Chấm thi bằng máy, có thí sinh suýt mất gần 10 điểm; một học sinh giỏi quốc gia phúc khảo tăng 20,5 điểm; 58 bài thi trắc nghiệm của thí sinh ở Tây Ninh bị điểm 0, phúc khảo đã tăng điểm… Ðó là những gì dư luận đang quan tâm đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Năm 2018, sai phạm, tiêu cực xảy ra do lỗ hổng phần mềm chấm thi. Nhờ lỗ hổng đó, nhiều thí sinh được nâng từ 0 lên 9 đến 10 điểm. Năm nay, sai sót xảy ra trong quá trình chấm trắc nghiệm biến những thí sinh 9 đến 10 điểm thành 0 điểm. Bao giờ người dân mới thực sự an tâm về những đổi mới, điều chỉnh thi cử của ngành giáo dục?
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (bên phải) kiểm tra máy tính của Ban chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi Thái Bình. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo Bộ GD&ÐT, năm nay, phần mềm được nâng cấp phần bảo mật nhằm “khóa” chặt mọi kẽ hở có thể lợi dụng để gian lận. Thế nhưng, mặt trái của nó lại làm ảnh hưởng thí sinh. Với 4 bước, quy trình chấm thi trắc nghiệm rất chặt chẽ.
Người chấm chỉ được tiến không lùi, không xong bước 1 sẽ không làm được bước 2 và các bước tiếp theo. Nhưng Bộ GD&ÐT không lường hết được những yếu tố khách quan, chủ quan tác động đến kết quả của phần mềm chấm thi mà Bộ rất kỳ vọng.
Bộ không lường hết năng lực chấm thi của các trường đại học. Bộ coi phần mềm là môi trường chuẩn để chấm thi. Nhưng khi đến các trường đại học, nó không còn phụ thuộc mong muốn của bộ, mà phụ thuộc năng lực của từng trường. Có những bài thi được cảnh báo tới 80 lỗi, hàng nghìn bài thi bị báo lỗi, có lỗi chuẩn, có lỗi không chuẩn khiến cán bộ chấm thi hoang mang.
Vậy thì, việc một trường đại học nào đó bỏ qua một vài cảnh báo lỗi không bắt buộc phải sửa là đương nhiên. Nếu cán bộ chấm thi không làm hết trách nhiệm, chắc chắn quyền lợi của thí sinh không được đảm bảo. Ðiều này được chứng minh bằng hiện tượng điểm 0 xảy ra tại một vài địa phương chứ không phải ở tất cả 63 hội đồng chấm thi.
Chưa hết, việc cho phúc khảo đến 2/8 trong khi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đến ngày 31/7 cũng thể hiện sự bất cập. Vì sau khi có kết quả phúc khảo, thí sinh đã mất cơ hội.
Một kỳ thi càng ít sự can thiệp của con người vào bài thi, kết quả càng chính xác, công bằng. Nhưng một phần mềm không lường trước được các tình huống có thể xảy ra sẽ thật khó để xã hội tin tưởng vào kết quả của kỳ thi ấy, nhất là với hàng loạt sự cố điểm thi như vừa qua.
Năm 2018, con người điều khiển máy móc, còn năm 2019, có phải máy móc đang điều khiển con người?
Phải chăng, Bộ GD&ÐT quá tự tin vào những gì máy có thể làm mà bỏ qua năng lực thực sự của con người?