Những ngày cuối tháng 8/2015, trại giam Thủ Đức thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) sôi động hơn thường lệ. Hàng trăm phạm nhân khẩn trương dọn vệ sinh xung quanh trại hoặc trồng vườn cây lưu niệm.
Tiếng nói chuyện rôm rả khắp nơi. Họ là những phạm nhân được hưởng đặc xá trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
Trung tá Phan Xuân Nam, Phó giám thị trại giam Thủ Đức cho biết, những ngày qua, cán bộ trại cùng các phạm nhân tổng vệ sinh, trang trí và luyện tập văn nghệ cho ngày trao quyết định đặc xá. Theo ông Nam, năm nay, trại giam Thủ Đức có 851 trường hợp được đặc xá, nhiều nhất trong tất cả các trại giam trên toàn quốc.
Tùng trong buổi lao động trồng vườn cây lưu niệm trước khi nhận quyết định đặc xá. Ảnh: Trường Nguyên. |
Tại buổi trồng cây lưu niệm cho phân trại K5, phạm nhân Nguyễn Lý Tùng (21 tuổi) chia sẻ, những đêm vừa rồi mất ngủ, cứ mong ngóng đến ngày đặc xá để về với gia đình, làm lại cuộc đời. Tùng mang án 9 năm tù vì tội Giết người, đã thi hành án hơn 4 năm.
Tùng nhớ lại, năm 17 tuổi, chàng thiếu niên từ quê nghèo ở Bình Định vào TP HCM làm công nhân, sống chung phòng trọ với người anh chung công ty. “Cùng hoàn cảnh xa quê, hai anh em thân thiết, xem nhau như người nhà. Anh ấy giúp đỡ em nhiều khi mới bước chân vào Sài Gòn mưu sinh”, Tùng kể.
Tuy nhiên, những lần người anh chở bạn gái về chỗ trọ chơi thì có bị một số thanh niên chọc ghẹo. Khi người yêu cô gái phản ứng thì bị các thanh niên này hành hung. Một lần người anh về phòng trọ kể vừa bị nhóm thanh niên đánh, khiến thiếu niên nổi "máu anh hùng", đi đòi công bằng cho người cùng phòng.
Tùng kể: "Một mình em thủ dao trong người qua phòng các thanh niên kia hỏi 'anh tôi làm gì mấy người mà kiếm chuyện chọc ghẹo và đánh anh ấy". Họ trả lời kiểu thách thức và lao vào đánh nên em rút dao đâm họ".
Sau vụ án, Tùng bị tuyên án 9 năm tù. "Lúc đó em còn nhỏ, nghe chuyện bất bình thì ra tay, không biết suy nghĩ. Sau gây án, em ân hận nhiều lắm, không ngủ được. Ba mẹ biết chuyện, khóc hết nước mắt vì em phải đi tù", trại viên 21 tuổi nói.
Các phạm nhân trại giam Thủ Đức trồng cây lưu niệm trước ngày đặc xá. Ảnh: Trường Nguyên. |
Thời gian đầu vào trại Thủ Đức, Tùng bị khủng hoảng, ám ảnh với những gì mình gây ra. Nhiều đêm trại viên này trằn trọc nghĩ về gia đình đau khổ vì mình. "Vài lần vào thăm nuôi, mẹ nhìn em chỉ biết khóc, dặn phải nghe lời cán bộ, cải tạo tốt để về nhà".
“Nhờ cán bộ quản giáo quan tâm, chia sẻ, em dần vượt qua khủng hoảng. Công việc lao động cũng giúp em nguôi ngoai về những hình ảnh ngày gây án. Những lúc gặp khó khăn, cán bộ trại tận tình hướng dẫn giúp đỡ, nên năm nào em cũng đạt thành tích cải tạo tốt", Hùng nhớ về những ngày ở trại.
Thời điểm được cán bộ trại Thủ Đức thông báo mình được vào danh sách đề nghị đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9, Tùng vui không ngủ được.
Theo đại tá Trần Văn Hạnh, Phó giám thị phụ trách phân trại K5, thời gian đầu Tùng khá trầm tính, hay mất ngủ. Sau khi được cán bộ hướng dẫn và quan tâm chia sẻ, Tùng dần mở lòng, trở thành trại viên xông xáo, lao động năng nổ.
Chia sẻ trước ngày rời trại về đoàn tụ gia đình, Tùng tâm sự: "Em nói cha mẹ đừng lên đón, em còn khỏe, tự về được. Về đến nhà, lời đầu tiên em nói sẽ là xin lỗi cha mẹ vì thời gian qua họ đã đau khổ, lo lắng cho đứa con lầm lỡ. Em sẽ tìm việc ở quê để làm lại cuộc đời, phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ".
* Tên phạm nhân đã thay đổi.