Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành quy định cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, nhưng dựa trên sự tự nguyện và được hưởng thành quả lao động.
Tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/1, nhiều đại biểu đã góp ý về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Trong đó, quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam (Điều 17) được nhiều đại biểu quan tâm. Điều này nêu rõ: Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam.
Lập khu, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam
Trình bày báo cáo về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu là tán thành và không tán thành.
Ý kiến không tán thành cho rằng quy định của dự luật sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho người dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.
|
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn |
Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc, nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.
Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng... Tổng kết thực tiễn thì trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn .
Từ đó, các cơ quan này thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động ; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch...
"Quy định mang tính nguyên tắc trong luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: Loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân...", bà Nga cho biết.
Làm rõ quan hệ trại giam - phạm nhân - doanh nghiệp
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc thực hiện đúng các quy định cũng như đảm bảo chính sách nhân đạo như sự tự nguyện lao động, hưởng thành quả lao động của phạm nhân.
"Chúng ta đưa phạm nhân ra ngoài nhưng phải xem họ có mong muốn hay không, hay e ngại gì đó thì phải tôn trọng. Phạm nhân lao động cũng phải được hưởng thành quả của mình làm ra chứ không mang về cho ai đó", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với chủ trương cho lập khu sản xuất, điểm lao động nhưng dưới dạng phân trại. "Quan hệ giữa người bị giam giữ với cơ quan quản lý giam giữ, còn quan hệ giữa Điểm sản xuất với doanh nghiệp ở ngoài là quan hệ khác, chứ không phải phạm nhân ra làm việc cho một doanh nghiệp nào", bà nhấn mạnh.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh:
Thắng Quang.
|
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích việc cho lao động ngoài trại giam tại các điểm sản xuất là tạo điều kiện cho họ được lao động, có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động.
"Trong đội ngũ phạm nhân có người có trình độ lao động nhất định thì nên sử dụng. Quy định cứng quá thì khó thực hiện, do đó cần mở ra để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động", ông nói.
Cũng đồng tình với việc cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân như thế nào.
Theo ông, ngoài trại giam nhưng trong khu sản xuất, điểm lao động có thể thực hiện được, còn đưa phạm nhân vào doanh nghiệp thì không phù hợp với tinh thần Công ước quốc tế.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lưu ý cần phân biệt mối quan hệ giữa trại giam - phạm nhân - doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp trực tiếp làm việc (hợp đồng) với phạm nhân.
"Phạm nhân lao động là bắt buộc, tuy nhiên, lao động để sản xuất ra sản phẩm thương mại lại là vấn đề khác, cần phải có sự tự nguyện tham gia của phạm nhân", vị này góp ý.