Hồi tháng 6, một nữ lao công được phát hiện qua đời trong phòng nghỉ nhân viên tại Đại học Quốc gia Seoul thu hút sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc. Hiện trường không có dấu vết của việc bị giết hại hay tự sát.
Tuy nhiên, liên đoàn lao động cho rằng người phụ nữ 59 tuổi đã chịu căng thẳng tột độ do bị cấp trên bắt nạt tại nơi làm việc, theo Korea Herald.
Cụ thể, cuộc điều tra của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho thấy Đại học Quốc gia Seoul yêu cầu các nhân viên vệ sinh của trường làm bài kiểm tra viết mà phần lớn nội dung không liên quan đến công việc của họ. Bộ cũng phát hiện ra rằng người giám sát đã bắt nạt các lao công khi đánh giá cách ăn mặc của họ dù trường không có quy định về trang phục.
Cái chết của nữ lao công chỉ là một trong nhiều vụ việc liên quan đến quấy rối, bắt nạt những người cấp thấp trong xã hội.
Năm 2020, một bảo vệ tại khu căn hộ phức hợp đã tự sát sau khi bị một số cư dân đối xử tệ bạc. Vụ việc dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng, nhiều kênh thông tin cũng tràn ngập bài viết về các trường hợp ngược đãi, hành hung nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh, tài xế taxi hay những người được xem là làm công việc "thấp kém".
Nhiều người Hàn Quốc vẫn đánh giá người khác dựa trên nghề nghiệp. Ảnh: Kelly Kasulis/The World. |
Phân biệt đối xử
Theo một cuộc khảo sát năm 2016 được thực hiện bởi trang web tìm kiếm việc làm Saramin, hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ nghĩ rằng có sự phân chia cấp cao và cấp thấp hơn trong các loại công việc. Khi được hỏi lý do, họ đề cập đến sự khác biệt về mức thu nhập và cách một số công việc nhất định được nhìn nhận.
Gần 60% người được hỏi cho biết họ đánh giá người khác dựa trên nghề nghiệp. Cái nhìn của xã hội về một số ngành nghề cũng ảnh hưởng nhiều đến lối suy nghĩ của họ.
Trong một cuộc khảo sát khác được thực hiện cùng năm, chính quyền thủ đô Seoul đã hỏi 48.000 cư dân về các yếu tố đằng sau sự phân biệt đối xử, mỗi người có thể chọn nhiều đáp án.
Theo đó, 39,1% nhận định nghề nghiệp là yếu tố chính gây ra sự phân biệt đối xử; 50,8% cho là mức thu nhập trong khi 43,5% cho rằng đó là trình độ học vấn.
Những người làm công việc tay chân có xu hướng bị xem nhẹ hơn ngành nghề khác. Ảnh: Koreaexpose. |
"Chúng ta hay nói rằng không có cái gọi là vượt trội hay thấp kém đối với một công việc. Điều đó nghĩa là tất cả ngành nghề đều cần thiết để một xã hội có thể phát triển. Chúng ta nên nhìn nhận mỗi công việc với giá trị của riêng nó", Lee Byoung-hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung Ang, nói.
"Dù bạn được trả nhiều hay ít tiền, ở vị trí cao hay thấp, nếu một xã hội không có đủ các loại lao động sẽ nhanh chóng rơi vào rắc rối. Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống, đúng là tồn tại những công việc có thể được xem là vượt trội hoặc thấp kém hơn những nghề khác".
Tuy nhiên, ông cho rằng cần xác định rõ sự khác nhau giữa phân loại công việc và phân biệt đối xử. Một số chuyên gia có kỹ năng kiếm được nhiều tiền hơn và nhận được đánh giá cao hơn vì sự hiếm hoi của những kỹ năng đó. Nhưng phân biệt đối xử lại là một câu chuyện khác.
Để xóa bỏ sự phân biệt đối xử bất công dựa trên nghề nghiệp, giáo sư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và hỗ trợ những người thuộc tầng lớp cổ cồn xanh (người lao động làm công việc tay chân hay công việc cần trực tiếp dùng sức lực để hoàn thành).
"Phải bắt đầu ngay từ việc thay đổi quan điểm của người sử dụng lao động. Họ nên giúp nhân viên của mình cảm thấy an toàn, từ đó chủ động hơn. Những người lao động ở vị trí thấp cũng nên được trao quyền, được hỗ trợ một hệ thống để giúp họ có thể lên tiếng nếu cần".
Giáo sư Lee nói thêm rằng chính phủ Hàn Quốc cũng phải hoàn thành vai trò của mình trong việc thực thi luật pháp. Các biện pháp trừng phạt cần nghiêm khắc để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương.
Thay đổi
Theo thời gian, tình trạng phân biệt đối xử dựa trên nghề nghiệp ở xứ củ sâm bắt đầu có những sự thay đổi.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017, người lao động cổ cồn xanh như công nhân xây dựng, thợ hàn bắt đầu nhận được sự đánh giá cao hơn theo thời gian, được nhìn nhận tích cực hơn. Trong khi đó, thẩm phán vẫn là nghề nghiệp được trọng vọng nhất.
Ngoài ra, các phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng trực tuyến cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cho công chúng thấy được những góc nhìn khác về các công việc vốn không được nhiều người chú ý.
Kim Jin-seong là chủ nhân kênh YouTube có tên "Câu chuyện của tài xế xe buýt độ tuổi 20" có gần 70.000 người theo dõi. Anh làm tài xế xe buýt gần 2 năm nay.
Người lao động chân tay đang nhận được cái nhìn tích cực hơn từ xã hội Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
"Khi tôi mới bắt đầu lái xe buýt, nhiều người có cái nhìn tiêu cực về nghề nghiệp này, nhất là người lớn tuổi. Họ nói rằng tài xế cũng chỉ là tài xế dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa.
Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về công việc này đã trở nên tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Tài xế xe buýt cũng được trả lương cao hơn. Trước đây, các công ty sẽ bắt chúng tôi bồi thường thiệt hại trong trường hợp xảy ra tai nạn, giờ thì công ty sẽ là bên lo liệu việc đó".
Kim nghĩ rằng không có công việc nào là vượt trội hay kém cỏi nhưng người làm công việc đó thì có. Anh từng chứng kiến nhiều tài xế xe buýt không bật đèn xi nhan khi di chuyển. Theo Kim, nếu các tài xế tuân thủ luật giao thông, chẳng có lý do gì để mọi người coi thường họ.
"Công việc này có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định nếu làm đủ lâu mà không gặp tai nạn. Vì vậy, tài xế không phải là một công việc tệ. Phải có ai đó làm những công việc như thế này thì xã hội mới có thể tiếp tục phát triển".