Gần đây, dư luận quan tâm việc một số cá nhân sử dụng tính năng livestream (phát sóng trực tiếp) để thể hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Nhiều tình huống pháp lý được đặt ra sau các video livestream. Trong đó, không ít người thắc mắc nếu bị bôi nhọ, xúc phạm danh dự trên mạng, họ cần phải thu thập chứng cứ, khởi kiện ra sao?
Tin nhắn, cuộc gọi, video đều là chứng cứ
Phân tích các quyền dân sự được pháp luật bảo vệ, luật sư Mai Thảo (Phó giám đốc TAT Law firm) cho biết theo Điều 34 Bộ luật Dân sự, danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền nhân thân bất khả xâm phạm.
Trong trường hợp một người có căn cứ cho rằng danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình bị người khác xâm phạm, làm ảnh hưởng xấu, kể cả trong đời sống thực tế lẫn trên không gian mạng, thì người đó có quyền khởi kiện ra toà, đề nghị chấm dứt hành vi xâm phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Người bị xúc phạm trên mạng xã hội có thể thu thập chứng cứ ở dạng hình ảnh, giọng nói để tố cáo. Ảnh minh họa: N.H. |
Dẫn Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự, luật sư nhấn mạnh khi bị người khác xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện ra tòa án để yêu cầu được bảo vệ.
Người bị xâm phạm (nguyên đơn) có thể khởi kiện ra tòa án cấp huyện tại nơi mình cư trú hoặc liên hệ với các cơ quan tố tụng ở nơi bị đơn cư trú để làm thủ tục khởi kiện.
Theo luật sư, sau khi Luật An ninh mạng ra đời, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân càng được tôn trọng, bảo vệ hơn trên mạng xã hội.
Với đặc thù của không gian mạng, khi khởi kiện để yêu cầu được bảo vệ danh dự, uy tín, nguyên đơn có thể thu thập các chứng cứ hợp pháp như tin nhắn, cuộc gọi hoặc các video livestream trên mạng xã hội làm căn cứ tố cáo.
Mạng ảo nhưng chứng cứ là thật
Chia sẻ góc nhìn, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, cho rằng bằng chứng được thu thập trên mạng xã hội để làm căn cứ khởi kiện gọi là chứng cứ điện tử. Để những chứng cứ này được cơ quan tố tụng chấp nhận, nguyên đơn có thể sử dụng nhiều cách lưu giữ như ghi âm, ghi hình, chụp ảnh màn hình rồi lập vi bằng.
Sau khi có yêu cầu khởi kiện, cơ quan chức năng sẽ thu thập chứng cứ điện tử thông qua nhà mạng cung cấp dịch vụ hoặc bằng biện pháp chuyên môn khác.
"Không gian mạng là ảo nhưng hành vi vi phạm pháp luật và chế tài là có thật. Dù dùng nick ảo hay máy chủ ở nước ngoài thì cơ quan điều tra sẽ có đủ phương tiện, kỹ thuật để thu thập chứng cứ", luật sư Cường nói.
Theo ông, chứng cứ điện tử thu thập trên mạng xã hội đa phần ở dạng hình ảnh và giọng nói có thể đọc, nghe và nhìn được. Ngoài ra còn có lời khai của các bên liên quan, nhân chứng, kết luận giám định, văn bản công chứng hay các nguồn khác mà pháp luật quy định.
Quá trình khởi kiện, nguyên đơn cần cung cấp chứng cứ và chứng minh được hành vi đối phương là vi phạm pháp luật, nội dung của hành vi đó xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm ra sao, qua những ngôn ngữ, cử chỉ nào. Bên cạnh đó, phải chứng minh những hành vi đó có tác động tiêu cực như thế nào đối với tâm lý của nạn nhân và với cộng đồng.
Theo luật sư, khi giải quyết khiếu nại, bị đơn cũng phải trình bày các căn cứ liên quan việc phát ngôn và có thể đưa ra chứng cứ điện tử để bảo vệ quan điểm, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.