Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phải ở nhà, người Singapore chọn cây cảnh thay đồ hiệu

Thay thế xe và đồng hồ, giờ đây, cây cảnh trở thành món hàng hiệu mới, khi những nhà sưu tầm sẵn sàng chi vài chục nghìn SGD để sở hữu các loài quý hiếm.

Singapore anh 1

Trước đợt "Ngắt Mạch" (Circuit Breaker - một hình thức phong tỏa nhưng nhẹ hơn tại Singapore) vào tháng 4 năm nay, việc chăm sóc cây cảnh chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của Grayce và Jason Ooi. Do quá bận, việc thường xuyên đi du lịch khiến họ không thể trồng gì ngoài những loại cây đơn giản như sen đá.

Phong tỏa do dịch Covid-19 đã thay đổi điều đó. Grayce - chuyên viên nhân sự - chia sẻ: "Chúng tôi 'cuồng cây' vì đợt Ngắt Mạch. Cả 2 đọc nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn, và tham gia các hội mê cây. Ở giai đoạn 2, chúng tôi bắt đầu đến các nơi nhân giống cây. Chúng tôi vẫn không thể đi du lịch, điều duy nhất mang lại hạnh phúc là trồng cây. Thường xuyên làm việc ở nhà, cây cối có tính trị liệu cao và giúp vợ chồng tôi giảm stress".

Xu hướng làm vườn tại nhà lên ngôi

Đây là câu chuyện đã trở nên quen thuộc: Làm vườn là thú vui phổ biến thời dịch. Điều đặc biệt trong xu hướng này là số tiền nhiều người sẵn sàng bỏ ra cho các loại cây quý hiếm và được ưa chuộng.

Peter Cheok, Giám đốc Kinh doanh Far East Flora (Singapore), cho biết: "Chúng tôi nhận thấy một xu hướng ngày càng tăng từ đầu năm 2020 (thời điểm Ngắt Mạch bắt đầu). Hứng thú với việc làm vườn và trồng cây được khơi dậy khi nhiều người ở nhà hơn. Điều này cũng làm cho sự quan tâm đến các loại cây đặc biệt và quý hiếm tăng lên".

Tháng 6, Candy Floriculture - một vườn cây cảnh ở khu Thomson - chia sẻ ảnh chụp khách mua cây Philodendron spiritus sancti với giá 40.000 SGD (khoảng 676 triệu đồng).

Sharon Goh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Candy, giải thích: "Ông ấy là khách quen, và muốn thứ gì đó có giá trị thay vì mua cả loạt cây".

Ở các cửa hàng địa phương hay trên các nền tảng trực tuyến, không hiếm thấy các loại cây có giá hàng chục nghìn đôla Singapore (1 SGD khoảng 17.000 đồng). Trong buổi trả lời phỏng vấn của CNA, Candy tiếp nhận thêm một lô Philodendron spiritus sancti (một loại trầu bà) với giá 42.000 SGD/cây lớn (khoảng 710 triệu đồng) và 29.000 SGD/cây nhỏ (khoảng 490 triệu đồng). Một loại khác - Philodendron billietiae variegated (trầu bà cánh én) - cũng có giá 15.000-16.888 SGD (khoảng 253 triệu-285 triệu đồng).

Loài này có giá đắt nhất ở Terrascapes LLP, một công ty cây cảnh tại Choa Chu Kang. Nhà sáng lập công ty này cho biết: "Chúng tôi có một cây Philodendron billietiae variegated được định giá 20.000 SGD (khoảng 338 triệu đồng) dựa trên kích cỡ và mức độ đột biến cao của lá".

Singapore anh 4

Một cây Philodendron spiritus sancti được bán với giá 40.000 SGD. Ảnh: Candy Floriculture.

Còn ở Greenfingers, một cửa hàng cây cảnh ở Lim Chu Kang, ông chủ Shawn Chen cho biết "hàng độc" của mình là một cây lan hổ đột biến (Grammatophyllum speciosum). Với đường kính cụm cây lên đến 4 m, loài phong lan bản địa Singapore này được xem là lớn nhất thế giới. Không giống như các loài lan khác được đánh giá qua hoa, loài này được định giá bằng tán lá.

"Cây này đặc biệt vì lá đột biến, có hai màu vàng và xanh. Khi có ánh sáng chiếu vào, nó như có màu vàng sáng lóng lánh. Cây có giá 45.000 SGD (khoảng 761 triệu đồng)" - Chen nói.

Trên trang thương mại điện tử Carousell, một cây Philodendron spiritus sancti trưởng thành đang được bán với giá 54.380 SGD (hơn 920 triệu đồng). Tài khoản của người bán này cũng rao một cây Philodendron billietiae variegated với giá tương tự.

Vợ chồng nhà Ooi không lạ gì những loại cây đắt đỏ, với cây đắt nhất họ từng mua là Monstera dilacerata (trầu bà lá xẻ) có giá 8.000 SGD (hơn 135 triệu đồng). Jason - đang là nghiên cứu sinh thực phẩm - nói: "Khi một người bán ở nước ngoài chào giá, tôi mua luôn, vì đang tìm kiếm cây này. Thông thường, giá của chúng là 10.000 USD (gần 170 triệu đồng)".

Cây đắt thứ hai anh từng mua là Monstera borsigiana aurea - một loại trầu bà khác, với số tiền 2.500 SGD (hơn 42 triệu đồng): "Lúc đó, 2.500 SGD có vẻ đắt, nhưng tôi vẫn mua vì màu của nó rất đặc biệt! Phần lớn cây Monstera aureas không có đốm thế này, nhưng cây của tôi có đốm lớn trên mọi lá".

Bong bóng sẽ vỡ?

Jeremy Gopalan, biên tập viên tự do kiêm nhà sưu tập cây, đang sở hữu hơn 300 loại cây. Anh giải thích về đợt "cuồng cây hiếm" này: "Mọi người không tiêu tiền vào du lịch nữa. Họ cũng không tốn tiền đi đến chỗ làm, di chuyển. Do vậy, họ chi tiêu vào những thứ khác".

Tan Wei Jie, nhà sáng lập công ty bán lẻ cây cảnh Rabbit Island ở Woodlands, đồng tình: "Ngày nay, với một số người, việc sưu tầm cây quý hiếm có thể được coi như một dạng tiêu dùng xa xỉ, thay thế việc đi du lịch".

Không lâu trước, bonsai là loại cây cảnh đắt đỏ nhất. Nhưng ngày nay, aroid (cây họ ráy) mới là những loài phá vỡ kỷ lục về giá. Chúng gồm các loại trầu bà lá xẻ, trầu bà Nam Mỹ, và các loại cây cảnh thông thường như trầu bà vàng...

Goh cho biết: "Trước đây, chúng tôi thường bán những cây bonsai với giá cao ngất ngưởng. Nhưng aroid dễ chăm sóc hơn bonsai. Bonsai cần nhiều ánh nắng, trong khi bạn có thể để aroid trong nhà".

Với Gopalan, aroid được ưa chuộng vì có nhiều chủng loại, ngay cả trong một loài chúng cũng có thể trông khác nhau. Điều này đồng nghĩa bất cứ ai cũng có thể tìm thấy loại hợp sở thích. Và vì không phải là loài bản địa tại Singapore hay châu Á (phần lớn là ở Nam Mỹ), chúng càng được yêu thích hơn. "Tôi nghĩ nguyên nhân khác là lá của chúng rất độc đáo. Với nhiều loại đột biến, yếu tố khó nắm bắt càng làm gia tăng giá trị", anh nói thêm.

Singapore anh 5

Một cây đột biến có lá hai màu tách biệt. Ảnh: CNA.

Trong khi Gopalan không định trở thành nhà sưu tầm cây hiếm, anh cũng có một cây Philodendron bipennifolium variegated mua với giá 600 SGD (hơn 10 triệu đồng) vài năm trước.

Nhà sáng lập Terrascapes giải thích: "Cây đột biến rất khó nhân giống. Các đặc tính đột biến không liên tục và không thể kiểm soát. Khi nhân giống, các cây con thường không có kết quả tốt. Một số đột biến quá mức, dẫn đến việc sinh trưởng yếu ớt, một số lại không có hoặc đột biến quá thấp, không được người mua ưa thích".

Darren Neo - nhà sáng lập Noah Garden Centre - khuyên người mưới chơi: "Bạn nên tìm vị trí thích hợp để cây có đủ ánh sáng và chú ý việc tưới nước. Đồng thời, tôi nghĩ các bạn nên bắt đầu sở thích trồng cây với những loại phổ biến và ít đắt đỏ hơn. Khi đã có kinh nghiệm chăm sóc cây, bạn có thể chuyển sang các loại giá trị cao hơn".

Với cây hiếm được yêu thích cuồng nhiệt và giá tiền ngày càng cao, nguy cơ "vỡ bong bóng" có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Cheok (Far East Flora) tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục: "Chúng ta mới ở những ngày đầu của việc sưu tập cây hiếm. Thế hệ nhà sưu tập cây này có thể đã khác, khi thế hệ millennial (những người sinh ra khoảng năm 1981-1995) hình thành kết nối cảm xúc với cây cảnh của mình (thậm chí còn đặt tên cho chúng). Sự bùng nổ của các ‘plantfluencer’ trong những năm gần đây - những người đăng tải về bộ sưu tập cây của mình, video chia sẻ về cây mới - tạo được sự quan tâm trên mạng xã hội, thổi bùng lên trào lưu và mở rộng thị trường cây cảnh".

Neo (Noah) cũng cho rằng Singapore vẫn chưa đạt đỉnh "cơn cuồng" cây quý hiếm. "Chúng tôi đã mở mục Cây sưu tầm trên website của mình từ tháng 10 năm ngoái, do nhu cầu mua chúng tăng lên từ đợt Ngắt Mạch. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng do lượng cung cây hiếm giới hạn", anh nói.

Nhưng Gopalan lại nghĩ khác: "Tôi và bạn bè cho rằng bong bóng có thể sẽ vỡ. Khi mọi người bắt đầu quay trở lại làm việc, và các nhà cung cấp nhập thêm hàng vì muốn bán nhiều hơn, có thể nguồn cung sẽ dư thừa và giá sẽ giảm".

Với vợ chồng nhà Ooi, cây cảnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ khi cuộc sống trở lại bình thường. Trên thực tế, họ đang chờ để mua thêm. "Khi các biên giới mở cửa trở lại, đến nửa số người đã mua có thể muốn bỏ cây của mình đi. Khi đó, tôi sẽ mua chúng, với giá thật rẻ!" - Jason đùa.

Leo núi thể thao giúp hồi sinh hòn đảo ở Hy Lạp

Hoạt động leo núi thể thao thu hút rất nhiều khách du lịch đến đảo Kalymnos (Hy Lạp), nhờ đó hồi sinh nền kinh tế địa phương.

Cây cầu in 3D bằng thép đầu tiên trên thế giới

Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng robot bởi công ty MX3D, dài 12 m với 4,5 tấn thép không gỉ.

An Ngọc

Theo CNA

Bạn có thể quan tâm