Bà Tâm (50 tuổi) là con thứ hai trong gia đình có 6 anh chị em ở xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Năm 1996, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, bà được quyền nuôi hai con nhỏ. Cũng kể từ đó, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, người đàn bà có vóc dáng thấp bé một mình cáng đáng hết.
Theo lời kể, năm 1999, do không có nhà ở, bà Tâm mua lại 125 m2 đất của anh trai là ông Thạnh với giá 4,9 triệu đồng để ba mẹ con có nơi trú ngụ.
Ngày ngày, bà đạp xe vào nội thành Hà Nội để buôn bán gà kiếm tiền nuôi các con ăn học. Sau thời gian, người phụ nữ tần tảo đã tích được khoản tiền nhỏ để xây căn nhà cấp bốn trên mảnh đất mới mua của anh trai. Tuy nhiên, ở thời gian không lâu, giữa hai nhà xảy ra tranh chấp và phải đưa nhau ra tòa giải quyết.
Bản án dân sự của TAND huyện Sóc Sơn thể hiện, năm 2006, biết anh trai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Tâm đề nghị làm thủ tục tách sổ đỏ. Tuy nhiên, ông Thạnh chỉ đưa giấy viết tay giao đất cho em gái. Hai bên trao đổi không thành nên nảy sinh tranh chấp.
Năm 2009, bà Tâm gửi đơn đề nghị UBND xã Đức Hòa giải quyết. Mặc dù chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng ông Thạnh vắng mặt và đòi giảm diện tích đã bán cho em gái, còn hơn 90 m2.
Sau nhiều năm mâu thuẫn, đến 2013, gia đình ông Thạnh tự ý phá dỡ của em gái. Vì chuyện này, vợ chồng ông Thạnh bị tạm giam về tội Hủy hoại tài sản. Riêng ông Thạch phải ra tòa vì tội Chống người thi hành công vụ.
Cũng theo bản án, do xót xa cảnh mất nhà, bà Tâm tiếp tục đề nghị anh trai thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo ông Thạnh, hai bên ban đầu có thỏa thuận chuyển nhượng 125 m2 đất, để bà Tâm có chỗ ở. Khi có tiêu chuẩn mua đất giãn dân, bà Tâm phải nhượng lại cho ông. Đến năm 2006, ông Thạnh viết lại giấy giao đất và cam kết về việc mua suất đất giãn dân của em gái. Nhưng khi có đợt phân đất, bà Tâm không làm đơn nên ông không mua được đất dẫn đến tranh chấp.
Cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Tâm và ông Thạnh là vi phạm vì đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Ông Thạnh đã tự ý một mình thực hiện giao dịch là không đúng. TAND huyện Sóc Sơn cũng bác đơn của bà Tâm, buộc nguyên đơn phải giao đất lại cho anh trai. Về trách nhiệm dân sự, ông Thạnh phải trả lại một nửa số tiền đã nhận của bà Tâm. Số tiền quy đổi giá trị thời điểm hiện tại là hơn 200 triệu đồng.
Sau bản án trên, VKSND Hà Nội, cũng như nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm sáng 6/4, bà Tâm đề nghị được trả lại đất đã mua của anh trai. Còn ông Thạnh chống án vì cho rằng chỉ phải đền bù hơn 2 triệu đồng.
Cho rằng cần phải giám định chữ viết trên giấy mua bán giữa nguyên đơn và bị đơn, sau buổi sáng xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm.
Rời tòa giữa cơn mưa phùn lất phất, người đàn bà trung niên ôm túi hồ sơ khóc từng hồi. Bước chân chống chếnh, bà Tâm nói ngắt quãng: "Tôi mệt mỏi quá rồi, muốn buông xuôi tất cả. Có nhà cũng không được về, con trai kết hôn phải ở nhờ nhà vợ, con gái lớn đi thuê phòng để công tác".
Bà Tâm chia sẻ, hiện bà phải đi làm giúp việc để có thu nhập và chỗ ở hàng ngày. Từ ngày việc tranh chấp xảy ra, tình cảm anh em bà cũng không còn.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.