Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội. Ngay từ đầu buổi thảo luận, vấn đề y tế và giáo dục được nhiều đại biểu đề cập, đặc biệt là những hạn chế, bất cập trong thời gian vừa qua.
Có người chịu trách nhiệm mới không tái phạm
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng những hạn chế về giáo dục, y tế vốn đã bức xúc, nay còn "nóng" hơn. Ông kể ra nhiều hạn chế mà báo cáo của Chính phủ nhắc đến như vấn đề chất lượng giáo dục đại học, biên chế giáo viên cục bộ, sai phạm trong kỳ thi THPT, thị trường sách giáo khoa.
“Điển hình như một loạt vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT 2018, sách giáo khoa. Các vấn đề thiếu sót đa phần được nêu ra từ báo cáo trước, nhưng gần đây có nhiều vấn đề cá biệt, trở nên 'nóng' hơn. Chính phủ đưa ra giải pháp, tôi thấy chưa đột phá, gần giống giải pháp nêu ra ở kỳ họp trước”, ông Hiếu nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh Chính phủ cần phải phân tích chính xác nguyên nhân của bất cập để tìm ra mắt xích, lỗi trong quá trình vận hành.
“Báo cáo thẩm tra của Quốc hội cho thấy quy trình chung ban hành quy chế thi THPT năm 2018 là chặt chẽ, đầy đủ, nhưng vẫn tạo sơ hở trong bảo mật. Vậy ai chịu trách nhiệm trong sở hở này, hay lỗi khách quan, do quy trình?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm về sơ hở trong bảo mật thi THPT quốc gia? Lỗi khách quan hay do quy trình? Ảnh: Phạm Duy. |
Đại biểu này nhấn mạnh cần phải chỉ rõ bộ phận, cá nhân nào chịu trách nhiệm, mới đề ra được biện pháp khắc phục hiệu quả và lấy lại được lòng tin của nhân dân. Tìm ra người chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm mới không tái phạm trong lĩnh vực ấy, ở địa phương ấy, hay trên phạm vi cả nước.
Ông Hiếu cho rằng các biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh được nhắc lại rất nhiều nhưng chưa giải quyết được.
“Thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến an sinh, xã hội. Đây là 2 lĩnh vực được người dân quan tâm. Khi người dân cơ bản có cơm ăn, áo mặc, họ sẽ lo đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình, cho người thân trong gia đình, chăm lo học tập cho con em”, ông nói.
Ông đề xuất Chính phủ thống kê đầy đủ con số người Việt du học và chữa bệnh ở nước ngoài, lấy đó làm chỉ tiêu phát triển bền vững. Nguyên nhân là hàng năm, một lượng ngoại tệ khổng lồ trong nước chảy ra nước ngoài để chữa bệnh và du học.
Những "điểm đen" không nên có trong lĩnh vực giáo dục
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết nhiều cử tri thất vọng với việc đổi mới thi cử, đặc biệt đó là khâu đột phá trong cải cách giáo dục.
“Kỳ thi hai trong một không thành công và còn quá nhiều lỗ hổng. Năm 2017, đề thi quá dễ tạo ra cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần 2016. Có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng một. Năm 2018, đề thi lại quá khó, trong khi phát hiện ra chuyện tiêu cực động trời”, ông Cầu nói.
Đại biểu này cho rằng đây là những "điểm đen" không nên có trong giáo dục, đề nghị Chính phủ khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) khẳng định nhiều cử tri thất vọng với việc đổi mới thi cử. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) lo lắng về chất lượng giáo dục đào tạo khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Việt Nam chỉ đứng thứ 70/100 về chất lượng nguồn nhân lực, đứng thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao. Việt Nam cũng chỉ xếp thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ sáng tạo. Trong khi đó, phần lớn những yếu tố này đóng vai trò quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nhân nêu quan điểm.
Ông đề xuất Chính phủ cần hết sức quan tâm chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là những ngành nghề mới, cũng như cần chú ý đào tạo nghề cho lực lượng lao động phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề xuất Chính phủ nên có thêm các chỉ tiêu cụ thể hơn về y tế và giáo dục để người dân có thể giám sát và đánh giá toàn diện.