Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải giám sát chặt khi cho mở hàng ăn, uống tại chỗ

Các chuyên gia y tế nhận định việc cho nhà hàng, quán ăn mở bán tại chỗ thời điểm này là cần thiết nhưng phải đảm bảo thường xuyên quản lý, giám sát công tác phòng bệnh.

Từ 6h ngày 14/10, các nhà hàng ăn, uống tại Hà Nội đã được phép bán tại chỗ với công suất không quá 50%. Đồng thời, chủ cửa hàng và nhân viên phục vụ phải tiêm đủ 2 liều vaccine.

Tại TP.HCM, trong cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố diễn ra chiều 25/10, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết việc mở lại quán ăn, uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình trao đổi và còn cần làm rõ lại nhiều vấn đề trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trao đổi với Zing về vấn đề này, các chuyên gia y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm khi mở hàng ăn, uống tại chỗ có tồn tại dù đây là hành động cần thiết. Do đó, ngành y tế cần tăng cường vai trò giám sát sau khi đưa ra quyết định.

Có nguy cơ nhưng không đáng lo

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khi cho phép các nhà hàng ăn, uống phục vụ tại chỗ, chúng ta cũng phải chuẩn bị trước cho việc người dân sẽ tháo khẩu trang trong thời gian đó.

“Việc làm này tương tự các nhóm bạn hay gia đình ăn, uống tại nhà. Nguy cơ lây nhiễm là có nhưng không lớn. Nhất là khi những người đến ăn tại quán đó đã tiêm đủ 2 mũi vaccine”, bác sĩ Khanh cho hay.

hang an mo ban tai cho sau dich covid-19 anh 1

Nhóm bạn trẻ gặp gỡ tại quán cà phê quanh Hồ Tây (Hà Nội) sau thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Thắng.

Về đề xuất cấm các hàng ăn, uống sử dụng điều hòa khi kinh doanh tại chỗ, bác sĩ Khanh nhận định việc làm này không thực sự cần thiết. Nguyên nhân là khi để người dân ngồi ăn chung bàn và không đeo khẩu trang thời điểm đó, dù không dùng điều hòa, virus nếu tồn tại vẫn sẽ lây lan.

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng việc đồng ý để hàng ăn, uống hoạt động tại chỗ trở lại là điều cần thiết và cần làm sớm nhất có thể khi Việt Nam chuyển sang kế hoạch sống chung an toàn với nCoV.

“Với tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm chủng vaccine Covid-19 cao như Hà Nội hay TP.HCM, việc các nhà hàng này hoạt động tại chỗ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến số ca nhiễm. Trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm, khả năng những người này diễn biến nặng, phải nhập viện và gây quá tải hệ thống y tế cũng khó có thể xảy ra do hầu hết người dân trong thành phố đã được tiêm chủng”, PGS Hùng giải thích.

Trong khi đó, theo vị chuyên gia này, các quán nhậu, hàng bia, rượu có nguy cơ lây nhiễm lớn hơn nếu người dân ngồi tập trung đông, không giữ khoảng cách. Tuy nhiên, khi nhà hàng giữ được sự thông thoáng, thậm chí hoạt động ngoài trời, nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm xuống.

Vai trò giám sát là tối quan trọng

Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, vai trò kiểm tra, giám sát của ngành y tế sau khi cho phép hàng ăn, uống hoạt động tại chỗ là rất quan trọng.

Ông đặt vấn đề: “Các chủ quán cam kết tuân thủ quy định phòng dịch nhưng thực tế có đúng như vậy hay không. Liệu trong quá trình kinh doanh, các cơ sở này có thực sự giữ khoảng cách, sắp xếp bàn ghế theo quy định, đảm bảo tất cả khách hàng sát khuẩn tay hay giữ không gian quán thông thoáng không”.

hang an mo ban tai cho sau dich covid-19 anh 2

Nhân viên một nhà hàng ăn tại quận Ba Đình (Hà Nội) chuẩn bị để đón khách. Ảnh: Thạch Thảo.

Vị chuyên gia này khẳng định việc các địa phương đưa ra tiêu chí phòng, chống dịch cho hàng ăn, uống nhưng không thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ khiến những cơ sở này vi phạm, từ đó gây bùng phát dịch.

“Chủ nhà hàng phải cam kết nếu không duy trì được các quy định phòng dịch sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Các cơ sở không đảm bảo đúng cam kết sẽ phải đóng cửa hoặc bị xử lý vi phạm. Như vậy, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát”, PGS Hùng nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhận định việc chính quyền cần làm trong thời gian tới, khi cho phép hàng ăn, uống hoạt động tại chỗ, là giám sát chặt khách hàng cũng như nhân viên của quán.

Cụ thể, người dân muốn ăn, uống tại quán sẽ buộc phải khai báo y tế và được kiểm soát thông qua thẻ xanh chứng minh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Những cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt.

“Việc này nhằm chuẩn bị cho tình huống phát hiện trường hợp nhiễm virus, chúng ta có thể theo dõi họ từng đến đâu, lây từ ai. Nhà hàng, quán ăn được phát hiện có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm”, bác sĩ Khanh giải thích.

Ngoài ra, người dân khi đến ăn, uống tại các nhà hàng cũng phải duy trì 5K với các nhóm ở bàn khác, hạn chế tiếp xúc và luôn duy trì khoảng cách.

Trong khi đó, nhân viên phục vụ của nhà hàng buộc phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.

Tránh lây nhiễm nCoV như thế nào trong môi trường văn phòng? Người dân đi làm trở lại có nguy cơ lây nhiễm cao khi ở môi trường kín thời gian dài. Do đó, chúng ta cần giữ thói quen đeo khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn.

Doanh nghiệp nóng ruột chờ mở cửa, TP.HCM vẫn cân nhắc

TP.HCM vẫn đang cân nhắc, tính toán các điều kiện để cho hàng quán mở bán tại chỗ. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng chỉ cần đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine và thực hiện 5K.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm