Bà nói: Theo tôi được biết ngày 9/7/2013, Cục Điều tra VKSND tối cao tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Nguyễn Thanh Chấn) tố giác các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử oan sai đối với ông Chấn.
Đến ngày 4/11/2013 đã hoàn tất quá trình xem xét và viện trưởng Viện KSND tối cao ký quyết định kháng nghị tái thẩm, như vậy là thời gian tiến hành các công việc có liên quan từ khi Cục Điều tra tiếp nhận đơn chỉ trong hơn ba tháng.
Tôi hoan nghênh việc xử lý khẩn trương, tích cực của cơ quan điều tra Viện KSND tối cao và lãnh đạo Viện KSND tối cao.
Bà Lê Thị Nga. |
Vấn đề đặt ra ở đây là từ năm 2003 đến tháng 7/2013, khi Viện KSND tối cao chưa có quyết định tái thẩm thì ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình đã liên tục kêu oan rồi.
Ngay từ lời khai ban đầu đã kêu oan, sau đó có những bản cung ông Chấn nhận tội và có bản cung thì không nhận tội. Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và sau khi xét xử phúc thẩm đến nay ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội, đều kêu oan và khai rằng những lời nhận tội trước đây là do bị ép cung, do điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, được luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra...
Ở thời điểm hiện nay chúng ta chưa kết luận có việc ép cung hay không. Điều đáng lưu ý là để xem xét oan, sai trong tố tụng hình sự không chỉ có mỗi quy trình khi phát hiện tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án (là căn cứ mà Viện KSND tối cao kháng nghị tái thẩm trong vụ án này), còn có hai quy trình rất quan trọng nữa là quy trình phúc thẩm (xem xét lại nội dung kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật) và quy trình giám đốc thẩm.
- Nghĩa là bà cho rằng vụ án này lẽ ra phải được xem xét thấu đáo ở một trong hai quy trình vừa nêu?
- Với những thông tin mà tôi được biết về vụ án này, ngay từ đầu khi xảy ra sự việc đến khi xét xử sơ thẩm, ông Chiến liên tục kêu oan nhưng không được xem xét thấu đáo qua thủ tục phúc thẩm (vụ án xét xử phúc thẩm do có kháng cáo chứ không do kháng nghị của viện kiểm sát).
Sau bản án phúc thẩm số 1241/HSPT ngày 27/7/2004 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đến nay, và cả trong quá trình thụ hình, gần 10 năm, theo phản ánh, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan nhưng vẫn không được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, mặc dù có nhiều tình tiết đáp ứng đủ theo điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự quy định căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Tại phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 6/11, trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn thật sự bị oan thì bà nghĩ sao?
- Nếu như hội đồng tái thẩm khẳng định oan thì đây là một vụ cực kỳ nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp và phải nói rằng: không gì có thể bù đắp được những thiệt hại, đau khổ mà ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình, người thân đã gánh chịu.
Mười năm là quãng thời gian dài khủng khiếp đối với một án oan như vậy, cần phục hồi nhanh chóng những gì có thể một cách tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình.
Tiếp đó là làm rõ và xử lý nghiêm khắc những người có trách nhiệm trong các giai đoạn tố tụng. Trong trường hợp án oan thì phải xác định được lỗi ở cấp sơ thẩm là gì, cấp phúc thẩm là gì, vì sao những người có trách nhiệm xem xét theo trình tự giám đốc thẩm không xem xét, những cơ quan có thẩm quyền khi nhận đơn của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình đã giải quyết như thế nào.
Tất cả đều phải phân định rõ ràng, không thể nói với một trường hợp bị oan như thế chỉ xin lỗi công khai, bồi thường một số tiền nhất định là xong, còn những người có trách nhiệm hoàn toàn không bị chế tài gì cả.
Cũng từ những vụ án thế này cần phải lưu ý trong tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo đã kêu oan, đặc biệt kêu oan liên tục, trong thời gian dài, đồng thời có cung cấp cả chứng cứ minh oan thì phải xem xét kỹ trong tất cả các giai đoạn tố tụng.