Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PGS Văn Như Cương và quan điểm giáo dục làm người tử tế

Cùng với PGS Văn Như Cương, thầy Nguyễn Trọng Khánh và nhiều giáo viên khác đang truyền cảm hứng "phải là người tử tế" cho học trò bằng chính tình yêu thương và hành động cụ thể.

Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - qua đời rạng sáng 9/10 tại nhà riêng.

N

ếu cuộc chia tay của nhân viên, bệnh nhân với Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - GS Nguyễn Anh Trí - làm nhiều người rơi nước mắt, thì những hình ảnh học trò gấp hạc giấy gửi yêu thương đến PGS Văn Như Cương cũng khiến cộng đồng xúc động.

Người sáng lập trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam - THPT Lương Thế Vinh - đã về với cát bụi sáng 9/10, nhưng câu nói "Trước hết phải là người tử tế" và cuộc đời tâm huyết của ông về sự nghiệp trồng người còn sống mãi với bao thế hệ học trò.

Nghiêm khắc hay yêu thương đều cảm hóa học trò

T

hầy Văn Như Cương là người nghiêm khắc, nổi tiếng với những nội quy ở trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Từ năm 2013, ông đã nêu ra những điều cấm kỵ khi sử dụng Facebook. Thầy cũng từng đuổi học một số em vì những hành vi không đúng trên mạng xã hội. Thầy tuyên bố sẽ đuổi giáo viên nào tát học sinh, yêu cầu đóng cửa các trang Confession (thú tội) để không làm ảnh hưởng học tập.

Thầy Cương từng nói với các bậc phụ huynh rằng: “Đối với con cái, nếu yêu cho roi vọt là quan điểm sai lầm thì yêu cho ngọt bùi cũng sai lầm không kém”.

Nghiêm khắc và luôn hướng đến sự trọn vẹn cả về đạo đức lẫn kết quả học tập như vậy, nhưng bản thân thầy Cương cũng nói con người không ai hoàn hảo cả, thầy cũng có lúc phạm lỗi.

PGS Văn Như Cương từng kể năm 2013, có lần, thầy ngồi xe máy đèo ba cùng hai người bạn mà không đội mũ bảo hiểm. Một học trò nhìn thấy viết thư cho thầy: "Em thấy việc đó rất nguy hiểm và phạm luật giao thông. Thầy tuổi đã cao, kính mong thầy cẩn trọng. Em kính chúc thầy sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người".

Nhận được thư, thầy bất ngờ và cảm động: "Cảm ơn em đã có lời nhận xét và phê bình… Thầy có lỗi, thầy xin lỗi".

Câu chuyện nhỏ ấy khiến thầy trở nên đáng mến, vì dũng cảm nhận lỗi trước học trò. Sự dũng cảm còn thể hiện sự kiên định trong triết lý giáo dục của giáo viên này suốt 30 năm nay.

Cách giáo dục nghiêm khắc ấy có kẻ khen, người chê nhưng tình cảm của nhiều thế hệ học sinh với thầy giáo 80 tuổi thì không thể phủ nhận.

Van Nhu Cuong anh 1
PGS Văn Như Cương là người truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Phượng Nguyễn.

Tháng 3 vừa qua, khi biết tin thầy nhập viện, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh lên ý tưởng thực hiện món quà tinh thần là bài hát truyền thống của 4.000 bạn và hàng nghìn hạc giấy với lời cầu chúc: Mong thầy khỏe mạnh để trở về.

Rạng sáng 9/10, người lái đò đáng kính đã rời bến sông tri thức mãi mãi, để lại bao tiếc nuối cho các thế hệ học trò. Ông đã đi xa để lại bài học làm người tử tế cho các bạn trẻ.

Một câu chuyện khác cũng khiến cộng đồng mạng xúc động những ngày qua là hiệu trưởng trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình - thầy Nguyễn Trọng Khánh - chuyển công tác đến THPT Gia Viễn B theo sự phân công của tổ chức. Ngày chia tay, hàng trăm học sinh quây tròn dưới sân trường, giăng các biểu ngữ "Chúng em yêu thầy" để tạm biệt.

Những cái ôm, những cái siết tay thật chặt. Bao giọt nước mắt của tuổi học trò đã rơi trên đôi má của những bạn trẻ ở tuổi cắp sách đến trường. Trong số đó, nhiều em tốt nghiệp 10 năm cũng về chia tay thầy giáo cũ. 

Hình ảnh ấy đã tạo thành bản hòa ca trọn vẹn, đẹp đẽ về tình cảm thầy trò. Nó một lần nữa cho thấy dưới những mái trường dấu yêu của một thời khắc nỗi nhớ lên cây, luôn có thầy cô tâm huyết, hết mình vì thế hệ trẻ.

