Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

PGS.TS Trần Đắc Phu: 'Người dân không nên đi lại khi không cần thiết'

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh người dân không được chủ quan, tụ tập đông người, tránh đi lại khi không cần thiết.

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí diễn biến phức tạp hơn tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai…

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định tình hình tại những địa phương này vẫn chưa thể khống chế được, số lượng người mắc tăng nhanh.

Dịch tại TP.HCM chưa được khống chế

- Thưa ông, hiện tại, tổng quan tình hình dịch tại Việt Nam như thế nào?

- Dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam..., đã khống chế được. Tuy nhiên, dịch đang bùng phát mạnh ở phía Nam, diễn biến phức tạp, đặc biệt là TP.HCM.

Tại TP.HCM, vừa qua chúng ta đã phát hiện nhiều ca dương tính, xâm nhập bệnh viện, khu công nghiệp, chợ... Ở đây, đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm nên diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, dịch ở TP.HCM lây lan ra một số tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, qua các chuyến xe đường dài về Phú Yên, hay như Hà Nội mới đây. Tình hình rất phức tạp.

Hiện nay, chúng tôi nhận định dịch tại TP.HCM chưa khống chế được, vẫn lây lan, con số mắc, xét nghiệm dương tính vẫn tăng lên hàng ngày.

Dich Covid-19 bung phat lan 4 tai Viet Nam anh 1

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Phạm Thắng.

- Nguyên nhân nào khiến tình hình dịch ở TP.HCM lây lan mạnh như vậy? Tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại?

- Thứ nhất là do chủng virus. Biến chủng Delta từ Ấn Độ lây lan rất nhanh. Một chu kỳ của nó có thể trong 2-3 ngày đã tạo thành chu kỳ dịch.

Thứ hai là việc thực hiện giãn cách vừa qua tại TP.HCM cũng chưa thật nghiêm. Quy định không tụ tập đông người thì phải giãn cách, nơi nào phong tỏa thì thực hiện "cửa đóng, then cài". Nhưng thực tế việc này thực hiện chưa thật nghiêm. Ngoài ra, việc hạn chế các đám đông cũng chưa được thực hiện. Chẳng hạn, các chợ vẫn tụ tập đông người, chưa quy định nghiêm.


- Làn sóng dịch lần 4 này khó khống chế, thời gian kéo dài có nằm trong kịch bản chống Covid-19 của nước ta? Chúng ta có dự kiến, kế hoạch gì không, thưa ông?

- Dịch tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Chúng ta sẽ phải có biện pháp mạnh hơn, kiên quyết hơn. Điều đó do chính quyền quyết định. Nhưng điều quan trọng là vẫn cần có biện pháp mạnh, dứt khoát hơn.

Nếu làm không quyết liệt, dịch có thể bùng thêm nữa. Khi dịch đã lây lan trong cộng đồng như thế này, biện pháp quan trọng nhất vẫn là giãn cách và phong tỏa để hạn chế người mắc bệnh tiếp xúc, lây nhiễm cho người lành. Làm được như vậy mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm.

Hà Nội không thể chủ quan, lơ là

- Thời gian qua, tình hình dịch tại Hà Nội tạm thời ổn định nhưng 2 ngày nay đã xuất hiện thêm nhiều ca bệnh. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến mới này?

- Trong nhiều ngày, Hà Nội không có thêm bệnh nhân Covid-19. Nhưng mới đây, chúng ta cũng phát hiện 2 ổ dịch là ở Đông Anh và Mỹ Đức. Tuy nhiên, đây cũng là những trường hợp xác định được nguồn lây. Về cơ bản, hai ổ dịch này có thể khống chế được.

Tuy vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan, lơ là vì Hà Nội là nơi giao lưu, đi lại nhiều. Đặc biệt trong những ngày qua, nhiều người đi từ TP.HCM ra Hà Nội trên các chuyến bay.

Ngoài ra, cũng không thể nói rằng Hà Nội đã hết những ca lẩn khuất ở trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Vì vậy, cần phải rất cảnh giác và có những phát hiện sớm, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Nếu không, tình hình dịch lại bùng phát như TP.HCM thì rất nguy hiểm.

Dich Covid-19 bung phat lan 4 tai Viet Nam anh 2

Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Giám.

- Vậy diễn biến dịch ở Hà Nội có đáng lo ngại không? Hà Nội có cần thực hiện xét nghiệm nhanh trên diện rộng như TP.HCM?

- Chúng tôi cũng chưa thể dự đoán tình hình dịch ở Hà Nội có thể ổn định không. Bởi nếu còn những ca lẩn khuất, khó có thể biết được. Chúng ta phải xét nghiệm các khu vực nguy cơ. Hiện tại, chúng ta xét nghiệm chưa được nhiều và tình hình dịch có vẻ ổn.

Hà Nội chưa cần thiết phải xét nghiệm nhanh giống TP.HCM. Biện pháp này được thực hiện khi số mẫu dương tính nhiều. Quan trọng là vẫn phải làm xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm nguy cơ, ví dụ xét nghiệm tại bệnh viện, khu công nghiệp, chưa cần thiết xét nghiệm toàn dân.

- Chúng ta có thể dự đoán khi nào làn sóng dịch lần thứ 4 sẽ kết thúc không, thưa ông?

- Chúng ta chưa thể dự đoán được điều này. Hiện tại, Việt Nam cần thực hiện biện pháp mạnh hơn nữa. Việc dịch bùng lên hay giảm đi phụ thuộc vào việc đáp ứng phòng, chống dịch trong thời gian tới. Như tôi vừa nói là phải có các biện pháp mạnh hơn thì mới khống chế được dịch.

Đặc biệt, TP.HCM càng phải làm mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, các địa phương khác không được lơ là, phải làm dứt điểm ngay từ đầu. Bình Dương, Đồng Nai..., kể cả Hà Nội không được chủ quan.

- Vậy người dân nên làm gì trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp?

- Người dân không được chủ quan, luôn luôn áp dụng biện pháp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là không tụ tập đông người. Tôi lưu ý trong lúc này, người dân không nên đi lại khi không cần thiết. Đó chính là cách chống dịch cần thiết lúc này.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 20.459 ca ghi nhận trong nước và 1.882 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 18.889, trong đó, 5.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

TP.HCM trở thành địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất cả nước với 8.002 người. Dịch Covid-19 tại thành phố đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi.

Trong đó, các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như nhà máy, khu công nghiệp, chợ dân sinh... HCDC khuyến cáo người dân cần tuân thủ các quy định trong khu vực cách ly, phong tỏa, thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K và chủ động khai báo y tế khi nhận biết bản thân có nguy cơ.

Số ca Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phía Nam tăng mạnh

Từ 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 18.889 bệnh nhân Covid-19. Trong 24 giờ qua, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Tháp phát hiện số lượng lớn ca mắc mới.

Dịch Covid-19

Hà Quyên - Phương Mai

Bạn có thể quan tâm