Nhân viên y tế làm việc tại phòng thí nghiệm ở Tây Phi. Ảnh: WHO. |
Số ca nhiễm virus Marburg Guinea Xích Đạo (Tây Phi) đang được ghi nhận gia tăng đáng kể từ đợt bùng phát hồi tháng 2 đến nay. Ngoài ra, thế giới có 20 trường hợp tử vong vì virus này.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương trên cả nước có biện pháp tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc virus Marburg. Đặc biệt, những hành khách nhập cảnh từ các nước châu Phi có dịch Marburg sẽ phải giám sát y tế trong vòng 21 ngày.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định đây là động thái cần thiết để ngăn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập nước ta.
PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá nguy cơ bùng phát bệnh trong nước do virus Marburg gây ra sẽ không cao. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Nguy cơ ca bệnh xâm nhập do đi lại
- Kể từ sau dịch Covid-19, Bộ Y tế lại có yêu cầu cách ly người nhập cảnh để phát hiện ca nhiễm một virus mới. Ông nghĩ sao về điều này?
- Việc Bộ Y tế đưa ra những hướng dẫn và giám sát y tế đối với các trường hợp từ Châu Phi đến nhằm tránh nguy cơ lây lan cho những người khác tại Việt Nam tôi cho rằng hoàn toàn đúng. Bệnh này không lưu hành ở Việt Nam, nguy cơ nằm ở việc ca bệnh ở châu Phi về Việt Nam gây mắc cho người tiếp xúc. Do vậy, Bộ Y tế đưa ra những hướng dẫn và cách ly dựa trên cơ sở ca bệnh từ châu Phi nhằm quản lý nguy cơ lây nhiễm tại Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên chúng ta giám sát y tế từ sau dịch Covid-19 cách ly. Từ trước tới nay, khi có dịch bệnh nguy hiểm từ quốc gia khác, Việt Nam đều luôn có chỉ đạo hướng dẫn cách thức phòng, chống, đặc biệt là khâu giám sát ca bệnh, như Ebola, cúm… Marburg cũng vậy. Động thái này thể hiện sự cảnh giác khi mà dịch có thể lây lan từ quốc gia này sang quốc gia khác trong 24 giờ.
- Dịch bệnh Marburg đã lưu hành được một thời gian khá lâu. Việt Nam đã ghi nhận dịch bệnh này chưa?
- Bệnh do virus Marburg lây truyền là bệnh lưu hành ở một số nước châu Phi, nguyên nhân lây nhiễm từ động vật sang người, cụ thể là dơi, do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh. Virus này cũng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh thông qua đường tiếp xúc gần, chăm sóc bệnh nhân, cũng có thể qua đường tình dục.
Căn bệnh này đã xuất hiện hàng chục năm nay ở châu Phi, không lưu hành ở châu Á hay châu Âu. Những ca bệnh ghi nhận đều là những ca xâm nhập, lây nhiễm từ những người đi từ vùng dịch đi về. Đây là căn bệnh chưa từng lưu hành tại nước ta.
- Vậy ông đánh giá nguy cơ dịch bệnh này xuất hiện và bùng phát ở Việt Nam như thế nào?
- Tôi cho rằng nguy cơ bùng phát virus Marburg tại nước ta không cao. Còn nguy cơ xâm nhập có thể có vì hiện nay chúng ta đi lại và giao lưu với các nước châu Phi rất nhiều.
Trên thực tế, dịch bệnh biến chuyển, lây nhiễm ngay trong 24 giờ, có thể lây lan từ các quốc gia xa xôi nhất trong đó có cả châu Phi về đến Việt Nam. Do đó, việc người bệnh đã nhiễm virus sẵn và mang nguồn lây từ châu Phi sang Việt Nam có thể xảy ra. Hiện Việt Nam chưa có ghi nhận bất kỳ ca bệnh nào. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan vì dịch bệnh có diễn biến phức tạp.. Với sự giao thương hiện tại, nguy cơ lây truyền hoàn toàn có thể xảy ra.
Marburg virus khiến người bệnh sốt, mệt mỏi, nôn ra máu và tiêu chảy và có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: Medpage Today. |
Lo ngại khi tỷ lệ tử vong cao
- Theo ghi nhận, tỷ lệ tử vong do virus Marburg rất cao, lên tới 88%. Đây có phải điều đáng lo ngại nhất không?
- Đây cũng là điều đáng lo ngại, vì khi lây nhiễm, tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Dù tỷ lệ bệnh tử vong cao, bệnh chủ yếu lưu hành tại châu Phi. Người dân không về từ châu Phi hay không tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch về thì không cần lo ngại về dịch bệnh.
- Vậy Việt Nam cần đối phó ra sao đối với chủng virus này?
- Vấn đề kiểm soát chủ yếu nằm khâu giám sát, kiểm dịch ở sân bay và truyền thông cộng đồng. Tôi nhấn mạnh chúng ta cần làm tốt công tác kiểm dịch biên giới, đặc biệt các trường hợp đi từ châu Phi về. Và quan trọng, khi có dấu hiệu bệnh, người dân cần đến cơ quan y tế báo cáo để được chẩn đoán, xác định, cách ly với cộng đồng.
Chúng ta cần lưu ý nguy cơ tới đâu đáp ứng đến đó, tránh đánh giá nguy cơ sai hoặc đánh giá nguy cơ cao quá, thái quá lại ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.
- Về phía người dân, ông có khuyến cáo như thế nào?
- Để phòng tránh virus này, người dân cần phát hiện sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật hoang dã.
Khi tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước châu Phi về, nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán. Đặc biệt, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.