Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, nếu cơ quan chức năng kết luận thí sinh và phụ huynh cùng tham gia tác động để được nâng điểm thi, thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi đó, các em chắc chắn bị buộc thôi học (nếu đã trúng tuyển), cũng như phải công khai danh tính.
Tuy nhiên, nếu thí sinh không biết việc phụ huynh "chạy", "mua" điểm cho mình, nghĩa là các em không vi phạm hành chính, thì sẽ không bị xử lý.
Khi đó, việc công khai danh tính thí sinh liên quan gian lận điểm thi cần cân nhắc, bởi hiện nay không có quy định cụ thể đề cập việc này. Điều đó đồng nghĩa nếu công khai danh tính cũng khai sai luật, mà nó chủ yếu được nhìn nhận ở phạm trù đạo đức.
"Nếu không biết, không liên quan việc phụ huynh làm, thí sinh có quyền đề nghị cơ quan, đơn vị liên quan không công khai danh tính của mình. Các em sẽ được bảo vệ quyền chính đáng", luật sư Tuấn Anh nói.
Không có căn cứ đuổi học sinh viên được nâng điểm
Bên cạnh việc không có quy định cụ thể về việc phải công khai hay không công khai danh tính thí sinh, luật sư Trần Tuấn Anh còn cho rằng Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT 2018 có lỗ hổng "con voi chui qua lỗ kim". Hiện tại, không có căn cứ đuổi học sinh viên được nâng điểm trúng tuyển vào các trường đại học, nếu em đó không biết mình được/bị can thiệp điểm.
Lỗi này thuộc về Bộ GD&ĐT khi quy chế chỉ quy định "xử phạt trực tiếp" ở phòng thi, mà không có quy định cụ thể về xử lý gian lận ở phần chấm thi.
Như phân tích ở trên, trường hợp bố mẹ, người thân đưa hối lộ, chạy điểm mà thí sinh không hay biết, không liên quan, bài thi của các em sẽ được chấm thẩm định và đó là kết quả chính thức, hợp pháp (hủy bài chấm sai để chấm lại kết quả đúng). Nếu điểm chấm thẩm định của thí sinh vẫn đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT và đủ mức trúng tuyển của ngành/trường đang theo học, các em sẽ không bị đuổi.
Hòa Bình là một trong những địa phương có thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Q.Q. |
“Trường hợp này, bố mẹ tham gia gian lận phải chịu trách nhiệm hình sự, còn thí sinh không liên quan đường dây đó, đã được chấm lại bài và có quyền sử dụng kết quả hợp pháp của mình để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Trước câu hỏi liệu có không công bằng khi thí sinh mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi bị đình chỉ, trượt tốt nghiệp, còn người liên quan cả đường dây chạy điểm quy mô lớn, vẫn được học đại học, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng "việc chấm lại điểm thi đã đảm bảo công bằng".
"Thí sinh không có lỗi quay bài, người mua điểm là phụ huynh phải chịu trách nhiệm hình sự, chứ không phải thí sinh. Vì thế, đuổi học những sinh viên đã trúng tuyển diện này mới là bất công bằng với các em", luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Quy chế tuyển sinh không quy định "hủy kết quả thi nếu nâng điểm khi chấm"
Phân tích thêm về chủ đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho hay thông tư 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Gốc rễ của vấn đề chưa hẳn ở bổ sung luật, mà là công tác cán bộ của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, các trường liên quan thi cử, giám sát trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào cao đẳng, đại học, đang có vấn đề.
Luật sư Trần Tuấn Anh
Thông tư này không có câu nào liên quan việc
Cũng theo ông Cường, thí sinh bị hủy bài thi hay không còn tùy thuộc vào kết luận của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật. Bởi, thông tư về quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp có đoạn: “Đối với hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các cơ quan quản lý giáo dục phải lập hồ sơ gửi các cơ quan thẩm quyền xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định”.
Việc giải quyết thủ tục nhập học, buộc thôi học, hủy bỏ kết quả trúng tuyển cũng phải theo trình tự, thủ tục luật định, trên cơ sở những căn cứ pháp luật, chứ không thể bằng những tuyên bố bằng miệng của cán bộ ngành giáo dục.
Cán bộ quản lý ngành giáo dục "đang có vấn đề"
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng đồng tình quan điểm quy chế thi phải bổ sung quy định để theo kịp thực tế, tránh tình trạng "voi chui lỗ kim" như trên.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng gốc rễ của vấn đề chưa hẳn ở bổ sung luật, mà là công tác cán bộ của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, các trường liên quan thi cử, giám sát kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào cao đẳng, đại học, đang có vấn đề.
Tiêu cực thi THPT quốc gia xảy ra do những con người thực hiện quy chế. Nếu thực hiện đúng, không bao giờ có chuyện gian lận.
Những người liên quan, nếu không nhận hối lộ và công tâm, câu chuyện đã không đau lòng và phức tạp đến thế. Nguyên nhân quan trọng nhất là con người liên quan chấm và giám sát kỳ thi.
"Dù quy chế có chặt chẽ đến đâu, truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào, người cầm cân nảy mực không có tư chất đạo đức tốt, thì gian lận vẫn có thể xảy ra", luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Trước đó, trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - khẳng định nếu điểm bị giảm không liên quan tổ hợp xét tuyển thì tạm thời, trước khi có kết luận điều tra, có thể chưa xử lý.
Nếu thí sinh bị giảm điểm thi ở môn không thuộc tổ hợp xét tuyển, các trường vẫn có thể để sinh viên tiếp tục học tập, trừ trường hợp có quy định khác đã được công bố, đủ làm căn cứ để giải quyết vấn đề theo hướng khác.
Hiện nay, vụ việc gian lận thi trong quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền, chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi… Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, căn cứ kết luận, các đối tượng vi phạm (trong đó có thể có cả thí sinh) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu thí sinh vẫn tốt nghiệp, các trường phải căn cứ điểm thi thực sự của các em ở tổ hợp xét tuyển và điểm trúng tuyển của trường.
Nếu điểm bị giảm không liên quan tổ hợp xét tuyển thì tạm thời, trước khi có kết luận điều tra, có thể chưa xử lý, trừ khi trường có quy định khác đã được công bố, đủ làm căn cứ để giải quyết vấn đề theo hướng khác.