Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phá đường dây lừa đảo qua điện thoại xuyên quốc gia

Một tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia bị Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và Công an TP HCM triệt phá, bắt giữ hơn 20 nghi phạm cùng nhiều tang vật.

Ngày 22/5, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ công an) cho biết vừa phối hợp cùng lực lượng chức năng của Bộ công an và công an TP HCM triệt phá thành công một tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia, bắt giữ hơn 20 nghi phạm cùng nhiều tang vật.

Thông tin ban đầu cho biết, chiều 21/5, lực lượng phối hợp của C50 bất ngờ kiểm tra một số điểm tại TP HCM, phát hiện nhiều nghi phạm đang sử dụng các thiết bị công nghệ cao, liên lạc qua điện thoại để lừa đảo các nạn nhân ở nước ngoài tại một toà nhà trên đường 3/2, quận 11.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, một nhóm công tác khác của lực lượng phối hợp do C50 chủ trì đã kiểm tra một số căn hộ tại chung cư Bình Dân trên đường Tản Đà, quận 5, phát hiện thêm nhiều người và các tang vật khác liên quan tới vụ lừa đảo.

Những người trong băng nhóm lừa đảo này có sự móc nối, tổ chức từ tổ chức tội phạm chuyên nghiệp tại Trung Quốc đại lục và một số vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc.

Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập chuyên án, bắt giữ một số người có liên quan và đề nghị Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ phối hợp điều tra, bắt giữ. 

Theo thông tin ban đầu, họ là người Trung Quốc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để mã hoá cuộc gọi từ Internet tới số điện thoại của các nạn nhân.

Sau đó, nhóm này giả danh cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng như Công ty viễn thông, cơ quan điều tra, VKS, ngân hàng, toà án để lần lượt lừa các nạn nhân vào tròng.

Cụ thể, họ xưng danh là người của các hãng viễn thông tại Trung Quốc thông báo số tiền nợ cước của một số điện thoại bất kỳ do nhóm này gọi tới (nhóm này đã nắm rõ danh tính của chủ nhân số điện thoại), hỏi tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, sau đó thông báo họ nợ một số tiền cước điện thoại lớn.

Nạn nhân sẽ từ chối số nợ, vì mình không lắp đặt, không ký hợp đồng với hãng viễn thông nào. Khi đã nói chuyện với các nhóm này, nghĩa là đã bước đầu tin vào lời nói của nhóm này, vì vậy nhóm này lần lượt sắp xếp, thông báo rằng có thể nạn nhân bị trộm cắp giấy tờ hoặc giả danh để ký tên lắp đặt thiết bị viễn thông.

Họ sẽ thông báo sẽ kết nối với cơ quan điều tra để nạn nhân trình báo, một người khác sẽ lại tiếp tục đóng vai cán bộ điều tra để thông báo cho nạn nhân rằng nạn nhân là thành viên của một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, chuyên rửa tiền cho các băng đảng quốc tế.

Theo danh sách của cơ quan điều tra, nạn nhân đã rửa hàng trăm triệu Nhân dân tệ, từ đó nạn nhân hoang mang, khẳng định không tham gia tổ chức tội phạm, nói ra các tài khoản, số tiền tiết kiệm mình có để chứng minh.

Họ tiếp tục dẫn dụ, đóng giả các cơ quan chức năng khác, thậm chí cho số điện thoại của các cơ quan chức năng để nạn nhân kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế khi nạn nhân gọi điện đi, họ lại dùng thiết bị công nghệ cao để tiếp nhận cuộc gọi này, giả danh cơ quan chức năng lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo, nói rằng để điều tra, xác minh có phải tiền “bẩn” hay không, nếu không phải sẽ trả lại trong thời gian ngắn. Khi nạn nhân vừa chuyển thì nhóm này ngay lập tức chiếm đoạt. 

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150522/pha-duong-day-lua-dao-qua-dien-thoai-xuyen-quoc-gia/750732.html

Theo Gia Minh - Mỹ Thương/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm