Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phái đẹp bị phụ thuộc vào phần mềm chỉnh ảnh

Không cần trang điểm kỹ càng hay chỉnh sửa nhiều bước, các cô gái hiện giờ có thể nhờ đến filter - các bộ lọc, hiệu ứng giúp họ có vẻ ngoài xinh đẹp ngay tức khắc.

Zing trích dịch bài đăng trên BBC, đề cập đến chuyện các cô gái phụ thuộc vào bộ lọc, hiệu ứng chỉnh ảnh sẵn có trên ứng dụng, giúp họ xinh đẹp trong chốc lát. Song từ đó, họ lại chán nản ngoại hình đời thực của mình.

Filter - bộ lọc hình ảnh trên các ứng dụng dần trở thành cách thức phổ biến và nhanh chóng nhất để nhiều cô gái sở hữu bề ngoài xinh đẹp.

Chỉ với một thao tác trong vài giây, phái nữ sẽ có vô vàn hiệu ứng để lựa chọn. Với nhiều người, filter giúp họ bắt kịp các tiêu chuẩn cái đẹp ngày càng cao trên mạng xã hội.

Mặt trái của chuyện này là phụ nữ càng tự ti về ngoại hình, nghĩ mình xấu xí.

Cuộc khảo sát do Girlguiding thực hiện chỉ ra một phần ba trong số hơn 1.400 người tham gia sẽ không đăng ảnh selfie nếu chưa sử dụng bộ lọc giúp gương mặt không còn khuyết điểm. 39% cho biết họ cảm thấy khó chịu vì nhan sắc ngoài đời thực không thể giống trên mạng.

Số người được hỏi đều còn rất trẻ, từ 11-21 tuổi.

chinh sua anh truoc khi dang anh 1

Filter - cách nhanh nhất để các cô gái có ngoại hình xinh đẹp trên mạng xã hội.

Trước thực tế nhiều cô gái thất vọng vì vẻ ngoài không được như trên ảnh, người mẫu Sasha Pallari đã mở một chiến dịch trên Instagram, với hashtag #filterdrop (tạm dịch: tắt filter chỉnh ảnh).

Theo đó, phái nữ sẽ tự tin đăng ảnh mặt mộc hoặc không dùng filter. Sasha nói cô hy vọng nhìn thấy nhiều hơn “những khuôn mặt tự nhiên, không phải đã qua hàng lớp hiệu ứng”.

Đăng ảnh mặt mộc là điều đáng sợ

“Tôi chỉ nghĩ ‘Có ai nhận ra điều này nguy hiểm thế nào không?’. Tôi không muốn thế hệ trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng chúng không đủ tốt vì những gì thấy trên mạng. Tôi muốn họ coi trọng con người của họ là hơn vẻ ngoài”, Sasha nói.

Cô gái 28 tuổi đến từ Bristol (Anh) có phần bất ngờ khi lời kêu gọi của mình được hưởng ứng một cách nhiệt tình. Video của cô nhanh chóng lan tỏa và thu hút nhiều người ở Anh tham gia.

“Đối với tôi, không vấn đề gì khi chụp một bức ảnh không trang điểm, không hiệu ứng. Nhưng với nhiều phụ nữ, việc đăng ảnh mặt mộc là một điều gì đó thật sự đáng sợ”, Katie McGrath, một cô giáo tiểu học, người đã follow Sasha trong hơn một năm, cho biết.

Katie chưa từng nghĩ việc lướt Instagram vào buổi tối trở thành một phần liên quan tới công việc của mình, nhưng mùa hè năm nay thì điều đó đã xảy ra.

“Gần kết thúc khoảng thời gian phong tỏa, tôi nhận email từ phụ huynh, nói rằng họ lo lắng về sự thay đổi hành vi của con cái. Cụ thể, đứa trẻ đang gặp vấn đề về ngoại hình. Tôi đã rất ngạc nhiên khi đứa bé mới chỉ 4 tuổi”, Katie kể lại.

"Sau đó, nó khiến tôi thấy buồn sâu sắc hơn vì ở độ tuổi còn nhỏ như vậy, trẻ em đã nhận thức về ngoại hình của chúng”.

chinh sua anh truoc khi dang anh 2

Các ngôi sao, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường xuyên sử dụng bộ lọc chỉnh ảnh, khiến người theo dõi học theo.

Cô gái 29 tuổi đến từ miền Nam xứ Wales, phát hiện ra nguyên nhân đến từ việc học trò của mình xem các video hướng dẫn trang điểm trên mạng xã hội.

“Cô bé nói với tôi không thích khuôn mặt mình khi không trang điểm và muốn thay đổi màu tóc. Nhờ #filterdrop, tôi có thể nói chuyện với học sinh về sự tự tin mà cá nhân tôi đang cố gắng đạt được từ chiến dịch”, cô nói.

Tuy nhiên, Katie không thể trả lời khi cô bé 4 tuổi hỏi tại sao cô trang điểm mỗi ngày. Tuần sau, cô quyết định đến trường với mặt mộc.

Sasha cho biết nhiều cô gái không nhận ra mình đã quá phụ thuộc vào các bộ lọc đến mức nào cho đến khi họ bị thử thách không sử dụng chúng.