Những hình ảnh đẹp "từ trái tim đến trái tim" đó cứ nối dài mãi không thôi, trở thành bài học về nhân cách trực quan và sống động.

Sau khi rời mái trường Hoa Lư A sau 10 năm công tác, thầy Nguyễn Trọng Khánh tự nhận mình không có tài cán gì cả. Ông khiêm tốn bảo mình chẳng có huy chương hay thành tích lớn. Thứ tài sản duy nhất và giàu có mà giáo viên này nhận được là tình cảm yêu mến của nhiều thế hệ học trò.

Khi hỏi về kinh nghiệm quản lý, những kỷ niệm trong năm tháng dưới mái trường Hoa Lư A, vị hiệu trưởng bày tỏ xin đừng nghe thầy nói, hãy để cho học sinh kể chuyện.

Những ngày qua, tập thể học sinh trường Hoa Lư A đã viết nên nhiều câu chuyện về thầy Khánh. Đám "nhất quỷ nhì ma" bảo người thầy ấy đi nhẹ nhàng như... Tôn Ngộ Không, thường ăn vận theo cách "đóng hộp", đi dép quai hậu 5 phân "hiếm có khó tìm".

Chúng cũng nhớ về câu nói của thầy: "Còn ở ngày nào, tôi còn tranh thủ trồng cây ngày ấy, để sân trường rợp bóng mát, xanh tươi".

Van Nhu Cuong anh 2
"Thầy đã có hàng trăm lần đứng phát biểu tại nơi này nhưng hôm nay thấy tâm trạng và nghẹn ngào, xúc động lắm”, thầy Khánh nói trong giờ phút chia tay học trò.

Thu Phương, học sinh của trường Hoa Lư A, kể khi cô bé bước vào lớp 10, còn lạ lẫm, thấy lớp đang lao động dọn bãi rác, thầy Khánh tham gia làm cùng rồi hỏi: “Các em có mệt không?”.

Thầy hiệu trưởng - người đứng đầu toàn trường - tưởng xa lạ và uy quyền bỗng chốc gần gũi, nở nụ cười hiền như ông bụt. Kỷ niệm thầy Khánh dọn rác cùng học trò đã khắc sâu vào tâm hồn nữ sinh đầu cấp với tình yêu mến và kính trọng. 

Trong cuốn lưu bút, những dòng chữ nghiêng nghiêng, các em bày tỏ thầy là thần tượng, đã ảnh hưởng cuộc đời các em theo cách quan trọng nào đó. 

“Em còn nhớ mỗi lúc dắt xe vào trường, thầy luôn đứng ở sân, lặng lẽ dõi theo đoàn học sinh đến lớp. Hình ảnh người thầy nhặt từng mẩu giấy, lon nước ngọt... mà học sinh để lại khiến em phải suy nghĩ. Bóng dáng thầy đi dưới sân, nhìn từng lớp học, đã chạm tới trái tim của biết bao học trò nữa...”, một học sinh viết.

Những người truyền cảm hứng sống đẹp

T

hầy Nguyễn Trọng Khánh và PGS Văn Như Cương đến từ hai thế hệ và hai thành phố khác nhau, nhưng họ đã cho thấy cách giáo dục nghiêm khắc hay yêu thương đều cảm hóa được học sinh nếu xuất phát từ tình yêu thương thật sự.

Chính cuộc đời và tâm hồn cao thượng của họ đã lan tỏa đến từng học trò. Trái tim các em sẽ đập chung một nhịp với những thần tượng của mình ở môi trường sư phạm. 

Lấy nhân đức là cốt lõi, nhân trị hơn pháp trị. Bao dung, che chở, đùm bọc học sinh để từ đó các em có nhận thức, cố gắng hơn trong rèn luyện và học tập

Thầy Nguyễn Trọng Khánh

Có thể cũng chính từ sự quan tâm và giáo dục như thế mà xã hội có những hình ảnh đẹp của học sinh THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM, cúi đầu chào bác bảo vệ mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Lũy (71 tuổi) - người xuất hiện trong clip được học sinh cúi chào - kể sáng nào ông cũng nhận được rất nhiều cái cúi đầu của học sinh khi đến lớp. Hành động tôn trọng của con trẻ lan tỏa đến phụ huynh, nhiều người biếu ông hộp cơm, bánh ướt hay sữa đậu nành trong giờ làm việc vất vả.

Ở câu chuyện ấy, chính học sinh lại truyền cảm hứng về sự tử tế cho người lớn bằng hành động nhỏ bé mà ý nghĩa của mình. Lời chào cao hơn mâm cỗ.

