Ngày 17/2, thông tin từ Cổng thông tin Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh triệt xóa thành công một đường dây lập tài khoản doanh nghiệp “ma”, sau đó bán lại cho người ở Campuchia để thực hiện việc lừa đảo.
Với thủ đoạn tinh vi, nhóm người trong đường dây này sử dụng giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp, công ty và liên hệ chi nhánh của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Bình Dương đăng ký mở nhiều tài khoản thanh toán khác nhau với số tiền giao dịch lớn để thực hiện lừa đảo.
![]() |
Oanh, Thành và Mười (từ trái qua) tại cơ quan công an. Ảnh: CACC. |
Qua điều tra, cơ quan công an xác định nhóm người trên do Huỳnh Thị Kim Oanh (40 tuổi, ngụ TP Thuận An, Bình Dương) cầm đầu. Oanh từng có 2 tiền án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (năm 2010 và năm 2019).
Để thực hiện hành vi, Oanh đã cấu kết với các Lê Lý Thành (38 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) và Lê Văn Mười (42 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) mở tài khoản ngân hàng cho công ty, doanh nghiệp.
Để tránh bị phát hiện, nhóm của Oanh sử dụng căn cước thông tin của người khác và thuê một số người giả mạo đứng tên trên giấy phép công ty để đăng ký mở tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, Oanh có dấu hiệu trực tiếp làm giả và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của Oanh là làm giả hồ sơ và đóng giả nhân viên ngân hàng, cung cấp thông tin giả liên quan đến hoạt động hỗ trợ vay vốn của ngân hàng để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Sau khi có các tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, nhóm của Oanh sẽ đem bán lại cho người ở Campuchia để sử dụng cho hoạt động lừa đảo.
Một số thủ đoạn chúng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Giả danh nhân viên điện lực yêu cầu truy cập đường link cài đặt ứng dụng CSKH EVN SPC giả mạo của tổng công ty điện lực miền Nam; giả danh công an đề nghị cài đặt app dịch vụ công giả để chiếm quyền điều khiển điện thoại qua đó chiếm quyền quản lý và tiền trong tài khoản của bị hại; dụ dỗ tham gia đầu tư mua bán hàng trên mạng xã hội, đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán trên sàn; mạo danh nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng để dụ dỗ đầu tư USD và bất động sản của tập đoàn đa quốc gia tại nước ngoài...
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 1/2 (mùng 3 tết Ất Tỵ 2025), lực lượng công an đồng loạt bắt giữ Oanh, Thành và Mười và thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Bước đầu, công an xác định nhóm của Oanh đã thành lập và sử dụng 25 pháp nhân công ty với trên 100 tài khoản ngân hàng được sử dụng vào hoạt động lừa đảo với số tiền chiếm đoạt khoảng trên 100 tỷ đồng của hơn 200 bị hại trên cả nước.
Công an xác định thêm Đào Trọng Quân (33 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) là người móc nối, cấu kết, đặt vấn đề với Oanh mở tài khoản ngân hàng công ty với giá 5-6 triệu đồng trên một tài khoản ngân hàng. Khi tài khoản ngân hàng bị khóa, nếu rút được tiền trong tài khoản ngân hàng, thì được Quân trả công thêm cho Oanh 0,2% trên tổng số tiền rút được và 10% cho người đứng tên giám đốc trực tiếp rút được.
Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp Công an tỉnh Thái Bình truy bắt Quân khi đang ăn Tết tại quê, sau đó di lý về Công an tỉnh Bình Dương để điều tra. Tại cơ quan công an, Quân khai nhận hành vi phạm tội.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Cẩm nang pháp luật về cư trú" cung cấp những thông tin, quy định pháp luật một cách nhanh chóng, thuận tiện về những vấn đề gần gũi, quan trọng và liên quan trực tiếp đến mọi người dân như: hồ sơ, thủ tục, trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú; hồ sơ, thủ tục, các trường hợp khai báo tạm vắng.