Một bà mẹ 33 tuổi đến từ Glasgow đã không cho phép người khác chụp ảnh mình từ cách đây 3 năm. Thời điểm đó, người phụ nữ bắt đầu theo dõi rất nhiều beauty blogger trên mạng.

“Tôi thật sự muốn ủng hộ điều Sasha đang làm. Nhưng khi mở máy ảnh lên, tôi bật khóc khi nghĩ đến cảnh người khác nhìn chằm chằm vào hàng đống khuyết điểm trên mặt mình. Ý nghĩ hình ảnh bản thân bị đánh giá và so sánh là điều tôi khó chịu đựng nổi”, cô nói.

chinh sua anh truoc khi dang anh 3

Sasha Pallari - người mẫu phát động chiến dịch #filterdrop.

Zia Hutchings, một trong những người theo dõi Sasha Pallari, cho biết: “Khi cô ấy bắt đầu chiến dịch, tôi nhận ra tôi thực sự ghét khuôn mặt mình, một là lúc không trang điểm, hai là khi chụp ảnh không có bộ lọc”.

"Tôi nhìn thấy rất nhiều cô gái xinh đẹp trên mạng xã hội với làn da không tì vết, chiếc mũi cao, dáng người hoàn hảo. Còn tôi bị tàn nhang, dáng xấu đi vì đã qua một lần sinh đẻ", cô gái 27 tuổi nói.

"Ban đầu, tôi không đủ can đảm để tham gia, rồi một đêm, cảm giác choáng ngợp ập đến. Tôi có một đứa con gái 18 tháng tuổi. Nếu tôi không thể chia sẻ hình ảnh của mình mà không trang điểm, không chỉnh sửa, làm sao tôi có thể mong đợi con bé chịu yêu bản thân nó”, người mẹ kể lại.

Mũi, mặt thon gọn trong vòng 5 giây

Sasha hy vọng chiến dịch sẽ tác động đến Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh ra yêu cầu những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phải nêu rõ trong trường hợp họ sử dụng bộ lọc khi quảng cáo mỹ phẩm.

“Việc dùng filter trước giờ là tự do cá nhân. Vì vậy người theo dõi thường nghĩ ‘tại sao trông tôi không giống như vậy?’. Đó là do họ không biết sự thật đằng sau”, Sasha nói.

“Điều này không đồng nghĩa với chuyện chúng ta tẩy chay hoàn toàn các hiệu ứng chụp ảnh. Song, một số bộ lọc biến đổi hoàn toàn gương mặt không nên xuất hiện. Lần gần nhất, tôi thử filter giúp thon gọn mũi và nó rất giống thật. Tôi chưa bao giờ nghĩ mũi mình to, nhưng điều này sẽ gây hại thế nào đến một người kém tự tin?”, cô nói thêm.

chinh sua anh truoc khi dang anh 4

"Việc biến một chiếc mũi thon gọn trong vòng 5 giây gây tổn hại rất nhiều đến sự tự tin của những người bình thường".

Nữ người mẫu cho hay cô đã nhắn tin trực tiếp cho các thương hiệu sử dụng ảnh người mẫu dùng fitler cho gương mặt khi quảng cáo.

Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh xác nhận tiếp nhận yêu cầu của Sasha và họ đang điều tra xem việc sử dụng bộ lọc trong quảng cáo có mang tính "phóng đại về hiệu quả của sản phẩm" hay không.

“Mặc dù chỉnh sửa, photoshop trong quá trình hậu kỳ quảng cáo là hợp pháp, điều quan trọng là chúng không phóng đại một cách sai lệch những gì sản phẩm có thể đem lại”, thông cáo nói.

Khi được hỏi về tác động tiêu cực của bộ lọc trên Instagram, đại diện nền tảng này cho biết họ đang nghiên cứu các biện pháp giúp giảm áp lực xã hội của người dùng.

“Chúng tôi muốn các hiệu ứng trở thành trải nghiệm an toàn và tích cực cho cộng đồng người dùng, đồng thời cho phép mọi người sáng tạo thể hiện bản thân. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho phép họ tạo và sử dụng các hiệu ứng thay đổi khuôn mặt, nhưng không đề xuất chúng trong Thư viện hiệu ứng. Nhiều người tự khám phá ra chúng", đại diện Instagram cho hay.

Đáp lại, Sasha nói: "Thật tiếc khi vẫn chưa có sự thừa nhận về mức độ nguy hiểm của các bộ lọc biến đổi khuôn mặt, bất kể chúng có được hiển thị trong thư viện hiệu ứng hay không. Chúng vẫn có thể được tìm thấy dễ dàng bằng cách gõ các từ khóa đơn giản”.

“Filter được những influencer, các nhà sáng tạo nội dung dùng nhiều nhất, còn người theo dõi thích thú làm theo. Tôi hy vọng không còn lâu nữa trước khi những người có trách nhiệm nhận ra việc biến một chiếc mũi thon gọn trong vòng 5 giây gây tổn hại rất nhiều đến sự tự tin của những người bình thường”, nữ người mẫu nhấn mạnh.

Chính quyền TQ mạnh tay chặn fan quá khích trên mạng

Chiến dịch mới nhằm xóa bỏ các hoạt động fan Trung Quốc gây hấn trên mạng, bôi nhọ danh dự người khác hay giảm bớt chuyện sinh viên nghèo dốc hết tiền mua quà cho idol.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm