Tôi muốn nhắc lại câu chuyện về Bác Hồ. Trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, Bác ra đi tìm đường cứu nước. Từ Paris hoa lệ, Bác đã trở về, nhưng không phải Hà Nội mà là Việt Bắc, nơi còn vô vàn thiếu thốn. Bác mang về nước những trí thức như ông Trần Đại Nghĩa và nhiều người khác.
Khi đó, nếu những vị tiền bối cũng suy nghĩ đến lợi ích cá nhân, cũng nói “môi trường không phù hợp để phát triển” thì làm sao có đất nước Việt Nam hôm nay.
PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm thẳng thắn về chuyện du học sinh về nước hay ở lại. Ảnh: Quyên Quyên. |
Tôi đi học ở Liên Xô cũ, trở về từ những năm 1970, khi chiến tranh còn tàn phá đất nước. Lúc bấy giờ, bạn bè tôi trong nước và nhiều cán bộ giảng dạy đều ra chiến trường. Điều đó thôi thúc tôi trở về, và nghĩ, nếu mình còn ngồi đây thì vô lý quá. Ngày trở về công tác nơi trường cũ, tôi viết mấy câu thơ:
"Giã từ thôi nhé Mạc Tư Khoa
Ta trở về nơi bom đạn quê nhà
Cầm tay em sân ga chết lặng
Không hẹn ngày trở lại nước Nga".
Tôi viết “Không hẹn ngày trở lại nước Nga” là bởi đã xác định tư tưởng cầm súng ra trận là “một mất một còn”.
Trong gia đình, là người cha, người ông, tôi cũng luôn khuyên nhủ con cháu sau khi du học trở về, như một điều hiển nhiên.
Có rất nhiều ký kiến bàn luận quanh câu chuyện này, nhưng quan điểm của tôi là phản đối những lý do ngụy biện chuyện không trở về nước làm việc.
Có hai dạng du học sinh, những người đi học theo kinh phí Nhà nước và tự túc. Với những người được Nhà nước cử đi học, không có lý do gì để so sánh môi trường làm việc trong nước và nước ngoài. Còn với bạn trẻ du học tự túc, về hay ở là quyền của họ. Nhưng xét cho cùng, mỗi chúng ta lớn lên và trưởng thành đều từ bao thế hệ người Việt đã hy sinh xương máu.
Những ý kiến cho rằng về nước không phát huy được khả năng, điều kiện học tập, làm việc khó khăn, cơ chế cứng nhắc, lương bổng ít… cũng có ý đúng. Nhưng các bạn nói, nếu điều kiện tốt hơn sẽ về, vậy, không ai về thì làm sao đất nước tốt hơn? Những khó khăn và bất cập như cơ chế xin cho, con ông cháu cha…, tại sao các bạn không về để đấu tranh, thay đổi?
Cái gì cũng có xuất phát điểm, nếu chưa có môi trường, chưa có nhóm, tổ cùng nghiên cứu khoa học, tại sao các bạn không trở về để xây dựng? Có khi nào các bạn nghĩ mình chỉ vì lợi ích cá nhân và có lỗi với dân tộc?
Ai cũng biết, ở nước ngoài có nhiều cơ hội tìm việc làm tốt, nhiều điều kiện để phát triển nghiên cứu khoa học. Những người có năng lực bao giờ cũng được trả công xứng đáng với thành quả họ tạo ra. Tuy nhiên, môi trường trong nước và nước ngoài đều có những khó khăn riêng, ai cũng phải thích nghi để phát triển.
Trên thực tế, nhiều du học sinh về nước có những công trình nghiên cứu, mang đến cơ hội việc làm cho nhiều người, đóng góp lợi ích kinh tế cho đất nước và tạo dựng thành công cá nhân. Nếu họ cũng suy nghĩ như thế thì đâu có được thành tựu.
Các bạn nói, trong thời đại công nghệ, làm việc ở đâu vẫn có thể cống hiến cho Việt Nam, công trình nghiên cứu khoa học in trên tạp chí Việt Nam. Đó cũng là cách nói ngụy biện. Tôi nghĩ, các bạn muốn làm gì cho đất nước đều phải trở về để hiểu Việt Nam cần phát triển gì, lâm nghiệp, cơ khí, khoa học hay công nghệ thông tin?
Nếu cho rằng du học sinh trở về phải có chế độ lương thưởng cao hơn với người học trong nước để họ cống hiến thì cũng không ổn. Không thể một tiến sĩ ngoài nước trở về lương gấp đôi, gấp ba tiến sĩ trong nước khi đứng cùng vị trí. Bởi, sự phân biệt trong môi trường làm việc cũng khó.
Vậy, các bạn hãy chứng tỏ bản thân bằng sáng kiến, phát minh, công trình khoa học có giá trị, được áp dụng rộng rãi. Mọi thành công đều được đền đáp xứng đáng.
Tôi rất buồn khi một số du học sinh có suy nghĩ cá nhân. Tuy nhiên, về hay ở đều là sự lựa chọn của mỗi người. Họ suy nghĩ nhiệm vụ chính là sống vì bản thân, gia đình hay cho đất nước? Tôi mong muốn, khi xã hội tiến lên, những suy nghĩ của tôi phần nào “thức tỉnh” các bạn.