Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pha nước muối để súc họng sai cách, 'lợn lành thành lợn què'

Khi thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí cao, ai cũng có thể mắc viêm họng bởi đây là cửa ngõ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đồ ăn và thức uống.

Thông thường, mỗi khi viêm họng chúng ta đều được khuyến cáo dùng nước muối để súc họng, tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - Bộ môn Tai Mũi Họng (Đại Học Y Hà Nội), nước muối để súc họng chỉ nên pha nhạt như nước canh; nếu quá nhạt, nước muối sẽ ít tác dụng sát khuẩn và trung hòa độ pH; nếu mặn quá lại gây tổn thương niêm mạc vùng họng.

Viêm họng là hiện tượng tổn thương ở niêm mạc của họng, nguyên nhân không phải là vi khuẩn hay virus như những bệnh viêm họng thông thường mà do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường xung quanh tác động lên niêm mạc họng làm niêm mạc họng khô, xung huyết và xuất hiện các triệu chứng của viêm họng.

Pha nuoc muoi de suc hong anh 1
Pha nước súc họng đúng cách. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Người bệnh bị viêm họng do thời tiết thường không sốt, thân nhiệt dưới 37,5 độ C. Triệu chứng cơ năng thường gặp là ngứa họng, cay họng, rát họng, nuốt đau.

Khám họng sẽ thấy tình trạng niêm mạc họng đỏ rực, không thấy có hiện tượng tăng tiết nhầy mà có cảm giác như niêm mạc họng không có nước, không có lớp chất nhầy che phủ, khô như giấy ráp. Các xét nghiệm máu nằm trong giới hạn bình thường.

Chia sẻ về vấn đề sử dụng thuốc súc họng, PGS Đào lưu ý thuốc súc họng thường được chia thành 3 nhóm:

- Kháng sinh súc họng: Loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng là tyrothricin như veybirol - tyrothricin.

- Sát khuẩn súc họng: Như bétadine gargle, givalex, BBM - muối borat, muối bicarbonat và methol,...

- Trung hòa pH: nước muối 0,9%, natribicarbonat,...

Vì vậy, khi sử dụng thường súc họng trên 2 lần/ngày, một hai ngụm đầu súc thật sạch họng, sau đó, ngậm thuốc súc họng trong 5-10 phút rồi nhổ thuốc ra. Tuyệt đối không nuốt thuốc.

Một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn. Ví dụ, listerin chỉ ngậm trong miệng 30 giây ngay sau khi đánh răng.

    Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, chỉ nên dùng dung dịch nước muối nhạt để súc họng.

    Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày (trừ nước muối). Nếu sử dụng quá dài ngày cũng gây tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

    Không nên sử dụng cùng một lúc nhiều loại thuốc súc họng có chất sát khuẩn nếu không có ý kiến và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc tai mũi họng.

    Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Do vậy, nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để kịp thời xử trí, có thể thay thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp khác.

    Dùng nước súc họng không đúng cách có thể gây thêm tổn thương niêm mạc vùng họng.

    Kháng sinh nhóm β lactam chỉ được sử dụng khi khám có hiện tượng bội nhiễm vi khuẩn vùng họng.

    PGS Đào khuyến cáo chế độ ăn uống nên ăn thức ăn mềm, loãng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

    Dùng thuốc gì trị viêm họng do thời tiết?

    Có thể coi viêm họng mùa hè do dị ứng thời tiết, uống nước lạnh, sử dụng điều hòa không hợp lý,... Thuốc thường được dùng là thuốc chống dị ứng (kháng histamin - H1, các thế hệ 1, 2, 3, 4). Thuốc kháng histamin là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng hiện nay - histamin được tìm thấy ở khắp các mô trong cơ thể, được dự trữ nhiều nhất trong các tế bào mast ở các mô và trong các hạt bài tiết của tế bào ưa kiềm sẽ tăng tính kiềm cho niêm mạc họng.

    Một số thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 (clorpheniramin maleat...) hay được sử dụng trong các chế phẩm trị cảm cúm, ho, sổ mũi nhưng có tác dụng phụ là ức chế thần kinh trung ương, do vậy, không nên sử dụng khi đang lái tàu xe, làm việc trên cao, công việc cần sự tỉnh táo hay uống rượu khi đang dùng thuốc.

    Chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn, đặc biệt, không được dùng kéo dài cho trẻ em vì có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ ở trẻ. Tốt nhất, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

    Bù lại lượng nước và điện giải nhằm làm ẩm niêm mạc họng bằng uống oresol, nước lọc, nước trái cây (cam, chanh, dâu...) nhưng chú ý cách pha oresol theo đúng hướng dẫn, khi dùng không nên để qua đêm, có thể uống xen kẽ với nước lọc hoặc nước trái cây khác.

    Sử dụng thuốc súc họng có tính kiềm nhẹ (BBM, muối carbonate, nước muối 0,9%...). Thuốc súc họng là loại thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc thuốc bột dùng để pha trước khi sử dụng.


    https://suckhoedoisong.vn/pha-nuoc-muoi-de-suc-hong-sai-cach-gay-ton-thuong-niem-mac-vung-hong-n158920.html

    Theo Lê Mai / Sức Khỏe Đời Sống

    Bạn có thể quan tâm