Cũng chính câu chuyện ấy nhắc chúng ta rằng với học sinh, trường học là xã hội thu nhỏ đầu tiên mà các em tiếp xúc. Ở đó, con người dù cương vị nào, thầy hiệu trưởng hay bác bảo vệ, nếu làm việc hết lòng vì học trò, sẽ đều nhận được sự trân quý, yêu thương.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người nơi trường học như thế còn nhiều lắm. Đó là hình ảnh TS Bùi Quý Lực (khoa Cơ khí Chế tạo máy, ĐH Bách khoa Hà Nội) trốn viện để đứng lớp giảng bài cho sinh viên trong buổi học cuối cùng trước kỳ thi khiến nhiều người yêu mến. Hình ảnh người thầy còn mặc nguyên quần áo của bệnh viện đứng lớp đủ để nói lên tất cả.

Tháng 2 vừa qua, hàng trăm giáo viên, phụ huynh trường THCS Trần Quốc Toản, Quảng Ninh, đứng xếp hàng hiến máu cứu học sinh lớp 6 bị tai nạn. Hay mỗi ngày, cứ 7h sáng, hiệu trưởng, giáo viên, bảo vệ trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội, lại ra tận ngoài cổng trường đón học sinh...

Van Nhu Cuong anh 3
Học sinh THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM, cúi đầu chào bác bảo vệ. 

Nói về những hành động đẹp trong trường học, thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, TP.HCM - cho rằng thực ra, những câu chuyện tưởng chừng như cổ tích vẫn tồn tại xung quanh chúng ta trong cuộc sống. 

Ngoài những khẩu hiệu chung như "Tiên học lễ, hậu học văn", trường Nhân Việt có quy định cụ thể hướng dẫn học sinh chào hỏi từ nhiều năm nay như cúi gập người trong 2 giây, gập người về trước 30 độ. Hình ảnh các em chào bác bảo vệ trong trường cũng không còn xa lạ nữa. 

Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, nói những tấm gương như thầy Nguyễn Trọng Khánh, PGS Văn Như Cương đều khiến người khác ngưỡng mộ. Họ bình dị trong từng con chữ, từng bài học cuộc đời và trao lại cho học trò đi sau những "chuyến đò tri thức". Họ biết dùng kỷ luật và tình thương để nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ mầm non của đất nước.

Họ là tấm gương sáng cho chân lý: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác” như Xu khôm linxki từng nói.

Theo thầy Trịnh Quỳnh, hiện nay, nhiều giáo viên vẫn lựa chọn vấn đề tiêu cực của cuộc sống, thậm chí đề cập một cách trực tiếp để học sinh phê phán, chỉ ra biểu hiện xấu của vấn đề như một cách phản biện xã hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mảng tối ấy, bạn có thể sẽ dần đánh mất niềm tin và hy vọng. Đến khi bàn luận về điều tốt đẹp, việc tử tế, những cống hiến âm thầm, người ta lại nghi ngờ đó là sự giả tạo.

Nam giáo viên cũng cho rằng có những người nghĩ thầy cô dạy nghị luận xã hội trong môn Ngữ văn hay dạy Giáo dục Công dân thực ra là "làm màu", cho rằng sách vở và thực tế khác xa nhau. Nhưng những câu chuyện truyền cảm hứng gần đây trong trường học đã khiến người tiêu cực cũng phải suy nghĩ lại.

Ở đó, những thầy cô hết mực yêu thương học trò như PGS Văn Như Cương là người truyền cảm hứng, đồng thời cũng là "bài học trực quan" nhất cho thế hệ trẻ hôm nay rèn tâm, luyện chữ trong môi trường sư phạm nhiều tiếng cười và cả những giọt nước mắt yêu thương.

Hơn 3.000 học sinh đồng thanh bài hát truyền thống tặng thầy Văn Như Cương Toàn thể học sinh trường Lương Thế Vinh ngồi trên sân trường, cùng hát bài hát truyền thống như lời chúc sức khỏe gửi tới người thầy đáng kính.

Hiệu trưởng được cả trường xếp hàng chia tay: Tôi và học trò đều khóc

"Tôi không có tài cán gì, nhưng may mắn được học trò, đồng nghiệp yêu thương. Xin cảm ơn cuộc đời đã ưu ái", thầy Nguyễn Trọng Khánh chia sẻ về buổi lễ chia tay xúc động.

Những câu nói ý nghĩa của PGS Văn Như Cương

"Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"..., những câu nói của PGS Văn Như Cương vừa sắc sảo, vừa bao hàm nhiều triết lý về giáo dục.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm