Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

Ở giai đoạn đầu, sốt xuất huyết và Covid-19 có biểu hiện tương tự. Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng và con đường lây nhiễm của hai bệnh này khác nhau.

Mới đây, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết. Hầu hết bệnh nhân này nhập viện khá muộn khi tình trạng đã nặng.

Triệu chứng lâm sàng

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết: "Ở giai đoạn đầu (khoảng 3 ngày), bệnh nhân sốt xuất huyết có triệu chứng sốt, đau mỏi người. Đây là các triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống Covid-19 và một số bệnh do nhiễm virus khác. Do đó, chúng ta dễ nhầm lẫn giữa những bệnh này".

phan biet sot xuat huyet va covid-19 anh 1

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.

Tuy nhiên, ngoài biểu hiện sốt ở thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Theo TS Kim Thư, bệnh nhân Covid-19 sẽ xuất hiện các triệu chứng liên quan đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi... Trong khi đó, biểu hiện của bệnh nhân sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, đột ngột, đau mỏi người, hốc mắt và 2 bên thái dương.

Từ ngày thứ 4, người mắc sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng hơn, li bì, mệt mỏi, tiểu ít, xuất huyết ở da và niêm mạc. Một số trường hợp bị chảy máy cam, kinh nguyệt sớm ở phụ nữ.

Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng khẳng định bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân phải được sàng lọc dựa trên kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân có biểu hiện sốt tới khám tại bệnh viện sẽ được sàng lọc thông qua khai báo tiền sử dịch tễ và xét nghiệm máu.

Yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng là điểm khác biệt lớn giữa 2 căn bệnh này. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn. Trong khi đó, sốt xuất huyết lây nhiễm qua đường máu do muỗi truyền.

Không tự chữa sốt xuất huyết tại nhà

Theo TS Nguyễn Kim Thư, người bị nhiễm virus cấp tính thông thường sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Tình trạng bệnh thường diễn biến nặng ở ngày thứ 4-7 sau khi sốt. Trong thời gian này, người bệnh có nguy cơ xuất huyết, cô đặc máu và tụt huyết áp, dẫn tới tử vong. Do đó, tiến sĩ này nhận định việc thăm khám lâm sàng không đủ cơ sở kết luận tình trạng bệnh. Người có dấu hiệu nghi ngờ cần được xét nghiệm.

Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng khuyến cáo: "Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân có biểu hiện sốt nên đến cơ sở y tế khám sàng lọc. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn chúng ta quay lại xét nghiệm theo dõi ở ngày thứ 4 hoặc 5. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện".

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu mỗi ngày. Nguyên nhân là diễn biến của sốt xuất huyết có thể thay đổi nhanh. Các bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm để có biện pháp điều trị phù hợp.

phan biet sot xuat huyet va covid-19 anh 2

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng. Ảnh: Quốc Toàn.

Tiến sĩ này giải thích: "Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng bạch cầu giảm. Nếu chuyển sang giai đoạn cảnh báo, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy dấu hiệu giảm tiểu cầu (thường dưới 100 G/l), chỉ số hematocrit (HCT) tăng phản ánh sự cô đặc máu và có hiện tượng thoát huyết tương".

Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần được chỉ định truyền dịch và tiểu cầu. Số lượng dịch, tốc độ truyền sẽ phụ thuộc vào mức độ cô đặc máu của bệnh nhân và theo phác đồ Bộ Y tế.

"Có thể sau 1-2 giờ, tốc độ truyền buộc phải thay đổi. Do đó, việc điều trị sốt xuất huyết cần có sự điều chỉnh và theo dõi của nhân viên y tế. Bệnh nhân không thể tự điều trị tại nhà", TS Kim Thư khẳng định.

Khoa Virus - Ký sinh trùng thông tin số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ cuối tháng 8. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Giải Phóng) ghi nhận khoảng 10 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện mỗi ngày. Những người này bị sốt, đau mỏi nhưng không diễn biến nặng.

Nhận định về tình trạng "dịch chồng dịch" tại Việt Nam, TS Thư nói: "Chúng ta từng đối mặt với trường hợp tương tự và đã kiểm soát tốt. Năm 2009, sốt xuất huyết bùng phát cùng thời gian với cúm H1N1. Một số thời điểm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 400 người trong đêm. Do đó, tôi tin Việt Nam có một số kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và sẽ vượt qua giai đoạn này".

Bệnh nhân thứ 2 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết

Bệnh nhân trú tại phố Nguyễn Thiện Thuật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm