Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải làm rõ danh sách lãnh đạo Sơn La có con được nâng điểm thi

Nhiều ý kiến cho rằng cần xử thật nghiêm minh cả phụ huynh và học sinh gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình. Không thể để "con quan rồi lại làm quan" nhờ gian lận.

Tối 17/4, cộng đồng mạng chia sẻ danh sách đăng trên báo Tuổi Trẻ về thí sinh gian lận điểm thi được cho là con quan chức ở Sơn La. Theo danh sách này, 21 thí sinh được nâng từ 3 đến 25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Những em này được cho là con lãnh đạo UBND thành phố, UBND huyện, sở GD&ĐT, cục trưởng, công an, giáo viên và nhiều cán bộ ở lĩnh vực khác tại Sơn La.

gian lan thi cu son la anh 1
Danh sách con cán bộ ở Sơn La được nâng điểm thi đại học xuất hiện trên mạng tối 17/4.

Trong đó, thí sinh được nâng 25 điểm được cho là có bố công tác ở công an tỉnh Sơn La, mẹ làm cán bộ một trường tiểu học và THCS ở địa phương.

Thí sinh khác có 5 môn được sửa nâng điểm (tổng điểm chênh lệch giữa hai lần chấm là 23,35), có bố là cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, mẹ là trưởng phòng của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Đáng chú ý, trong các trường hợp là con em công chức, đảng viên ở tỉnh Sơn La, ít nhất ba thí sinh là con cán bộ chủ chốt Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Đó là phó giám đốc sở, Chánh Thanh tra sở và Trưởng phòng giáo dục trung học.

Không thể để con quan rồi lại làm... to nhờ gian lận

Ngay lập tức, cộng đồng mạng sôi sục, thể hiện sự bức xúc trước bản danh sách "con quan rồi lại làm to" nhờ gian lận. Nhiều người đặt câu hỏi, "con các đồng chí này", giả sử qua được cửa ải thi THPT quốc gia, sẽ có chỗ "ngon" làm việc, sau khi tốt nghiệp vì "cơ" của bố mẹ.

Bạn Thúy Hằng chia sẻ danh sách này không hề có phụ huynh là nông dân, công nhân.

Theo "mạch chạy" trên, những học sinh được nâng điểm không khó thành cán bộ nguồn của tỉnh nhà. Đất nước sẽ ra sao khi một thế hệ giữ các vị trí nghề nghiệp quan trọng, thậm chí lãnh đạo địa phương trong tương lai, lại là người gian dối.

Tối 17/4, ngay sau khi danh sách nhiều cán bộ ở Sơn La có con được nâng điểm thi xuất hiện trên mạng, trả lời Zing.vn, ông Hoàng Đức Tiến - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - cho hay ông không nhận được danh sách nào cả. Phóng viên có gọi điện hay đến gặp trực tiếp, ông cũng không có thông tin.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An - khẳng định tội phạm cần được điểm danh.

Xét về hình thức, đây là vụ gian lận thi cử, nhưng bản chất có thể là “tham nhũng" điểm, đưa và nhận hối lộ.

Bạn Chi Lê nêu vấn đề nếu không xử lý nghiêm những người gian lận điểm thi, đặc biệt là phụ huynh quyền chức ở Hòa Bình, Sơn La, ai dám tin tưởng giao con cho ngành giáo dục nữa.

"Con ông, cháu cha" càng phải xử nghiêm

Trong một lần trao đổi với Zing.vn về chủ đề gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - nhấn mạnh không chỉ công khai thí sinh học trường nào, được nâng bao nhiêu điểm, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý vụ gian lận tuyển sinh ở Sơn La, Hòa Bình cần làm rõ những người được can thiệp điểm là con ai, có bao nhiêu con quan chức dính líu bê bối này.

Phải làm rõ phụ huynh đã đưa bao nhiêu tiền để nâng điểm cho con. Những người này cần bị xử lý bởi tham nhũng, đưa hối lộ đều là hành vi trái pháp luật.

gian lan thi cu son la anh 2
Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - trả lời báo chí trước và sau khi gian lận thi cử bị phát hiện. Tuy nhiên, sau khi cơ quan công an điều tra và kết luận, con số thí sinh Sơn La liên quan gian lận lên đến 44 người. Đồ họa: P.N. 

Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng cần công khai trong số những thí sinh được can thiệp điểm, có ai là “con ông cháu cha” không.

Các quan chức phải gương mẫu, trước hết, là trung thực, thực hiện đúng pháp luật. Quan chức mà tiếp tay cho gian lận thi cử thì phải bị xử lý dứt khoát. Việc lợi dụng chức quyền để làm sai lệch điểm thi là tham nhũng.

“Chúng ta cần làm nghiêm để răn đe và tạo ý thức tôn trọng pháp luật, sự công bằng. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên khẩn trương xử lý vụ Hòa Bình, Sơn La. Dù là con quan chức hay ai, cần mang ra ánh sáng càng sớm càng tốt, tránh để dân mất niềm tin vào giáo dục”, TS Vinh nhấn mạnh.

Cần cho ra khỏi ngành cán bộ chạy điểm cho con

Ông Vinh cũng cho rằng có thể không công bố thông tin về thí sinh liên quan gian lận nhưng phải công bố danh tính những người đứng đằng sau chỉ đạo nâng điểm thi cho con, cháu mình.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, nếu cơ quan chức năng kết luận thí sinh và phụ huynh cùng tham gia tác động để được nâng điểm thi, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi đó, các em chắc chắn bị buộc thôi học (nếu đã trúng tuyển), cũng như phải công khai danh tính.

Trường hợp cơ quan chức năng xác định cha mẹ mua điểm cho con mà thí sinh không liên quan, thì có dấu hiệu phụ huynh đưa hối lộ, cần làm rõ và xử lý nghiêm.

Không công bố những phụ huynh tham gia gian lận điểm là đi ngược chủ trương về chống tham nhũng hiện nay. Bất kỳ ai đã tham gia trái phép vào việc này đều vi phạm luật hình sự, dùng ảnh hưởng của mình làm sai lệch kết quả thi, để trục lợi.

Vì vậy, việc công bố danh tính phụ huynh sai phạm là phải làm, cũng như phải xử lý hình sự để giữ được kỷ cương phép nước.

TS Hoàng Ngọc Vinh đặt câu hỏi: “Tại sao phải ngại công bố danh tính người tham gia một khi đã điều tra, kết luận được kẻ nhận và đưa hối lộ; trừ khi chưa làm rõ thì điều tra tiếp. Nếu đó là quan chức, cán bộ đứng đầu các ban, ngành tại địa phương, việc công khai càng cần thiết”.

Cơ quan điều tra phải công bố danh tính những người này càng sớm càng tốt, loại bỏ cán bộ không giữ được phẩm chất trong sạch. Chỉ một việc thi cử như vậy đã không giữ được bản thân thì hỏi sao đảm đương các trọng trách mà Đảng và nhân dân giao cho.

Nếu những người vi phạm làm trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT cần có thái độ dứt khoát, chỉ đạo UBND các tỉnh và sở GD&ĐT cho ra khỏi ngành và xử theo luật pháp, vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái pháp luật.

Cần công khai danh tính phụ huynh mua điểm cho con Nhiều ý kiến cho rằng việc công khai danh tính phụ huynh mua điểm cho con là cần thiết để cảnh báo, ngăn ngừa những tiêu cực khác trong tương lai.

Sau khi vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 bị phanh phui, nhiều thí sinh 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La bị xác định có liên quan vụ việc.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy Hòa Bình có 64 và Sơn La 44 thí sinh được nâng điểm. Nhiều em đã trúng tuyển vào các trường công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.

Hiện tại, hơn 10 trường đại học đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Một số trường hợp khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.

Sẽ ra sao nếu cô giáo, bác sĩ tương lai là 'thủ khoa gian dối'?

Theo TS Vũ Thu Hương, các thí sinh được nâng điểm thi không nên vào ngành sư phạm. Nếu đã gian dối, họ không còn đủ tư cách nuôi dạy trẻ.

Tại sao không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm thi đại học?

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng hiện không có quy định cụ thể về việc phải công bố hay không công bố danh tính thí sinh liên quan gian lận thi THPT quốc gia 2018.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm