Ngày 28/2, phiên xét xử đại án Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Theo cáo buộc, để xảy ra sự việc trên là do hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank) và 47 đồng phạm là những sếp lớn của Oceanbank trong từng thời kỳ. Những người này bị đưa ra xét xử về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Phạm Công Danh được đưa đến phiên xét xử. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trước khi thẩm vấn, nhiều bị cáo đã được cho cách ly. Là người bị xét hỏi đầu tiên, Hà Văn Thắm xin HĐXX cho mình có cơ hội trình bày tại tòa vì có nhiều tình tiết chưa rõ. Cụ thể về khoản vay 500 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Trung Dung (Công ty Trung Dung) đứng sau là Phạm Công Danh.
Theo tài liệu điều tra, do muốn thâu tóm Ngân hàng TMCP Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín), Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn, đại diện cho nhóm cổ đông của ngân hàng này đặt vấn đề chuyển giao.
Nhận lời, cuối tháng 2/2012, bà Phấn cho cháu gái mình là Phó tổng giám đốc của Ngân hàng Đại Tín ký hợp đồng kinh tế với Thắm bán hơn 254.000 cổ phần với giá hơn 4,4 tỷ đồng kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng.
Tuy nhiên tại tòa, Thắm lại khai rằng hợp đồng trên không có giá trị pháp lý, chỉ là thỏa thuận đôi bên giữa họ. Bởi khoản tiền mua Ngân hàng Đại Tín đưa cho bà Phấn là tiền của cá nhân ông ta. Số tiền này sau đó được bà Phấn trả lại.
Khi cho người vào tiếp quản, Hà Văn Thắm phát hiện một số khoản vay lớn, dư nợ xấu, không có khả năng thu hồi nên quyết định chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh).
Vốn có ước muốn được sở hữu một ngân hàng để phục vụ ngành xây dựng của mình, Phạm Công Danh đã nhận lời. Bởi khi gặp nhau trao đổi, Thắm có nói một số khó khăn của Ngân hàng Đại Tín và nói sẽ giúp đỡ về thanh khoản. Cảm kích sự giúp đỡ của Thắm, Danh đã cho Thắm 500 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với khoản vay mà Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay.
HĐXX đã truy vấn đây có phải là khoản vay 500 tỷ không?. Đáp lời, Phạm Công Danh nói đây là tiền cá nhân ông ta cho Thắm.
“500 tỷ đồng đó với suy nghĩ chủ quan là tôi đưa cho cá nhân của anh Thắm chứ không phải để nhờ anh ấy tạo điều kiện cho tôi được vay”, Danh nói đồng thời đề nghị cơ quan chức năng thu hồi lại số tiền trên.
Ông Danh cũng cho HĐXX biết mối quan hệ của mình với Hà Văn Thắm khá thân thiết trong nhiều năm. Điều này cũng được cựu Chủ tịch Oceanbank khẳng định bởi Danh có quan hệ thân quen, là khách hàng tốt của Nguyễn Xuân Sơn (Tổng giám đốc Oceanbank).
Thắm cũng thừa nhận trách nhiệm của mình nhưng chỉ chịu trách nhiệm chung với tư cách người đứng đầu. Bởi theo lý giải của Thắm, việc Oceanbank bị thất thoát hơn 343 tỷ đồng trong khoản giải ngân 500 tỷ đồng cho Công ty Trung Dung thì tiếp nhận hồ sơ ban đầu là cấp dưới…
Bị cáo Hà Văn Thắm khẳng định có quan hệ thân quen với Phạm Công Danh. Ảnh: Anh Tuấn.
|
Tuy nhiên, theo cáo buộc, với cương vị Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Thắm đã đồng ý và ký Nghị quyết cho Công ty Trung Dung vay khi tài sản đảm bảo không đảm bảo. Thấy vậy, Thắm lý giải cho rằng Oceanbank có thể cho vay vì công ty này có giá trị thương mại lớn, điều này được ông ta đúc rút do có tham gia vào ngành thương mại bán lẻ nên biết rõ khả năng của họ.
Phiên xử ngày mai tiếp tục làm việc.