xích lô thuê, bán báo. Chiều 30 Tết, tôi đi ngắm cảnh Hà Nội, nhìn đường phố bày hàng Tết thấy chạnh lòng.
Trong lúc buồn bã trở về, anh chủ nhà giới thiệu cho chúng tôi về ăn Tết ở các gia đình. Tôi may mắn được một cặp vợ chồng trẻ đón về trước đêm giao thừa. Tối hôm đó, chủ nhà mang những bán pháo để trong chăn cho ấm, kẻo sáng sớm mai pháo không nổ thì buồn lắm. Cả đêm đó, tôi lo lắng về chuyện, nếu bánh pháo không nổ là do mình mang điều không may. Thật may mắn, sáng ra pháo nổ đùng đùng.
Đó là kỷ niệm Tết đầu tiên ở Hà Nội, tôi biết đến giò, chả, bánh chưng ở đây. Cũng là năm đáng nhớ nhất, khi tôi tưởng Tết không có gì ăn, nhưng hóa ra được ăn Tết với người Thủ đô. Vào mồng 6 Tết, tôi đến trường xem điểm và biết tin mình trở thành tân sinh viên. Tôi nhâp học luôn vào sáng hôm sau, ở trong ký túc xá và háo hức vì ngày mai đã có cơm ăn, có chỗ ở.
![]() |
Từ những ngày đầu thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội đầy khó khăn năm 1954, PGS Văn Như Cương là Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Nhật Ánh. |
Tôi không mất gì khi luôn thẳng thắn trong giáo dục
- Thực tế ngày nay, Tết cũng là lúc học sinh, phụ huynh cảm ơn thầy cô bằng những “món quà”, những lì xì. Quan niệm của ông như thế nào? Và ông ứng xử ra sao?
- Trong phạm vi giáo dục, tôi nghĩ tiêu cực rất ít, chủ yếu là tấm lòng. Chẳng ai mang ô tô, tiền tỷ đến tặng thầy cô cả. Tôi nghĩ, không nên đánh giá vấn đề đó là tiêu cực cần nghiêm cấm.
Thời của ông cụ tôi, người ta đến chúc Tết, người thì nải chuối, chục trứng gà, gói chè nhỏ… Có người mang con gà trống thiến thì ông cụ trả lại vì cái đó là món tiền to.
Năm ngoái, tôi nằm viện, nhiều người đến biếu thuốc, sâm, hoa, quả và có cả phong bì. Tôi cảm ơn và để riêng. Sau đó, tôi lập 1 quỹ “Tình thương” với toàn bộ số tiền đó. Các học sinh cũng chung tay với tôi bằng một phần tiền lì xì. Quỹ đó để trường chúng tôi đi từ thiện ở vùng sâu xa. Tôi lấy tấm lòng đáp lại với tấm lòng.
- Nhìn lại giáo dục 2015 điều gì khiến ông băn khoăn nhất?
- Điều băn khoăn nhất của tôi là chúng ta đã bắt đầu đổi mới, có những bước chuyển động theo Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhưng tôi có cảm giác hầu như sự đổi mới không được nghiên cứu một cách kỹ càng thực sự. Giáo dục cần gần dân hơn nữa, nghe dân hơn nữa để đưa ra quyết sách thật đúng.
- Nếu được phép thay đổi một điều trong nền giáo dục hiện tại, ông sẽ thay đổi điều gi?
- Tôi băn khoăn đến việc, thế nào để giáo dục hòa nhập vào cộng đồng ASEAN. Nếu không, chúng ta sẽ không đào tạo ra nguồn nhân lực. Chúng ta giáo dục cách thức, kỷ luật, kỹ năng lao động ở bất kể ngành nghề gì. Quyết sách lớn nhất mà chúng ta đang thảo luận là dạy cái gì, dạy như thế nào. Tôi hy vọng sẽ dạy thực tế hơn, dạy để làm việc thực sự.
- Trong năm 2015 cũng như những năm trước ông luôn là người quan tâm đến giáo dục và có nhưng phát ngôn thẳng thắn. Vậy điều này đã khiến ông được và mất gì?
- Trong giáo dục, chúng ta lạc hậu quả quá, so với thế giới và các nước trong khu vực. Tôi chẳng mất gì cả, thực tế người ta hiểu mình, tôi chỉ góp sức đóng góp ý kiến.